- “Khi có nạn tất cả tàu thuyền đi vào còn chúng tôi phải đi ra đương đầu với sóng gió, nhiệm vụ là phải tìm thấy người cuối cùng mới quay về”.

Đó là tâm sự của một thuyền viên tàu cứu hộ vụ chìm tàu trên biển Cần Giờ .

“Chạy đua” giữa trùng khơi…

Sáng 5/8, trên bến cảng ở Vũng Tàu, ai cũng nghẹn đắng lòng khi thấy người đàn ông tên Thi khóc than trước thi thể cháu mình là anh Đào Mạnh Cường (SN 1985, quê Thái Bình).

“Gia đình tôi làm sao nhận xác được đây, khi đi cháu tôi mạnh khoẻ, giờ giao xác cháu tôi lạnh lẽo thế này…”.

{keywords}

Những thủy thủ SAR 413 đưa thi thể nạn nhân cuối cùng vào bờ

Chứng kiến cảnh ấy, những thủy thủ trên con tàu cứu nạn SAR 272 quệt vội những giọt nước mắt trong sự mệt mỏi sau nhiều ngày đêm thức trắng chạy đua với thời gian.

Họ tiến tới thắp nén nhang cho người đã khuất…

Cùng lúc đó những thủy thủ SAR 413 đưa thi thể nạn nhân cuối cùng là anh Nguyễn Bá Đức (SN 1983, quê Thanh Hóa) cập bờ.

Không ai nói ai, những thủy thủ tàu đứng trên boong thắp nén nhang, trên tay là bó hoa cúc vàng….

Không khí trên boong 2 tàu SAR 272 và SAR 413… chùng xuống. Nhiều thuỷ thủ khi được hỏi về những ngày tham gia cứu hộ vừa qua, chỉ ngậm ngùi: “Không biết diễn tả thế nào; những người bị nạn, chết đi, thì nhẹ nhàng, nhưng những người được cứu sống thì đang hoảng loạn và đầy nỗi đau mất người thân”.

Hoàn thành nhiệm vụ, nhưng thủy thủ của 2 tàu cứu hộ vẫn chưa được nghỉ ngơi mà tiếp tục bắt tay vào công việc dọn dẹp, làm sạch mặt tàu.

{keywords}

Nỗi đau của gia đình khi nhận thi thể người thân

 

Ông Phạm Hiển – Giám đốc trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khu vực 3 (VungTau MRCC) cho biết: trong điều kiện trang thiết bị của lực lượng cứu hộ, cứu nạn còn nhiều hạn chế, nhưng cuối cùng tất cả các nạn nhân đều đã được tìm thấy nguyên vẹn.

Ngay sau khi công việc tìm kiếm được hoàn tất, ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục Hàng hải VN đã có mặt tại tàu chỉ huy SAR 413 tuyên dương toàn bộ thuỷ thủ, “thưởng nóng” mỗi tàu 10 triệu đồng.

“Thấy đau xót, thương tâm lắm!”

Theo ông Phạm Hiển, khi nhận được tin báo về tai nạn trên biển, đơn vị đã điều tàu xuất bến.

Từ điểm tàu cứu hộ cứu nạn đến điểm bị nạn khoảng 21 hải lý (khoảng 40 km), đặc biệt thời điểm đó thời tiết xấu với sức gió giật mạnh cấp 6-7, sóng đánh cao 4-5mét, cộng thêm mưa khiến tầm nhìn xuống rất thấp.

{keywords}

Thắp nén nhang, phân ưu trước vong linh người xấu số.

 

Được biết, địa điểm nơi tàu bị nạn nằm trong vùng biển Cần Giờ, với đặc điểm là bãi bồi, có nơi độ sâu cách mặt nước chỉ khoảng 1 mét. Nếu không khéo tàu cứu nạn cũng có thể gặp nguy hiểm.

Đại tá Đào Quang Hiển – tham mưu trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh BR-VT bày tỏ: “Chúng tôi quá hiểu địa bàn này, nếu tàu lớn đi vào là mắc cạn ngay”.

Tuy vậy, hầu hết anh em thuỷ thủ tàu cứu hộ, cứu nạn đều đau đáu một quyết tâm “Khi có nạn, tàu thuyền đi vào còn chúng tôi phải đi ra đương đầu với sóng gió; nhiệm vụ của chúng tôi là phải tìm thấy người cuối cùng mới quay về”.

Ông Phạm Thanh Nam, thuyền trưởng tàu SAR 413 cũng là chỉ huy hiện trường cho biết: khi đó cho tàu chạy hết tốc lực dù trong cơn giông gió giật mạnh, nên hơn 1h sau, tàu đã tiếp cận được với hiện trường.

Cứu được 21 nạn nhân, các phương tiện lập tức chuyển qua tìm kiếm 9 người còn lại bị mất tích; tàu SAR 413 và tàu SAR 272 trở thành lực lượng chủ đạo của cuộc tìm kiếm.

Theo thuyền trưởng Nam, việc xác định được xác nạn nhân mất tích trôi về khu vực nào rất quan trọng. Dựa theo đánh giá về tình hình thời tiết vùng biển bị nạn, dòng thuỷ triều, vị thuyền trưởng này đánh giá các nạn nhân mất tích có thể trôi ngược vào bên trong bờ biển.

Điều này khác với các vụ tai nạn trước đây khi đa số nạn nhân bị nước cuốn ra ngoài biển.

Thuỷ thủ Hiếu của tàu SAR 413 nói: “Những ngày qua chúng tôi chẳng còn chú ý đến thời gian. Chỉ biết cố gắng tìm nạn nhân cả ngày lẫn đêm. Bởi, nạn nhân đã chết rồi, nếu không tìm được xác về trao cho người thân của họ thì chúng tôi cũng không yên lòng. Khi nào mệt quá, anh em thay nhau ngủ một chút, hầu như đêm nào cũng chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng đồng hồ”.

Khi các thuỷ thủ xuống biển đưa xác nạn nhân lên, không ai không kìm được nước mắt khi thấy thi thể nạn nhân bị biến dạng nặng nề, da dẻ phù nề đen đúa và mùi rất nặng.

“Lúc đầu thấy nạn nhân biến dạng như vậy, có người chùn tay khi tiếp xúc; nhưng khi lòng thương cảm dâng lên, chúng tôi đã làm việc này khá dễ dàng” - anh Ký, thợ máy của tàu cứu nạn người 7 năm trong nghề, ngậm ngùi nói.

{keywords}

Lực lượng cứu hộ vừa làm nhiệm vụ, vừa quệt vội những dòng nước mắt

 

Thuyền trưởng Nam có thâm niêm gần chục năm trong công tác cứu hộ cứu nạn nói thật lòng: “Khi vào ngành này anh em đã xác định ngay từ đầu, phải có tâm huyết lắm mới làm được việc này”.

Khi tai nạn xảy ra, có những con tàu quay vào bờ, nhưng họ - những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn lại quay ra tâm điểm của sóng to, gió lớn.

Họ đau cùng gia đình nạn nhân xấu số, quyết tâm tìm thấy nạn nhân cuối cùng mới quay về, dù ở phía trước có thể phải đối diện với những rủi ro, mất mát…

Nguyễn Anh