- Bão số 11 đã đổ bộ vào Đà Nẵng sáng 15/10. Theo thông tin mới nhất, đã có 2 người chết và hơn 10 người bị thương tại khu vực miền Trung do bão.
HÌNH ẢNH ĐÀ NẴNG TAN HOANG SAU BÃO:
|
Trưa 15/10, theo báo cáo sơ bộ, tính đến thời điểm hiện nay tại địa bàn các tỉnh miền Trung đã có 2 người chết, 2 người mất tích và 11 người bị thương. Thiết hại về hại tài sản chưa thống kê được.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương chỉ đạo, chính quyền địa phương các tỉnh từ quận đến tổ dân phố, thôn, làng tổ chức kiểm tra và cứu trợ kịp thời. Sớm hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống.
Bộ trưởng Phát cũng lưu ý, sau bão sẽ có lũ xuất hiện, do đó các địa phương cần khẩn trương có phương án phòng chống lũ lụt. Tránh tình trạng bão ít người chết nhưng lũ lụt chết nhiều người.
Đến 11 giờ trưa 15/10, sau khi cơn bão tan, nhiều khu vực ở Đà Nẵng và Quảng Nam tan hoang như bãi chiến trường..
Cây xanh ngã đổ nằm la liệt trên các tuyến phố chính. Nhiều tuyến đường bị kẹt xe do vướng cây xanh ngã đổ.
Hàng loạt trụ điện bị gió quật gãy nằm chỏng chơ trên đường.
Khoảng 10 giờ trưa, gió vẫn gầm rít. Nhiều xe máy đang chạy giữa gió lớn đã
bị quật ngã nằm chỏng chơ trên đường.
Tấm lợp từ các bảng hiệu quảng cáo vẫn bay khắp nơi và tấp vào một xe ô tô đang
lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh.
Đi dọc các tuyến phố, khung cảnh như bãi chiến trường.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Phùng Tấn Viêt trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó khẳng định đây là cơn bão mạnh và gây thiệt hại nặng nề tại Đà Nẵng trong mấy năm trở lại.
"Ngoài 2 người chết, hàng chục người bị thương có 2 người mất tích. Thiệt hại nặng nhất là hệ thống cây xanh trên các tuyến phố. Nhiều cây cổ thụ không chịu nổi gió bão đã bật gốc, gây ách tắc giao thông" - ông Viết cho biết.
Tại phường Thanh Khê Tây, hàng loạt trụ điện bị gió quật gãy ngang.
Nhiều người dân tại quận Liên Chiểu khẳng định đây là cơn bão kinh hoàng. Tuy nhiên, nhờ phòng chống tốt nên thiệt hại người và tài sản của bà con không đáng kể.
Hình ảnh trên đường phố Đà Nẵng sáng 15/10 |
Lúc 9h30, tại Đà Nẵng, nhiều tuyến phố bị ngập, đặc biệt các tuyến phố dọc theo sông Hàn.
Cây xanh đổ khắp nơi. Nhiều nhà dân và quán xá dọc biển bị sập, tốc mái, tấm tôn bay khắp nơi.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua quận Liên Chiểu bị ách tắc do cây đổ. Tuyến quốc lộ 1A cũng bị chia cắt, hàng ngàn ô tô đang chờ bão tan, hết ngập mới có thể tiếp tục hành trình.
Đến 7 giờ sáng, gió giật cấp 10,11 kèm theo mưa lớn. Cả thành phố Đà Nẵng vẫn còn đang mất điện.
Nhiều tấm kính từ các tòa nhà tại Đà Nẵng bị gió quật vỡ. Do nước biển dâng cao cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mực nước sông Hàn dâng cao và gây ngập các tuyến đường ven sông.
|
Cây cối đổ ngổn ngang trên các tuyến phố |
Nhiều mái nhà tôn ở khu vực quận Hải Châu bị tốc mái, bay xuống đường. Cây xanh đổ ngổn ngang trên phố.
Địa bàn được xác định thiệt hại nặng nhất là quận Liên Chiểu, Sơn Trà và vùng ven biển.
"Lực lượng xung kích và các thành viên ban phòng chống lụt bão đã cắm chốt tại nhiều địa điểm. Chúng tôi đang chỉ đạo công tác ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Khó khăn lớn hiện nay là điện bị cúp" - PCT Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết.
Gió thổi mạnh, làm tôn bay hàng loạt trên đường ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh: Viễn Sự/Tuổi Trẻ |
Tại Quảng Nam, thiệt hại nặng nhất là Hội An, Điện Ban, Duy Xuyên, Thăng Bình và Tam Kỳ.
Nhiều tuyến phố chính tại TP. Tam Kỳ bị ngập sâu do mưa lớn. Cây cối ngã đổ ngổn ngang.
CLIP CÂY ĐỔ NGỔN NGANG Ở ĐÀ NẴNG:
|
Tại Thừa Thiên - Huế:
Mưa to tại cố đô từ tối qua đã khiến nhiều tuyến phố bị ngập vào sáng 15/10.
Nước sông Hương đang tràn bờ. Các cơ quan chức năng đã phải lập chốt cấm các phương tiện lưu thông ở các tuyến đường ven sông Hương và khu vực Vĩ Dạ. Thông tin mới nhất cho hay, nước sông Hương đã vượt mức báo động 2.
Nhiều khu vực tại Huế bị mất điện, cây cối đổ ngổn ngang.
Khu vực bão đổ bộ và càn quét mạnh nhất ở Thừa Thiên Huế là huyện Phúc Lộc. Đặc biệt là các làng ven biển dưới chân đèo Ngang bị gió quần tơi tả.
Sóng biển đang dâng rất cao. Nhiều nhà bị tốc mái, điện mất.
|
Một ngôi làng sát chân đèo Hải Vân kề vịnh Nam Ô oằn mình chịu bão dữ tấn công mạnh vào lúc 7g15 sáng 15-10 - Ảnh: Tấn Vũ/Tuổi Trẻ |
Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên. Đến chiều, tối nay (15/10), lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3; các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. |
Lúc 6h:
Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vùng tâm bão đã đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 06 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 103,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Bão số 11 đã đổ bộ Quảng Nam – Đà Nẵng, gây mưa rất lớn cho khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi (Ảnh: NCHMF) |
Do ảnh hưởng của bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió giật mạnh cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió giật mạnh cấp 9; ở Khe Sanh (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 10; ở Thuận An (Thừa Thiên Huế) có gió giật mạnh cấp 9; Nam Đông (Huế) có gió giật mạnh cấp 9, ở TP Đà Nẵng và Tam Kỳ (Quảng Nam) có gió giật mạnh cấp 10; ở Hội An (Quảng Nam) có gió giật mạnh cấp 11.
Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 04 giờ sáng nay (15/10) khoảng 80 – 150mm, một số nơi có lượng lớn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 373mm, Nam Đông (Huế) 246mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 220mm.
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 10, giật cấp 11, cấp 12. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét, sóng biển cao từ 6 - 10 mét.
Từ đêm qua các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tính đến 4 giờ sáng nay, lượng mưa đo được phổ biến trên các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi từ 50-100mm, một số nơi cao hơn như: Nam Đông: 185mm, Nông Sơn: 132mm, Đà Nẵng: 124mm, Tam Kỳ: 174mm.
Đi câu cá, hai em nhỏ bị sóng bão cuốn trôi Trung tá Trần Văn Thủy, Đồn phó Đồn Biên phòng Cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra cái chết thương tâm của hai em nhỏ. Trước đó, khoảng vào lúc 14 giờ ngày 13/10, mặc dù trên vùng biển sóng rất to và mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 11 nhưng hai em nhỏ Nguyễn Hoài Nam (13 tuổi) và Nguyễn Văn Bảo (15 tuổi) (thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) rủ nhau ra khu vực Bãi Bàng, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (thuộc Khu kinh tế chân Mây Lăng Cô) để câu cá. Khi đang đứng trên ghềnh đá để câu thì bất ngờ bị một cơn sóng lớn ập vào cuốn trôi ra biển. Sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương cũng như lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồn Chân Mây tổ chức tìm kiếm nhưng đến 20 giờ tối 14/10, thi thể hai em vẫn chưa được tìm thấy. Được biết gia đình hai em là gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố em Bảo là ông Nguyễn Văn Cường (45 tuổi) bị mù mắt nên cuộc sống nhờ vào người vợ làm nông. Còn em Nam do bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa nên hiện sống với bà ngoại. Phương Nguyễn |
Quảng Ngãi trước nỗi lo hồ đập
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, thì hiện toàn tỉnh có trên 54.000 hộ với 216.000 nhân khẩu nằm trong kế hoạch di dời bão số 11. Tuy nhiên, số hộ có nguy cơ cao cần phải di dời khẩn cấp là 5.189 hộ với 21.370 nhân khẩu. Đây là những hộ nằm ở vùng ngập, sạt lở đất, hạ lưu công trình thủy điện.
Công tác phòng chống bão đang được tiến hành hết sức tích cực. |
Hiện toàn bộ tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đều đã nhận được thông tin về cơn bão số 11 và đã di chuyển đến nơi neo trú an toàn.
Ngoài ra tùy theo tình hình thực tế của bão, lũ chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của bão số 11, nên vùng biển Quảng Ngãi trong đêm 14/10 và ngày 15/10 sẽ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Vùng biển khu vực Bình Sơn sẽ có gió mạnh cấp 8, cấp 9.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 19m/s (cấp 8), giật 28m/s (cấp 10).
Ông Trần Ngọc Nguyên- Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, chiều 14/10, ở huyện Lý Sơn có gió bão cấp 8, cấp 9. Huyện đã tiến hành di dời hơn 40 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo các trường cho học sinh toàn huyện được nghỉ học từ ngày 14/10 đến khi hết bão.
Thị sát tình hình phòng chống bão tại Quãng Ngãi, ngày 14/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, bão số 11 là cơn bão phức tạp, nguy hiểm, vận tốc của bão lớn khi vào bờ sẽ gây thiệt hại nặng.
Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Quảng Ngãi có 32 hồ chứa nước đã xuống cấp nghiêm trọng, phải theo dõi sát sao mực nước và có phương án di dân kịp thời, bởi do ảnh hưởng của bão sẽ gây mưa rất lớn, nguy cơ vỡ hồ có thể xảy ra.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc trước mắt là phải tập trung lo cho dân, phải khẩn trương di dời dân, nhất là những hộ dân ở những vùng hạ lưu các hồ, đập khi có mưa to.
“Lo cứu dân trước rồi mới lo đến chuyện cứu công trình”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra Công tác phòng chống bão số 11 tại Cảng Dung Quất và công tác neo trú tàu thuyền trú bão tại Cảng Sa Cần.
Đà Nẵng: Khẩn trương di chuyển dân
Tại cuộc họp 16 giờ chiều nay (14/10) ở Đà Nẵng, sau khi nghe ý kiến của các thành viên ban phòng chống lụt bão trung ương, các cơ quan dự báo và lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng đêm nay, từ 23h đến rạng sáng ngày 15/10.
|
Công an Đà Nẵng bắt đầu lập chốt chặn trên nhiều tuyến đường ven biển, ven sông nguy hiểm vào chiều tối hôm nay. |
Đây là cơn bão mạnh với sức gió giật cấp 14 lại đổ bộ vào giữa đêm. Chính vì vậy, việc phòng chống sẽ gặp nhiều khó khăn - ông Phát nói.
Trước mắt, Đà Nẵng khẩn trương di chuyển dân ở những vùng trọng yếu nhất là vùng ven biển. Việc di chuyển dân chậm nhất đến 7h tối nay phải kết thúc.
Ông Phát lưu ý, cần phải di chuyển dân sinh sống trong khu vực các cột phát sóng để đảm bảo an toàn.
Ngay sau cuộc họp kết thúc vào 17h, P.V VietNamNet đã quan sát trên các tuyến phố Đà Nẵng, các cửa hàng đa phần đã đóng cửa nghỉ sớm để đề phòng bão.
Gió bắt đầu mạnh dần lên, nước sông Hàn bắt đầu dâng cao và sóng lớn.
Lực lượng CSGT công an Đà Nẵng đã bắt đầu điều tiết và phong tỏa một số tuyến đường nguy hiểm ven sông, ven biển. Nhắc nhở người đi đường không nên ra đường vào ban đêm khi bão đổ bộ vào.
Hiện mọi phương án phòng chống bão tại Đà Nẵng đã được sẵn sàng.
Bão số 11 chuẩn bị đổ bộ nên gió mạnh và mưa bắt đầu từ 4 giờ chiều hôm nay ở Hội An (Ảnh: Huỳnh Yên). |
Thông tin mới nhất từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 4 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 15/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét, sóng biển cao từ 6 – 10 mét.
Thừa Thiên - Huế: Cũng dự báo là tâm bão
Thừa Thiên - Huế được dự báo là một trong những nơi tâm bão có thể đi qua. Từ trưa 14/10, vùng ven biển Phú Vang, Phú Lộc gió thổi rất mạnh. Biển động dữ dội kèm theo mưa nặng hạt.
Trong chiều 14/10, toàn bộ học sinh, sinh viên các khối ở Huế đã được nghỉ học.
Người dân thị trấn Thuận An (H.Phú Vang) di chuyển đồ đạc, lều quán để tránh bão (Ảnh: Thanh niên) |
Tại TP.Huế đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa dự báo có thể đạt 500-600mm.
Trong ngày 14/10, hơn 3.000 hộ dân với trên 11.000 nhân khẩu trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp do bão số 11 tại 2 huyện Phú Lộc và Phú Vang sẽ được di dời và dự kiến hoàn tất trước 19h cùng ngày.
Trong sáng 14/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp có mặt tại 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc kiểm tra công tác phòng chống lụt bão.
Thừa Thiên - Huế đang có mưa rất to. Mưa trắng trời (Ảnh: Dân trí) |
Để đối phó với bão, tỉnh đã tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền, 230.000 lít xăng, dầu hỏa. Riêng 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, mỗi huyện dự trữ thêm 30 tấn gạo, 10 tấn muối và các loại nhu yếu phẩm để đề phòng sạt lở tắc đường.
Đà Nẵng: Đã hoàn thành công tác chuẩn bị ứng phó
Để ứng phó với bão số 11, chiều tối nay (14/10), lực lượng quân đội đã bắt đầu vào cuộc triển khai các phương án phòng chống cùng với các cấp chính quyền địa phương...
Theo Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Chủ tịch UB tìm kiếm cứu nạn quốc gia cho biết, đã huy động lực lượng quân khu 4 và quân khu 5 sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Hiện quân đội đã điều 6 tàu của lực lượng hải quân cũng như tàu tìm kiếm cứu nạn ứng trực tại Đà Nẵng, Quảng Nam - Quảng Ngãi. Đồng thời huy động trực thăng ứng cứu tại các sân bay sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đến 18h30 đã sơ tán 11 nghìn hộ dân chủ yếu tại các quận Liên Chiểu, Hòa Vang đến nơi an toàn.
Phương án di chuyển dân chủ yếu là đưa dân từ nhà không kiên cố sang nhà kiên cố. Vì vậy việc di dân không gặp khó khăn và di chuyển nhanh - ông Chiến nói.
Lượng lương thực dự phòng hơn 4.000 tấn gạo, 3 triệu gói mì tôm, 500 nghìn chai nước uống cùng các nhu yếu phẩm thiết yếu đã sẵn sàng trong các kho dự trữ.
Di chuyển dân đến nơi an toàn tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng chiều 14/10 (Ảnh: Báo Đà Nẵng). |
Ngay chiều hôm nay, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cũng đi kiểm tra việc di chuyển dân làng Vân sống tại khu nhà liền kề (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).
Ông Thọ yêu cầu lãnh đạo quận Liên Chiểu huy động mọi lực lượng, tiến hành di chuyển ngay các hộ dân đến nơi an toàn. Bởi, đây là khu vực dự báo sẽ chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng khi bão đổ bộ trong đêm nay và sáng sớm mai 15/10.
Nhận định cơn bão mạnh sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng đêm nay kèm theo mưa lớn, nên các hồ thủy điện lớn vùng đầu nguồn Quảng Nam - Đà Nẵng bắt đầu xả lũ vào trưa hôm nay...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đã yêu cầu cho các hồ chứa thủy điện xả lũ để đón lũ lớn sau bão vào trưa hôm nay.
Đến chiều tối ngày 14/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức di dời được 7.311 hộ với 21.758 người.
Các địa phương đã tiến hành di dân tập trung đến những nơi an toàn và di dân đến những ngôi nhà kiên cố trong khu vực theo hình thức xen ghép. Những địa phương có số lượng di dân lớn như: Điện Bàn di dời 3.516 hộ với 8.789 nhân khẩu; Tam Kỳ di dời 2.000 hộ với 6.000 khẩu; Hội An di dời 755 hộ với 3.775 khẩu; Duy Xuyên di dời 336 hộ với 989 khẩu…
Trên 2.000 hành khách phải dời ngày bay Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, sẽ hoãn hủy 22 chuyến bay đến đi từ hai sân bay Đà Nẵng, Huế trong các ngày có bão (14-15/10). Cụ thể, ngày 14/10, hãng hủy 14 chuyến bay đi/đến Đà Nẵng và Huế, có thời gian khởi hành từ 17h30 (14 chuyến bay). Trong đó, có 8 chuyến bay giữa TP.HCM - Đà Nẵng và Huế; 5 chuyến từ Hà Nội đi Đà Nẵng và Huế và một chuyến bay từ Hải Phòng đi Đà Nẵng. Ngày 15/10, Vietnam Airlines hoãn tiếp 8 chuyến bay, trong đó có 4 chuyến từ TP.HCM và 4 chuyến từ Hà Nội đến Đà Nẵng. Tổng cộng, có hơn 2.000 hành khách sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cố hoãn, hủy chuyến do ảnh hưởng của cơn bão số 11. Vietnam Airlines thông báo toàn bộ hành khách sẽ được hãng bố trí đi trên các chuyến bay bù và bay thường lệ trong thời gian sớm nhất. Hà Yên |
C.Quyên - V.Trung - Đ.Bảo - T.Hạnh - T.Giang