- Bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16 sẽ đổ bộ miền Trung trong sáng mai (15/10). Các địa phương đang khẩn cấp triển khai công tác ứng phó.

Bão tiến gần bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi

Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 19m/s (cấp 8), giật 28m/s (cấp 10).

Theo các chuyên gia khí tượng, với một cơn bão mạnh cấp 12, 13, giật cấp 15, 16 (như bão số 11) thì vùng bán kính gió (tính từ tâm bão) có thể lên tới 200km. Hiện tại, vùng tâm bão còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16.

{keywords}
Bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16 sẽ đổ bộ miền Trung trong sáng mai. Các địa phương đang khẩn cấp triển khai công tác ứng phó. (Ảnh: NCHMF)

Do đó, dù rạng sáng mai vùng tâm bão mới đổ bộ nhưng từ đầu giờ chiều nay, trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh cấp 10.

Dự báo với tốc độ di chuyển 15-20km/giờ, đến 1 giờ sáng ngày 15/10, vị trí tâm bão đã ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi.

Lúc này, bão giảm đi 1 cấp. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Bão gây biển động dữ dội với sức gió mạnh cấp 11, 12, giật cấp 15, 16. Từ chiều tối nay (14/10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 13, cấp 14.

Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4m.

Bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam.

Dự báo khoảng ngày mai (15/10), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ miền Bắc giảm khá nhiều. Tại Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất còn 22 độ, cao nhất 28 độ trong những ngày tới.

Lo nhất là các hồ chứa

Tại cuộc họp trực tuyến chiều 13/10 với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tất cả các phương tiện tàu thuyền trong tỉnh đã nắm được thông tin vào nơi tránh trú an toàn.

Vụ mùa của Thanh Hóa bà con đã thu hoạch xong, hiện chỉ còn lo đảm bảo an toàn cho cây trồng vụ đông.

{keywords}
Nhà dân bị ngập lụt do xả lũ trong bão số 10 vừa qua 

 

Ông Đinh Viết Hồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An) cho biết, Nghệ An có 625 hồ đập lớn nhỏ, đã no nước. Tỉnh đã giao Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của các hồ đập chủ động theo dõi, xử lý linh hoạt với việc tích nước, xả lũ. Hiện toàn tỉnh có trên 50 hồ chứa có hiện tượng mất an toàn.

Hà Tĩnh đã liên lạc được với hơn 4.000 tàu thuyền. Hiện nay, Hà Tĩnh có 49 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng, an toàn bị đe dọa, địa phương này kiến nghị được hỗ trợ để xử lý vì nguồn địa phương đang rất khó khăn.

Tại Quảng Bình, các hồ chứa đã tích nước được 60-80% dung tích, nhìn chung đảm bảo an toàn. Với các hồ đầy thì thực hiện phương châm 4 tại chỗ.

Tỉnh Quảng Trị xả lũ sớm vào ngày hôm nay để chủ động điều hòa mực nước, đón bão số 11. Dự kiến tâm bão sẽ đổ bộ vào khu vực này nên việc sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm và công tác chằng chống nhà cửa phải xong trước 7 giờ tối nay.

Thừa Thiên - Huế được xác định là nơi cơn bão có thể ảnh hưởng trực tiếp nên UBND tỉnh đã lên kế hoạch di dời 3.643 hộ ở khu vực không an toàn, đến 17h chiều nay sẽ di dời xong.

Sáng nay, Ban chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã cử 2 đoàn công tác, trong đó có 1 đoàn do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm trưởng đoàn đi thành phố Đà Nẵng; 1 đoàn do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Trưởng ban Chỉ đạo PCLBTW làm trưởng đoàn đi vào tỉnh Thừa Thiên Huế để chỉ đạo trực tiếp các phương án đối phó với bão.

Bộ NN&PTNT đã có đoàn công tác do Thứ trưởng - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW làm trưởng đoàn vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ chứa.

Quảng Nam, Đà Nẵng ứng phó với bão

Chiều 13/10, tại Quảng Nam, người dân đã bắt đầu đưa tàu thuyền lên bờ và neo đậu vào nơi an toàn.

Tuy nhiên, dọc theo bờ biển, nhiều người dân bất chấp sóng to vẫn ra biển, tranh thủ đánh bắt cá bằng lưới và câu rất nguy hiểm.

{keywords}

Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu lên bờ và neo đậu an toàn ở các vị trí tại âu thuyền Thọ Quang

{keywords}

{keywords} 

Người dân vùng ven biển Quảng Nam đưa tàu thuyền đánh bắt nhỏ lên bờ để đề phòng bão đổ bộ

 

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, nơi được xác định là tâm bão đổ bộ, chính quyền và người dân đang khẩn trương đưa tàu vào nơi trú ẩn.

Đến chiều tối 13/10, tất cả tàu thuyền trên vùng biển Đà Nẵng đã vào bờ trú ẩn an toàn. Nhà dân nơi vùng ven biển đã được chằng chống kiên cố từ cơn bão trước.

Tại vịnh Mân Quang và âu thuyền Thọ Quang, hàng ngàn tàu cá các loại của ngư dân miền Trung đã cập bờ, neo đậu vào vị trí an toàn.

{keywords}

Ngư dân ven biển Quảng Nam vẫn còn chủ quan tranh thủ đánh bắt cá ven bờ, bất chấp sóng to gió lớn trước khi bão đổ bộ

 

Chính quyền Đà Nẵng đã nghiêm cấm các tàu thuyền trú ẩn trên sông Hàn để đề phòng lũ quét và nước biển dâng cao.

Tuy nhiên, trên các công trình xây dựng ở khu vực đường Hoàng Sa vẫn còn nhiều trụ cẩu cao hoạt động, bất chấp cảnh báo và yêu cầu hạ thấp để tránh gây thiệt hại tính mạng và tài sản của chính quyền địa phương.

Thừa Thiên-Huế

Thừa Thiên-Huế được dự báo là một trong những nơi tâm bão có thể đi qua. Từ trưa 14/10, vùng ven biển Phú Vang, Phú Lộc gió thổi rất mạnh. Biển động dữ dội kèm theo mưa nặng hạt.

Trong chiều 14/10, toàn bộ học sinh, sinh viên các khối ở Huế đã được nghỉ học.

{keywords}

Người dân thị trấn Thuận An (H.Phú Vang) di chuyển đồ đạc, lều quán để tránh bão (Ảnh: Thanh niên)

Tại TP.Huế đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa dự báo có thể đạt 500-600mm.

Trong ngày 14/10, hơn 3.000 hộ dân với trên 11.000 nhân khẩu trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp do bão số 11 tại 2 huyện Phú Lộc và Phú Vang sẽ được di dời và dự kiến hoàn tất trước 19h cùng ngày.

Trong sáng 14/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp có mặt tại 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc kiểm tra công tác phòng chống lụt bão.

{keywords}
Thừa Thiên-Huế đang có mưa rất to. Mưa trắng trời (Ảnh: Dân trí)

Để đối phó với bão, tỉnh đã tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền, 230.000 lít xăng, dầu hỏa. Riêng 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, mỗi huyện dự trữ thêm 30 tấn gạo, 10 tấn muối và các loại nhu yếu phẩm để đề phòng sạt lở tắc đường.


Phú Yên: Sóng lớn đánh chìm xà lan

Ảnh hưởng bão số 11, tại vùng biển Phú Yên, chiếc sà lan bị nạn mang số hiệu LA-05698TS, do thuyền trưởng Phạm Thanh Tuyển (40 tuổi) ở tỉnh Long An bị sóng đánh chìm vào chiều hôm qua 13/10.

{keywords}

Cảng cá phường 6, nơi sóng lớn đánh chìm xà lan 

 

Chiếc xà lan này được thuyền trưởng điều khiển từ Long An đến Quảng Ngãi để chở cát, khi vào cửa Đà Rằng (phường 6, TP Tuy Hòa) tránh trú bão thì bị sóng đánh chìm.

Khu vực bị chìm gần bờ nên thuyền trưởng và một thuyền viên bơi vào bờ an toàn, hiện đang tạm trú tại trạm biên phòng Đà Rằng. Thiệt hại vụ chìm xà lan ước tính trên 1 tỉ đồng.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, hiện vẫn còn 89 phương tiện tàu cá với 758 lao động của tỉnh đang hoạt động tại vùng biển Trường Sa.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đang liên tục liên lạc và hướng dẫn các tàu vào tránh bão số 11 tại các âu tàu ở Trường Sa.


C.Quyên - Vũ Trung - Mạnh Hoài Nam