- Nhiều sai phạm nghiêm trọng như, thất thoát, tráo đổi, cắt ghép phim chụp X – Quang, bác sĩ đang giờ công đi mổ dịch vụ; bác sĩ lãnh đạo không khám bệnh nhưng lại ra chỉ định để lãnh tiền chỉ định chiếu chụp…

Hàng trăm triệu đồng chênh lệch đi đâu?

Sau nhiều tháng thanh tra, vừa qua Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã có kết luận về những sai phạm của hàng loạt bệnh viện trên địa bàn, trong đó nổi bật là sai phạm tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Một sự thật khó tin được phơi bày là trong 3 năm (2010, 2011, 2012) bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình bị thất thoát tổng cộng 15.569 tờ phim, với số tiền tương ứng là 488.088.150 đồng.

{keywords}

Bệnh nhân đợi khám tại BV Chấn thương Chỉnh hình.

Không chỉ thế, đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên phim chụp cho bệnh nhân ngoại trú lưu trữ trong tháng 10/2011, ghi nhận 444 trường hợp đổi phim A thành B trong tổng số 1.126 tờ phim lưu (chiếm tỷ lệ 39,43%). Phim A hiện có giá khoảng 42.000 đồng/tờ, phim B và C giá 25.000 đồng/ tờ.

Do số liệu lưu trữ không đầy đủ, một số tài liệu tại khoa Chẩn đoán hình ảnh bị thất lạc không rõ lý do nên đoàn thanh tra không phân tích cụ thể được số tiền chênh lệch gây thiệt hại cho phía bệnh viện hay…bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân đóng tiền phim A mà khoa Chẩn đoán hình ảnh in phim B và báo cáo là sử dụng phim B thì bệnh nhân bị thiệt hại số tiền chênh lệch.

Còn nếu bệnh nhân đóng tiền phim A mà khoa Chẩn đoán hình ảnh in phim B và báo cáo là sử dụng phim A thì bệnh nhân thiệt hại tiền chênh lệch và bệnh viện cũng sẽ thiệt hại tiền chênh lệch mua vào.

Tuy nhiên, qua đối chiếu số lượng phim, tỷ lệ các loại với số liệu thu viện phí và báo cáo sử dụng phim, đoàn thanh tra xác định có sự cố ý tráo đổi kích thước phim in ra gây thiệt hại cho cả bệnh viện và bệnh nhân.

Bên cạnh đó, khi kiểm tra cụ thể phim sử dụng, đoàn thanh tra phát hiện có hiện tượng cắt ghép phim trên tờ phim A trong khi thu tiền nhiều phim B, C. Thống kê 5 tháng cuối năm 2012 cho thấy, số tiền của phim thừa là khoảng 63.907.800/tháng.

Thanh tra Sở Y tế cho biết vẫn chưa thể chắc chắn hành vi cắt, ghép phim để tạo ra phim thừa xảy ra từ khi nào và số phim thừa này do ai quản lý, chiếm dụng ra sao. Lãnh đạo khoa Chẩn đoán hình ảnh và bệnh viện đều không thừa nhận trách nhiệm.

Cả lãnh đạo cũng trốn giờ công đi mổ dịch vụ

Ngoài các sai phạm tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, đoàn thanh tra tiếp tục phát hiện 9 bác sĩ (bao gồm cả phó giám đốc và trưởng phó khoa) tham gia phẫu thuật theo yêu cầu (dịch vụ) trong khi có lịch phân công thường trực theo quy chế bệnh viện.

Dù có khác nhau giữa số liệu bệnh viện cung cấp và số liệu lấy từ sổ phẫu thuật do đoàn thanh tra tổng hợp nhưng kết quả cho thấy, tỷ lệ phẫu thuật dịch vụ tại bệnh viện chiếm tới 70% các ca phẫu thuật.

Đáng nói ở chỗ đa số các trường hợp phẫu thuật theo yêu cầu được thực hiện vào những ngày làm việc trong tuần.

Đối với các cá nhân đang trong giờ trực tham gia phẫu thuật dịch vụ, thanh tra kiến nghị kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định.

Bác sĩ Hồ Văn Thạnh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh phải chịu trách nhiệm chính về việc xảy ra thất thoát phim X – Quang.

Để làm rõ sai phạm gây thất thoát phim X – Quang tại khoa Chẩn đoán hình ảnh và các nội dung khác có liên quan, thanh tra Sở Y tế kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM giao thanh tra TP.HCM tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.

Được biết, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình chịu sự quản lý của Sở Y tế TP.HCM, đồng thời cũng là hạt nhân trong mạng lưới chấn thương chỉnh hình của cả nước. Bệnh viện có quy mô 450 giường nội trú, 1.000 giường ngoại trú, được xếp loại chuyên khoa đầu ngành hạng I.

Tiếp đến, sai phạm tại Bệnh viện Bình Dân cũng không hề nhỏ. Mỗi lần chỉ định chẩn đoán hình ảnh từ máy móc liên kết với các đơn vị bên ngoài, bác sĩ chỉ định mỗi ca được hưởng 50.000 đồng, bác sĩ đọc kết quả là 40.000 đồng.

Trường hợp bác sĩ Đặng Đinh Hoan, trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh không phải là bác sĩ khám bệnh nhưng lại ra chỉ định và lãnh tiền chỉ định. Đồng thời, bác sĩ này cũng lãnh luôn tiền của bác sĩ đọc kết quả.

Như vậy, trong 4 năm, bệnh viện Bình Dân đã chi sai số tiền cho bác sĩ Hoan số tiền là 41.400.000 đồng.

Bệnh viện này cũng bị đề xuất thu hồi hơn 3 tỷ đồng tiền thất thu, nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tại bệnh viện Bình Dân, sau khi Giám đốc Nguyễn Chí Hùng nghỉ hưu bị nhiều đơn thư tố cáo. Các thư tố cáo chủ yếu về các dấu hiệu sai phạm trong lĩnh vực tổ chức, tài chính nên cần thiết phải được xem xét, thanh tra để củng cố chấn chỉnh.

• Bảo An