- Bão số 11 đang hướng vào miền Trung, khu vực từ Quảng Nam tới Quảng Bình, Hà Tĩnh được xác định là vùng đổ bộ của tâm bão với sức gió vùng tâm ở cấp 11, 12, giật cấp 14, 15.

Bão có thể đổ bộ tối 14/10

Trước diễn biến bão số 11, chiều tối nay, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp bàn công tác ứng phó.

Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết bão NARI (cơn bão số 11) có tốc độ nhanh (phổ biến trên 15km/h. Hiện thời đang mạnh cấp 11, 12, giật cấp 14, 15.

{keywords}

Đường đi bão số 11 (Ảnh: NCHMF)



“Khi vào giữa biển Đông, tiếp cận với phía đông quần đảo Hoàng Sa bão có thể lệch hướng 1 chút, khi đi qua Hoàng Sa bão mạnh lên giữa cấp 13, đầu cấp 14 và sẽ mạnh hơn nữa nếu tiến gần bờ miền Trung nước ta”, ông Tăng cho hay.

Hiện các trung tâm khí tượng trên thế giới đưa ra nhận định khác nhau về đường đi và diễn biến cơn bão này. Tuy nhiên, ông Tăng cho biết các mô hình tính toán của Trung tâm cho thấy bao trùm từ Nam Trung Bộ đến vĩ tuyến 20 là vùng có khả năng đi vào, nhiều khả năng nhất là Trung Trung Bộ, trong đó đặc biệt là khu vực từ Quảng Nam tới Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Hiện có 2 trường hợp được đặt ra. Trường hợp thứ nhất là nếu bão đi thẳng vào khu vực trên thì sớm nhất là tối hoặc đêm 14/10 bão sẽ đổ bộ, vì thế ông Tăng lưu ý mọi chuẩn bị phải xong trước 5-6 giờ chiều ngày 14/10.

Trong trường hợp thứ 2 là bão tiến gần bờ nhưng không đổ thẳng vào miền Trung mà trườn dọc bờ biển, tiến lên phía Bắc thì bão sẽ quét dọc ven biển các tỉnh từ Đà Nẵng lên Nghệ An, cường độ giảm nhiều.

Cơn bão này có đặc điểm là khi vào bờ thì suy yếu nhanh, vùng ven biển gió mạnh (hơn cả cơn bão số 10 vừa qua), còn trong đất liền thì bão gây ảnh hưởng yếu hơn. Nếu trong trường hợp bão trườn dọc ven biển đi lên phía Bắc thì 16-17/10 bão mới vào bờ, dọc ven biển bão sẽ quét vào từ chiều 14 trở đi.

Ông Tăng lưu ý nếu bão đi thẳng vào các tỉnh miền Trung (như trong trường hợp 1) thì gió rất mạnh.

Thời tiết miền Trung tương đối tốt nhưng từ đêm mai vùng ven biển sẽ có mưa, từ trưa 14/10 sẽ mưa to. Mưa to nhất xảy ra vào đêm 14, ngày 15, kéo dài đến ngày 16, 17/10.

Diễn biến cơn bão này cần tiếp tục được theo dõi chặt chẽ vì còn chịu ảnh hưởng của bão Wipha đang mạnh cấp 10 ngoài biển Đông (có xu hướng đi về phía Nhật Bản) và không khí lạnh đang tràn về miền Bắc từ ngày 14, 15/10 tới.

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 12/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 117,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

 

Rút kinh nghiệm nhiều việc sau bão số 10

Chủ trì buổi họp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương cho biết cơn bão này chắc chắn vào miền Trung, xác suất cao là vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh.

Với cường độ và diễn biến không khác nhiều so với cơn bão số 10 vừa qua, ông Phát yêu cầu các địa phương cần tập trung công tác ứng phó, trong đó, ông đặc biệt lưu ý cần rút kinh nghiệm nhiều việc sau bão số 10 để đối phó tốt hơn với cơn bão này.

{keywords}

Việc xả lũ được đặc biệt lưu tâm trong cơn bão sắp tới (Ảnh minh họa: VietNamNet)

 

Đầu tiên là công tác xả lũ, đảm bảo an toàn các hồ chứa nhưng cũng cần đảm bảo an toàn cho người dân bằng cách chủ động thông báo cụ thể để kịp di dời.

Ông Phát cho biết khi có mưa lớn do bão (300-500mm), hồ chứa (cả thủy lợi và thủy điện) bắt buộc phải xả để đảm bảo an toàn, ít nhất phải xả bằng lượng nước đến, nếu không xả gây vỡ hồ chứa thì sẽ thành thảm họa.

Vậy vấn đề nằm ở chỗ ứng phó với việc xả nước lũ như thế nào để đảm bảo an toàn cho cả hồ chứa lẫn người dân.

Lấy vụ xả lũ ở hồ Vực Mấu (Nghệ An) trong cơn bão số 10 vừa qua gây ngập úng nặng cho hạ du làm thiệt hại nặng nề cho người dân, ông Cao Đức Phát cho biết người dân đã được biết trước về việc xả lũ 1 ngày nhưng thực tế ứng phó vẫn lúng túng.

“Vì thế, với cơn bão này, đến sáng mai các địa phương phải báo cáo đầy đủ phương án bảo vệ dân trong trường hợp xả lũ. Người dân được thông báo sẽ xả lũ nhưng họ không biết sẽ ngập đến đâu. Cho nên phương án cần cụ thể đến từng khu vực, từng nhà, từng người, hướng dẫn từng việc để đến khi cần chỉ việc sơ tán ngay”, ông Phát nói.

Một vấn đề khác được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đặc biệt lưu ý trong công tác ứng phó bão số 11, đó là an toàn của người tham gia giao thông trong lúc có bão hoành hành. Với sự có mặt của đại diện Bộ GTVT, ông Phát thuật lại thực tế trong bão số 10 vừa qua dù gió to mưa lớn như vậy nhưng người dân vẫn chạy xe trên đường, đặc biệt là nhiều xe khách, xe buýt, trên xe có rất nhiều người.

“Thẩm quyền dừng xe trong trường hợp này cần rõ ràng, nếu để họ đi thì rất nguy hiểm, ngoài trời gió giật đùng đùng, nhưng nếu dừng lại thì tôi có được dừng không? Cuối cùng tôi vẫn cho dừng và chịu trách nhiệm về quyết định này”, ông Phát nói.

Việc chằng chống nhà cửa cũng phải được thực hiện xong trước khi bão vào.

“Có trường hợp bão vào rồi gió giật cấp 10, cấp 11 mới leo lên chằng chống mái nhà, khi nhảy xuống đất thì gạch rơi trúng đầu gây thương tích, tử vong. Nhất quyết phải hoàn thành những việc này trước khi bão đến”, ông Phát nói.

Trong công tác thông tin, ông Phát đề nghị thông tin phải thống suốt bởi trong các cơn bão trước, khi liên hệ để hỏi về nhu cầu cứu trợ nhưng không thể kết nối với các địa phương.


11 ngư dân gặp nạn trên biển

Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, tàu cá số hiệu QN 95257 gặp sự cố đang trôi dạt trên biển. Đến 15h25 phút chiều nay tàu Hải quân đi cứu nạn tàu này, 24 giờ đêm nay tàu sẽ tiếp cận được và kéo về.

Hiện tại, ngoài biển thời tiết đã rất xấu với gió to, sóng lớn. Vì vậy, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương cho biết các địa phương bằng mọi cách phải thông báo cho chủ tàu thuyền biết vị trí, hướng đi của bão để tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Với cường độ như hiện nay (cấp 12) thì cách an toàn nhất là tàu chạy vào bờ, nếu không kịp cần hướng dẫn trú tránh an toàn.


Cẩm Quyên