- Họ là những người rất trẻ, thế hệ 8 và 9X, không biết gì tới chiến tranh, nhưng hôm nay, ngay giữa TPHCM, họ đã rơi lệ trước một nhân cách lớn, tư tưởng lớn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong hàng ngàn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có cô gái trẻ vừa khóc nức nở vừa viết những dòng cảm tưởng trong sổ tang.

Cô là Phạm Thị Huyền, sinh viên năm thứ 2 trường ĐH luật TP.HCM. “Thưa Bác, con là người con của mảnh đất Quảng Bình thân yêu. Hôm nay con không thể cầm được nước mắt khi Bác ra đi. Dù chưa bao giờ được gặp Bác nhưng con đã biết đến Bác từ lâu và được nghe ba mẹ kể về Bác rất nhiều”, mở đầu dòng cảm xúc, Huyền viết.

{keywords}

Phạm Thị Huyền, cô sinh viên năm thứ 2 khóc nức nở khi ghi cảm tưởng tại lễ viếng Đại tướng.

Huyền cho hay, em ấn tượng nhất câu chuyện mẹ kể về nhà của Đại tướng có cây khế trăm tuổi ra rất nhiều quả.

Mỗi lần tưởng tượng đến cây khế đó thì hình ảnh của Đại tướng luôn hiện ra yên bình trong em”, Huyền nói.

Nhà của Huyền cách nhà Đại tướng khoảng 20 km. Nhiều lần Huyền ước ao được đến thăm nhà Đại tướng nhưng chưa có dịp. Là người con Quảng Bình, đi đâu Huyền cũng khoe với bạn bè, quê mình có Đại tướng.

Là người con Quảng Bình, đi đâu con cũng tự hào khoe với mọi người về quê hương và Đại tướng. Những ngày qua, con đã nhiều lần không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh của Bác...

Đại tướng ơi, dù Bác đã đi xa nhưng có lẽ bây giờ và cả sau này, con sẽ không bao giờ quên người con Quảng Bình như Đại tướng. Con xin hứa với Đại tướng là con sẽ cố gắng học thật giỏi để góp phần xây dựng quê hương”. - Huyền chia sẻ trong sổ tang.

Một người trẻ khác, anh Nguyễn Đình Phương (25 tuổi, quê Ninh Hòa, Khánh Hòa), sáng nay vào viếng Đại tướng với vòng khăn tang, ôm di ảnh của Đại tướng trước ngực.

{keywords}

Nguyễn Đình Phương với vòng khăn tang, ôm di ảnh Đại tướng trước ngực.

Phương bộc bạch: “Sở dĩ em mang khăn tang và ôm di ảnh của Người là thực hiện ý nguyện của ông ngoại. Ông ngoại em là lính thông tin trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tướng Giáp là hình mẫu đạo đức và tài năng mà ông em kính phục.

Vào năm 2012, khi ông ngoại em mất, ông đã căn dặn em rằng phải thay ông để tang cho Đại tướng, đến viếng Đại tướng và xin rước vong linh Đại tướng về thờ”.

Theo Phương, sau khi viếng đại tướng sáng nay, di ảnh của đại tướng sẽ được rước vong linh ở Hội trường Thống Nhất và được đưa về Ninh Hòa để gia đình và bà con xóm giềng thắp hương.

Tình cảm của một người trẻ khác với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khiến những người tới viếng hết sức xúc động. Anh thanh niên cụt cả hai tay, mắt rưng rưng, quỳ dưới di ảnh Đại tướng là Nguyễn Xuân Nguyên - Công dân trẻ tiêu biểu thành phố năm 2007.

{keywords}

Thanh niên tật nguyền Nguyễn Xuân Nguyên lấy tấm gương Đại tướng để vươn lên trong cuộc sống

Trong dòng bạn trẻ lễ viếng tướng Giáp tại Nhà văn hóa Thanh niên, anh Nguyên tâm sự: “Ngay từ bé, tôi đã không có hai tay, không như những đứa trẻ bình thường khác, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người thân, bạn bè. hơn một lần tôi nghĩ đến cái chết.

Để có một “tôi” trưởng thành như ngày hôm nay có lẽ không ai nghĩ rằng đó là nhờ công lao của Bác Hồ và Đại tướng. Khi gặp thất bại, khó khăn trong cuộc sống và mặc cảm với cơ thể tật nguyền, tôi lại nghĩ tới tấm gương vượt khó, vượt khổ của Bác và Người để học hỏi vươn lên...

Tôi tâm niệm rằng dù không phải là một người hoàn thiện, nhưng sự khuyết tật sẽ làm bạn toàn vẹn nếu bạn biết cố gắng".

{keywords}

{keywords}

 Nhiều thanh niên TPHCM rơi lệ sau khi viếng Đại tướng.

• T.Lâm - T.Thảo - K.Đoan - D.Linh