- Tòa tuyên chồng vô tội, người vợ mừng khôn xiết. Niềm vui với chị thật khó nói thành lời. Thế nhưng khi được hỏi về việc sẽ yêu cầu bồi thường oan sai, chị chỉ cười rồi đáp: "thôi thì coi như cái xui, cái rủi của mình qua rồi, giờ về yên tâm làm ăn, cưới vợ cho con thôi".

"Đâu ngờ lớn chuyện"

Hơn 1h trưa, phòng xử A của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lặng ngắt. Anh Nguyễn Thanh Cần - bị cáo trong vụ án trộm cắp đi ra đi vào, tỏ ra nóng ruột chờ phiên tòa được mở.

Trên hàng ghế dự khán, chị Mén - vợ anh buông tiếng thở dài nói về vụ án hi hữu của mình: "tòa đã xử thế rồi Viện kiểm sát còn kháng nghị chi không biết. Của chồng, công vợ, của người ta là của chung mà, tui không biết chồng lấy mới báo công an chứ bộ".

{keywords}

Vợ chồng anh Cần - chị Mén vui mừng khi tòa tuyên vô tội

Chị bảo không hiểu năm xui tháng hạn thế nào mà vợ chồng giận dỗi nhau, ổng lấy tiền trêu ngươi vợ chứ "đâu ngờ lớn chuyện dữ vậy".

Kể về quãng thời gian chồng ngồi tù hơn một năm, chị bảo đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng. Sau khi anh bị công an bắt giam, đều đặn tuần nào chị cũng lên tiếp tế cho chồng.

"Mình không lên không yên tâm, sợ ổng ở đó thiếu thốn, lại nghĩ quẩn. Từ nhà chạy xe máy lên chỗ giam hết hơn nửa tiếng đồng hồ, tuần nào cũng gửi đồ nhưng một tháng mới được gặp mặt một lần. Lúc mới bị bắt thì 4 tháng sau mới được gặp vì đang điều tra", chị tâm sự. Bản thân chị cũng phải lên xuống cơ quan điều tra rất nhiều lần để lấy lời khai bởi chị là bị hại trong vụ án.

Hỏi anh Cần có chí thú làm ăn cùng vợ tạo dựng tài sản hay không, chị Mén nhanh nhảu đáp: "Có chứ, của chồng công vợ mà! Hồi mới lấy nhau vợ chồng hai bàn tay trắng. Làm ăn tích góp mới có tiền. Có của ăn của để thì ổng cùng bạn bè nhậu nhẹt chút nên vợ chồng mâu thuẫn, mà vợ chồng nhà nào chẳng có lúc nọ lúc kia chứ làm được đồng nào ổng đưa tui hết, tui chỉ đưa tiền cho vừa xài thôi".

Bồi thường ra sao?

Trở lại vụ án, anh Nguyễn Thanh Cần từng bị khép tội "trộm cắp tài sản" và bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt mức án 7 năm tù. Sau đó, bản án trên bị hủy để điều tra xét xử lại từ đầu.

Ngày 3/7/, xử sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Tây Ninh nhận định không đủ cơ sở kết luận anh Cần phạm tội trộm cắp tài sản nên tuyên anh không phạm tội và trả tự do tại tòa.
Tuy nhiên những ngày vui mừng chưa được bao lâu thì ngày 18/7, vợ chồng họ nhận được thông báo VKSND tỉnh Tây Ninh kháng nghị bản án đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lại vụ án theo hướng có tội.

Phấp phỏng, lo lắng là tâm trạng chung của cả gia đình. Anh thừa nhận đúng là mình đã có hành vi như cáo trạng hay bản án sơ thẩm nêu nhưng thực ra anh chỉ tức với vợ, giấu tài sản đi cho bõ ghét, đó cũng có phần mồ hôi công sức của mình nên anh hoàn toàn không nghĩ sẽ trộm cắp, nhất là chuyện sẽ bị tù. Mọi việc đã đi quá xa, anh bị bắt tạm giam.

Tại phiên tòa phúc thẩm, VKSND Tối cao đã rút toàn bộ kháng nghị vì thấy bản án sơ thẩm tuyên anh vô tội là có căn cứ. Do VKS đã rút kháng nghị nên HĐXX quyết định đình chỉ xét xử vụ án, tuyên anh Cần không phạm tội.

Tòa tuyên vô tội, niềm vui òa vỡ với vợ chồng họ. Chị Mén mừng khôn xiết, từng bước chân luống cuống còn anh Cần tất tả gọi điện báo tin cho người thân.
Thế nhưng khi được hỏi về những ngày tháng tù oan, về việc sẽ yêu cầu bồi thường oan sai, chị chỉ cười rồi đáp: "thôi thì coi như cái xui, cái rủi của mình qua rồi, giờ về yên tâm làm ăn, sắp tới cưới vợ cho con thôi".

Liên quan đến việc anh Cần bị khởi tố, tạm giam oan hơn một năm trời, luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: theo quy định của pháp luật, trong trường hợp cơ quan tố tụng đã khởi tố, giam oan người vô tội thì sẽ phải bồi thường. Việc bồi thường oan sai sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trường hợp này cơ quan có trách nhiệm bồi thường là VKSND tỉnh Tây Ninh, được quy định cụ thể tại khoản 4 điều này. Bởi VKSND tỉnh Tây Ninh đã phê chuẩn quyết định khởi tố, truy tố ông Cần nhưng sau đó TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên ông Cần không có tội và bản án trên đã có hiệu lực.

Việc bồi thường được tính theo các căn cứ pháp luật quy định tại Điều 46 và khoản 2 Điều 47 của luật trên, bao gồm thiệt hại do mất thu nhập thực tế và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.

Do ông Cần làm nghề công việc không ổn định thì căn cứ vào các yếu tố liên quan để xác định mức thu nhập trung bình của ông Cần. Nếu không xác định được thì mức thu nhập của ông sẽ tính theo mức lương tối thiểu. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trường hợp này được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam. Như vậy, anh Cần có thể làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai ngay sau khi bản án có hiệu lực.

(Luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM)

 

• M.Phượng