- Ông Võ Đại Hàm (70 tuổi, gọi Đại tướng Giáp bằng ông) cũng là người trông coi nhà lưu niệm của Đại tướng, khuôn mặt như vô hồn, đôi mắt sâu thẳm nói như khóc "Biết ngày này rồi cũng phải đến, nhưng sao lòng con nặng trĩu, tiếc thương lắm ông ơi...".
Nước mắt nghẹn ngào
Dù chưa báo tang nhưng hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần, người thân, họ hàng, những người con làng An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã nghẹn ngào, rơi nước mắt, những kỉ niệm về vị Đại tướng dung dị, gần gũi lại ùa về như mới ngày hôm qua...
|
Bà Lài và nhiều người con An Xá cầm bức ảnh chân dung Đại tướng buồn bã, tiếc thương. |
Khác với mọi ngày, hôm nay con đường nhỏ bé cạnh bờ sông Kiến Giang thơ mộng của làng An Xá bỗng dưng người ra, kẻ vào tấp nập.
Khuôn mặt khắc khổ của người dân vùng quê thuần nông nghèo khó cũng trở nên u ám thêm khi những giọt nước mắt như chực để rơi khi hay hung tin.
Bên trong gian nhà lưu niệm nhỏ bé của vị Đại tướng Anh hùng, những khuôn mặt buồn bã đang chăm chú nhìn những bức tranh, những kỉ vật đang trưng bày kín nhà.
Bà Võ Thị Lài (75 tuổi, cháu họ tướng Giáp) ôm tấm hình chân dung của vị Đại tướng quá cố gào khóc nức nở: "Bác ơi... nhớ thương bác lắm bác ơi. Đã lâu lắm rồi không được nhìn thấy Bác, Bác đi rồi chẳng thể nào gặp lại nữa rồi."
|
Ông Võ Đại Hàm: "Biết ngày này rồi cũng phải đến, nhưng sao lòng con nặng trĩu, tiếc thương lắm ông ơi...". |
Một số cụ bà khác cố kìm nén xúc động, tay cầm tấm hình chân dung Đại tướng mắt chăm chăm ngắm nghía với ánh mắt đầy trìu mến, tiếc thương.
Ông Võ Đại Hàm (70 tuổi, gọi Đại tướng Giáp bằng ông) cũng là người trông coi nhà lưu niệm của Đại tướng, khuôn mặt như vô hồn, đôi mắt sâu thẳm nói như khóc "Biết ngày này rồi cũng phải đến, nhưng sao lòng con nặng trĩu, tiếc thương lắm ông ơi...".
Cụ Huệ lau nước mắt, tiếc thương Anh Văn (tên gọi của người địa phương về tướng Giáp) |
Cụ Nguyễn Thị Huệ (93 tuổi, nhà ngay bên cạnh nhà lưu niệm Đại tướng) đã nằm một chỗ từ lâu nhưng khi hay tin anh Văn (tên người làng thường gọi) mất cũng không kìm được nước mắt.
Lấy khăn lau giọt nước mắt hiếm hoi trên khuôn mặt khô héo của tuổi già, cụ Huệ lẩm bẩm "Anh Văn tốt lắm, gần gũi xóm làng lắm, lần nào về cũng ghé thăm hỏi han sức khỏe tui."
Trắng đêm kí ức Đại tướng ùa về
Ông Võ Xuân Hòa (59 tuổi, gọi ông Giáp bằng bác thúc bá), thẫn thờ đưa những bức ảnh về gia đình Bác Giáp ra lau chùi, ngắm nghía.
Ông Hòa cho biết, lúc 21h đêm 4/10, con gái đang học Đại học ở Huế gọi điện về nói trên các trang mạng đã thông tin "ông Giáp mất rồi".
Vẫn chưa tin, ông Hòa đã gọi điện cho ông Định (gọi ông Giáp là cậu ruột) ở Hà Nội để hỏi thì nhận được tin buồn, Đại tướng đã mất lúc 18h09.
"Nhận được tin bác mất, đêm qua tôi không tài nào chợp mắt, bao nhiều kỉ niệm về bác ấy hiện về trong đầu tôi, hình ảnh con người giản dị, hóm hỉnh, những lời dặn dò tâm tình của bác cứ làm tôi nhớ mãi.
Ông Hòa buồn bã, ngắm nghía lại bức ảnh gia đình Đại tướng. |
Lần bố tôi mất, bác Giáp có về thắp hương, động viện thăm hỏi. Hôm đó, Bác ấy ngồi lại đến khoảng 11h đêm, khá lâu so với những lần về trước chuyện trò, tâm tình rồi đoàn cận vệ đưa bác ra nhà khách huyện để nghỉ" - ông Hòa nhớ lại.
Ông Lê Chánh Bường (SN 1954, trú thôn Tuy Lộc, Lộc Thủy) khuôn mặt buồn bã kể, từ năm học lớp 3 là lần đầu tiên ông được gặp ông Giáp, lúc đại tướng về thăm quê. Tướng Giáp ghé trường tiểu học của xã thăm hỏi học sinh. Đó là năm 1964, khiến ông ấn tượng mãi.
"Tôi nhớ lần nào về Đại tướng cũng ghé trường tiểu học trong xã để động viện, thăm hỏi học sinh. Ông ấy như một người già trong làng, gần gũi, giản dị, rất hóm hỉnh và đặc biệt vẫn giữ được giọng nói vùng Lệ Thủy khi trò chuyện với bà con chúng tôi.
Ông ấy cũng nghiện nghe hò khoan Lệ Thủy lắm, cứ có dịp về quê là ông ấy cứ đòi phải nghe được điệu hò quê hương rồi mới chịu đi" - ông Bường kể.
Theo ông Bường, đêm qua, lúc gần 12h đêm mới nghe tin ông Giáp mất, thế là cả 2 vợ chồng ông nằm thao thức không chợp mắt được, kể với nhau bao nhiêu câu chuyện về tình cảm mến thương của một vị tướng anh hùng, một người con quê hương giản dị mà gần gũi.
Trần Văn