- Buổi sáng của ngày Quốc tang đầu tiên, nơi quê nhà Đại tướng ở làng An Xá xuất hiện nhiều con người khá đặc biệt đến viếng. Họ là hậu duệ Vua Minh Mạng đã 93 tuổi, là thương binh chống nạng gỗ đến từ Quảng Ninh...

"Chết cũng toại nguyện rồi"

Buổi sáng của ngày Quốc tang đầu tiên, trên con đường về nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá (Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) xe cộ chật cứng. Từ thị trấn Kiến Giang cách nhà Đại tướng khoảng 3km đoàn thanh niên, học sinh đã đứng kín 2 bên đường ôm di ảnh của Người.

{keywords}

Cùng với người cháu từ Pháp về, cụ Huệ đã 93 tuổi vẫn lặn lội gần 200km từ Huế ra để viếng Đại tướng.

Ngõ nhỏ vào ngôi nhà lưu niệm, dòng người xếp dài nối đuôi nhau để được vào viếng Đại tướng, một lúc mới nhích lên được một bước chân.

Dưới sân của ngôi nhà, người chật kín, từ bàn thờ của Đại tướng, hương khói nghi ngút.

Trong dòng người đổ về nhà lưu niệm của Đại tướng, xuất hiện một người "đặc biệt" được giới báo chí quan tâm, đó chính là cụ bà Công Tằng Tôn Nữ Trí Huệ (SN 1922, ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) với mái tóc đã bạc phơ.

Cụ Huệ cho biết cùng với con trai và cháu rể từ TP. Huế ra đây từ chiều qua, sáng 12/10 cụ đến rất sớm và đã được viếng Đại tướng.

"Biết tin Đại tướng mất, mệ buồn lắm, chờ mãi cho đến ngày Quốc tang đòi con cháu chở đi thắp cho bác nén hương. Giờ thắp được rồi, có chết cũng toại nguyện rồi" - cụ Huệ xúc động nói.

{keywords}
Cụ Công Tằng Tôn Nữ Trí Huệ: “Được thắp hương trước anh linh Đại tướng, mệ chết cũng mãn nguyện”.

 

Cũng theo cụ Huệ, ban đầu cụ đòi đi, con cháu một hai không đồng ý vì cụ đã quá yếu, đi đường xa gần 200km sợ "có mệnh hệ gì thì nguy", nhưng thấy cụ nặc nặc đòi đi nên cũng chiều lòng cụ.

Một người "đặc biệt" khác cũng có mặt ở ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng để viếng Người, đó là thương binh Nguyễn Phi Thường (63 tuổi, quê tỉnh Quảng Ninh).

Cầm cặp nạng gỗ trên tay, đôi mắt trầm ngâm, ông Thường cho biết một mình đón tàu vào đến ga Đồng Hới lúc 2h sáng 12/10.

{keywords}

Một cụ già quỳ gối trước ban thờ Đại tướng.

"Ngồi trong ga tôi cứ trông cho trời sáng để được đến viếng Đại tướng. Khi trời vừa sáng, tôi đã bắt xe ôm xuống đây ngay" - ông Phi xúc động nói.

{keywords}

Thương binh Thường từ tỉnh Quảng Ninh, vượt hơn 500km vào viếng Đại tướng.

 

Kỉ niệm xúc động nhất mà ông Phi nhớ về Đại tướng, vào năm 2002, nhân dịp sinh nhật Đại tướng, ông đã đến thăm và ngâm một bài thơ tặng người. Đại tướng nghe xong vỗ tay khen "chú ngâm thơ giọng rất hay, nhưng hơi ngọng", rồi bảo ông Phi chép lại lời bài thơ để Đại tướng đọc.

Cựu binh vượt 500km vào viếng Đại tướng

Hòa trong dòng người về viếng Đại tướng ở An xá, còn có bà Trần Thị Thảo, một nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy năm xưa. Cố kìm nén xúc động sau khi đã dâng hương viếng Người, bà Thảo kể lại kỉ niệm không bao giờ quên.

Đó là năm 1969, các chiến sỹ thi đua Quân khu 4 đã có vinh dự được gặp Đại tướng tại Thủ đô, trong đó Đại đội nữ pháo Ngư Thủy với những chiến công hiển hách trong việc bảo vệ vùng biển đầu tuyến Quảng Bình đã vinh dự được mời ra thăm Thủ đô, báo công với Bác Hồ và Đại tướng.

"Đại tướng thân tình, gẫn gũi, căn dặn chúng tôi tiếp tục đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt khó để đánh đuổi Mỹ - Ngụy, thống nhất đất nước. Tình cảm của Đại tướng dành cho chúng tôi như người thân ruột thịt" - bà Thảo xúc động.

{keywords}

Cựu nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy năm xưa kể lại kỉ niệm được gặp Đại tướng.


Bà Nguyễn Thị Nhiễu (63 tuổi, đến từ Vinh Linh, Quảng Trị) là chắt của Đại tướng xúc động nói: "Từ ngày cụ mất tôi rất buồn, trông ra sớm để thắp hương viếng cụ. Hôm nay ra đây, thấy quá nhiều người đến viếng, đúng là ngoài sức tưởng tượng của tôi.".

Ông Võ Thanh Bình, gọi Đại tướng là Bác thúc bá cũng xúc động: "Tôi vừa ngoài UB tỉnh, nơi đang tổ chức lễ viếng Bác Giáp về, nghe được điện thoại nói người đến viếng ở nhà cũng nhiều lắm, kín cả đường đã xúc động rồi. Giờ về đúng là đông thật, nhiều người kính trọng bác quá. Cảm ơn tất cả bà con đã dành tình cảm đặc biệt cho bác ấy".

Trời đã đứng bóng, dòng người vẫn xếp hàng dài chờ được vào viếng Đại tướng. Trong đó, có những người đã quên ăn, nhịn đói, chỉ để chờ được đến lượt mình, thắp cho Đại tướng nén hương, tiễn biệt là toại nguyện.

Trần Văn - Phi Long