- Đã có hàng trăm bài viết, cuốn sách và công trình nghiên cứu về chế độ 'gia đình trị' ở miền Nam Việt Nam dưới thời Ngô Đình Diệm. Hầu hết những tài liệu đã công bố, đăng tải về lịch sử giai đoạn này đều có đề cập đến cặp vợ chồng "đệ nhất" Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân. Tuy nhiên, những thông tin về sự khởi nghiệp của Ngô Đình Nhu và "đệ nhất biệt điện" - nơi hưởng lạc xa hoa lộng lẫy của gia đình họ Ngô ở Đà Lạt thì không hẳn đã nhiều người biết đến.
Những dinh thự xa hoa của cựu hoàng Bảo Đại
Khám phá ngôi nhà “quái dị” nhất Việt Nam
Nhà gỗ nào “khủng” nhất miền Bắc
Đệ nhất biệt điện
Một trong ba biệt điện của Trần Lệ Thủy tại Đà Lạt (ảnh: xehoivietnam.com) |
Thời kỳ gia đình họ Ngô còn thống trị miền Nam, giới tướng lĩnh ngụy quyền và nhiều người dân thượng lưu Sài Gòn biết đến khu biệt điện xa hoa lộng lẫy bậc nhất của gia đình Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân ở số 2 Yết Kiêu (phường 5 - Đà Lạt, Lâm Đồng hiện nay). Sau nửa thế kỷ, sự lộng lẫy và vẻ mỹ lệ của khu biệt điện này không hề mất đi.
Hồ bơi trong khu biệt thự Bạch Ngọc. Thời của Trần Lệ Xuân, toàn bộ hệ thống này đều được làm nóng. (Ảnh: xehoivietnam.com) |
Khu biệt điện từng được xem là "đệ nhất trời Nam" được khởi công từ năm 1958 có ba toà biệt lập với các tên gọi Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc.
Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá; Lam Ngọc dùng làm nơi nghỉ cuối tuần của riêng gia đình Lệ Xuân, còn Hồng Ngọc là biệt thự mà "bà Nhu" xây tặng cho Trần Văn Chương, bố đẻ của mình.
Còn đây là biệt thự Lan Ngọc - một trong những biệt điện mà Trần Lệ Xuân sở hữu. (Ảnh: xehoivietnam.com) |
Lúc khởi công xây dựng cụm biệt điện này, gia đình họ Ngô đang thời kỳ "làm mưa làm gió" ở miền Nam nên Trần Lệ Xuân đã huy động tối đa nhân, vật lực và tinh hoa kiến trúc nhân loại để thể hiện đến đỉnh cao uy quyền và sự giàu sang phú quý của chủ nhân. Nội thất của tất cả các biệt thự trong tổng khuôn viên 13.000m2 có đầy đủ phòng làm việc, hội họp, phòng khiêu vũ.
Vườn hoa phía dưới biệt thự Lam Ngọc, được thiết kế bởi những kỹ sư Nhật bản. Ảnh: xehoivietnam.com |
Ngoài sân có hồ bơi nước nóng, vọng đài và một vườn hoa do những kỹ sư được thuê từ Nhật Bản sang thiết kế (nên còn gọi là vườn hoa Nhật Bản). Điểm thú vị, độc đáo của vườn hoa Nhật Bản phía sau biệt thự Lam Ngọc là có một hồ sen khi bơm đầy nước trên hồ này sẽ hiện rõ hình địa đồ Việt Nam.
Khu hầm trú ẩn trong biệt điện. Ảnh: xehoivietnam.com |
Giấc mộng bá quyền cuồng loạn và mưu đồ chia cắt Tổ quốc Việt Nam đã theo người đàn bà quyền lực bậc nhất miền Nam một thời đến tận chốn hưởng lạc cuối tuần này! Đặc biệt, trong biệt thự Lam Ngọc có hầm trú ẩn được thiết kế bằng thép có thể chống đỡ được sức công phá của đạn B40 và đường hầm thoát hiểm mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn chỉ có thể phỏng đoán các đường hầm trong nhà đều dẫn ra sân bay Cam Ly(?).
Vườn hoa thể hiện ý muốn bá chủ thiên hạ của Trần Lệ Xuân. Ảnh: xehoivietnam.com |
Cũng chẳng ai còn nhớ Trần Lệ Xuân đã phải bỏ ra bao nhiêu triệu Mỹ kim để xây dựng nên cụm biệt điện đặc biệt này, nhưng vẻ đẹp lộng lẫy, tinh tế đến từng cái rãnh thoát nước của khuôn viên thì vẫn trường tồn với thời gian sau gần nửa thế kỷ "triều Ngô" kết thúc. Có lẽ cũng chính vì sự nuối tiếc một thời vàng son ở chốn bồng lai tiên cảnh, nên những ngày cuối đời định cư tại Pháp trong sự cô quạnh của tuổi già, “bà Nhu” vẫn mang theo bên mình tấm ảnh chụp khu biệt điện này chăng?
Thiên hạ đệ nhất Nghinh Phong
Ngoài ngôi biệt điện ở Đà lạt, Trần Lệ Xuân từng sở hữu 2 ngôi biệt thự ở Nha Trang với tên gọi: biệt thự Nghinh Phong, Vọng Nguyệt.
Đệ nhất Nghinh Phong - một trong những ngôi biệt thự tại Nha Trang mà Trần Lệ Xuân từng sở hữu. Ảnh: nhatrangtravel.com |
Năm 1923, người Pháp đã xây một cụm biệt thự trên núi Chutt để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học, xung phong tiền trạm chuẩn bị cho việc thiết lập một viện nghiên cứu biển vùng Đông nam Á. Theo thứ tự từ mỏm núi Chutt vào, 5 biệt thự ấy có tên là: Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ, Bàng. Biệt thự nào trồng cây nấy quanh vườn để dễ nhớ, dễ tìm. Sau khi khánh thành 5 biệt thự này, người Pháp tiến hành xây Viện Hải dương học (năm 1925), nay là Viện Nghiên cứu biển Nha Trang.
Một góc Nghinh Phong và Vọng Nguyệt. Ảnh: nhatrangtravel.com |
Chủ nhân đầu tiên của biệt thự Xương Rồng là tiến sĩ Krempt – người Ðức. Ông là vị giám đốc đầu tiên của Viện Hải dương học Nha Trang. Từ năm 1940 đến năm 1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến nghỉ tại biệt thự Xương Rồng, lấy việc câu cá làm thú tiêu khiển, thế là cụm biệt thự này có tên Lầu Bảo Ðại từ ấy.
Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc. Gia đình tổng thống Ngô Ðình Diệm là chủ nhân mới của 2 biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ. Bà Trần Lệ Xuân – phu nhân cố vấn Ngô Ðình Nhu đã đặt cho biệt thự Xương Rồng tên mới là Nghinh Phong và Bông Sứ là Vọng Nguyệt.