- Để ứng phó với cơn bão phức tạp này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để ứng phó, không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão mạnh này, Bộ trường Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các địa phương trong vùng ảnh hưởng sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm trước 10 giờ ngày 30/9; cho học sinh nghỉ học trong ngày 30/9.
Theo báo cáo của Biên phòng các tỉnh, tính đến trưa 29/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 50.000 phương tiện và 255.000 người biết diễn biễn của bão số 10 để chủ động di chuyển phòng tránh.
Quảng Trị: Sẽ di dời 9000 dân tránh bão số 10
Bão số 10 là cơn bão mạnh, có thể gây mưa lớn và thiệt hại nặng tại tỉnh Quảng Trị. Theo dự báo, bão sẽ đổ bộ vào đất liền sớm hơn 1 ngày, có thể là ngày 30/9 và tỉnh Quảng Trị nằm trong tâm bão.
|
Chằng chống nhà cửa, cây cối ở Quảng Trị. |
Chính vì vậy, ban phòng chống bão lũ tỉnh Quảng Trị tiến hành rất khẩn trương với tinh thần chủ động phòng tránh, đặc biệt tại các vùng ven biển, vùng dễ xảy ra lũ quét để có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn.
Xác định huyện Gio Linh nằm trong “mắt bão” nên ngoài việc đưa tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn; khẩn trương chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây xanh ở các trục đường, thôn xóm.
Ban chỉ huy PCLB huyện đã triển khai các phương án phòng chống bão lụt theo phương châm 4 tại chỗ. Vấn đề cấp bách hiện nay là xây dựng và sẵn sàng các phương án sơ tán dân tại các khu dân cư đang sống ven biển, ven sông suối, các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân nếu bão đổ bộ đất liền.
Những người dân ở Quảng Trị đang ráo riết chuẩn bị ứng phó với bão số 10. |
Những nhà cấp 4, không đổ mái bằng, nhà tạm bợ nằm trong diện di dời thì đã lên phương án chủ động di dời đến các địa điểm, các nơi kiên cố như nhà 2 tầng, trường học… và đảm bảo đủ lương thực cho bà con tại nơi sơ tán. Trong đợt này, huyện Gio Linh có khoảng 2.500 hộ với 9.000 người dân nằm trong diện phải di dời.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, Trưởng ban chỉ huy PCBL huyện cho biết: “Hiện huyện đang rất quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác triển khai phòng chống bão trên địa bàn, đặc biệt là ở vùng ven biển, vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao do bão.
Hiện nay, huyện đã lập ban chỉ huy Tiền phương tại xã Trung Giang và thị trấn Cửa Việt để chỉ đạo trực tiếp, bảo đảm an toàn về người, tài sản, tàu thuyền tại vùng bãi ngang”.
Các lực lượng vũ trang huyện Gio Linh cũng đã tích cực triển khai lực lượng giúp bà con di dời tài sản, sơ tán dân, trực 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu kịp thời nếu có tình huống xấu xảy ra.
Ngoài ra các huyện, thị còn lại tại các vùng ven biển như huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Hải Lăng và các huyện thị khác, công tác triển khai phòng chống bão lụt cũng đang được chính quyền các địa phương, nhân dân gấp rút triển khai.
Đến chiều 29/9, việc ứng phó với cơn bão số 10 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được thực hiện đồng bộ, sẵn sàng.
Đà Nẵng: Cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó bão
Chiều 29/9, Bộ tư lệnh vùng 3 Hải quân đóng tại Đà Nẵng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của bão số 10, đã tập trung lực lượng, phương tiện và triển khai các phương án sẵn sáng đối phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Hiện các tàu đang làm nhiệm vụ trên biển kịp thời bắn tín hiệu thông báo cho tàu thuyền ngư dân không đi vào khu vực có bão. Bộ Tư lệnh Vùng đã chỉ đạo cho Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các khu vực cửa biển Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng.
Ngư dân đưa tàu vào bờ neo đậu tránh bão số 10. |
Ngoài ra, Bộ tư lệnh còn chuẩn bị 2 tàu đầu kéo, 10 xuồng cao tốc, 12 xuồng cao su, 6 xe tải, 4 xe cẩu, 3 xe cứu thương, 5 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sỹ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng ứng cứu nhân dân trên các vùng rốn lũ Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng khi có tình huống xấu xảy ra trong bão lũ.
Đến 16 giờ chiều 29/9, các đơn vị trực thuộc của Bộ tư lệnh vùng 3 Hải quân đã sơ tán hơn 50 hộ dân là gia đình quân nhân và nhân dân địa phương vào doanh trại đơn vị tránh bão; đồng thời, các lực lượng của Vùng hướng dẫn cho 178 tàu cá với gần 2.000 ngư dân vào các vị trí tránh bão an toàn tại các điểm đã qui định.
Bão số 10 được dự báo là rất nguy hiểm, có cường độ mạnh và diễn biến trái với quy luật thông thường - đây là nhận định của Ban phòng chống lụt bão Đà Nẵng tại cuộc họp trưa hôm nay.
Ban Chỉ huy PCLB triển khai công tác phòng chống bão số 10. |
Để ứng phó với cơn bão phức tạp này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để ứng phó, không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào.
Mọi phương án phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ phải được hoàn thành chậm nhất vào sáng mai (30/9) - ông Chiến nói.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với bão. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT theo dõi diễn biến của bão số 10 để quyết định cho học sinh từng vùng, từng khu vực nghỉ học và tổ chức học bù theo quy định.
Thừa Thiên- Huế: Buộc di dời hàng trăm hộ dân trước bão
Ngày 29/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Lê Trường Lưu đã kiểm tra tình hình lụt bão tại huyện Quảng Điền. Tại đây, Phó Chủ tịch tỉnh chỉ đạo, huyện có 357 hộ buộc phải di dời, trong đó quan tâm nhất là những thôn ở vùng biển của 2 xã Quảng Công và Quảng Ngạn.
Ông Lưu lưu ý các địa phương tuyên truyền để bà con nhân dân chủ động phòng chống cơn bão; rà soát các đối tượng nằm trong diện di dời để có phương án trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền; cần quan tâm những hộ dân có hệ thống ghe thuyền, ao hồ nuôi cá trên vùng cát ven biển và trên phá Tam Giang.
Ông Nguyễn Đình Đức- PCT UBND huyện Quảng Điền cho hay, huyện đã triển khai các biện pháp phòng chống ứng phó cơn bão số 10, trong đó quan tâm nhất là ở các thôn Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn), thôn Tân Lộc, Tân Thành, An Thành (xã Quảng Công).
Cùng ngày, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động gần 600 cán bộ, chiến sĩ thường trực từ cơ quan đến các đơn vị và trên 3.400 cán bộ, chiến sĩ của 152/152 trung đội dân quân cơ động ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sẵn sàng chống bão.
Dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 3.000 hộ, 11.500 nhân khẩu ở các vùng sạt lở, ven biển phải sơ tán đến nơi an toàn khi có bão, lũ xảy ra.
Tại Hà Tĩnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCBL tỉnh Hà Tĩnh, ông Bùi Lê Bắc cho biết, tất cả các tàu thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin vào bờ trú tránh bão.
Các phương án khác đối phó với bão số số 10 cũng đã được chỉ đạo nghiêm túc, có phương án di dời dân ở vùng ven biển.
Tại Quảng Bình, Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, công tác chỉ đạo phòng chống cơn bão số 10 đã được quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
Tính đến 14h ngày 29/9, hơn 3.400 tàu thuyền đã vào bờ trú tránh bão, không còn tàu thuyền nào trên biển nữa.
Tất cả các phương án đều đã được chuẩn bị, kể cả phương án di dời dân ở những khu vực trọng điểm.
N.Võ - V.Trung - Ng.Phương - Tr.Văn