- Liên quan tới cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Xuân và việc người nhà đưa quan tài diễu phố, BS Lê Văn Định, Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa phân trần “đó chỉ là tai nạn nghề nghiệp”.

Những ngày qua dư luận đang xôn xao việc sản phụ Nguyễn Thị Xuân (trú làng Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) chết bất thường tại bệnh viện. Người nhà sản phụ cho rằng, cái chết là do sự tắc trách của y bác sĩ kíp trực trong ngày hôm đó.

Trong khi đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, chúng tôi đã gặp bác sĩ Lê Văn Định, Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Thiệu Hóa, cũng trong kíp trực trong buổi tối hôm sản phụ Xuân chết, ông Định phân trần “đó chỉ là tai nạn nghề nghiệp”?.

{keywords}
Ông Định đang trần tình về sự việc

Theo ông Định, sự việc xảy ra là ngoài ý muốn của lãnh đạo bệnh viện và kíp trực.

"Vào khoảng 4h30 phút ngày 18/10, tôi nghe anh em đồng nghiệp báo lại, hiện tại bệnh viện đang có một ca sản phụ với diễn biến phức tạp. Ngay sau khi nghe thông tin, tôi đã đến trực tiếp phòng sản phụ Xuân để nắm bắt tình hình" - ông Định nói.

Sau khi tiến hành hội chẩn và nghe báo cáo về tình hình bệnh nhân, đích thân ông Định đã quyết định cho mổ đối với sản phụ nhằm cứu tính mạng của 2 mẹ con.

{keywords}
Sự tắc trách của bệnh viện dẫn đến cái chết của chị Xuân

Đến khoảng 5h sáng ngày 18/10, kíp mổ đã chuẩn bị sẵn sàng để mổ lấy thai nhi. Trước khi tiến hành mổ cho bệnh nhân, phía bệnh viện và gia đình sản phụ đã làm cam kết, đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra.

Theo bác sĩ Định, khi bệnh nhân nằm lên bàn mổ thì người đã có biểu hiện suy hô hấp, toàn thân tím tái.

Trong diễn biến bất thường quá nhanh, kíp trực đã phải nhanh chóng mổ cứu cháu bé, nhưng khi đưa được cháu bé ra ngoài thì toàn thân cháu cũng đã tím tái, nhợt nhạt và tắt thở sau đó.

“Các bác sĩ đã làm hết sức mình, sau khi tiến hành mổ lấy cháu bé, được khoảng 5 phút thì sản phụ Xuân đã tắt thở. Cháu bé được đưa ra từ trong bụng mẹ, mặc dù đã tiến hành sơ cứu bằng mọi biện pháp, song cháu bé cũng không thể qua khỏi”, ông Định cho biết.

Theo ông Định, trường hợp tắc mạch ối là rất hiếm gặp và rất dễ dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, trường hợp hi hữu này lại rơi đúng vào sản phụ Xuân. Khi đó nước ối nhiễm vào mạch máu gây tắc mạch dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, trái ngược với lời bác sĩ Định, người nhà sản phụ Xuân cho rằng thời điểm chị Xuân lên cơn đau dữ dội đã rất nhiều lần người nhà xuống phòng trực báo cáo với bác sĩ. 

Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây lại chỉ lên khám qua loa và trả lời những câu rất thiếu trách nhiệm như: “Vẫn bình thường, sản phụ vẫn trong tầm kiểm soát; đẻ thì phải đau chứ; trời này thì phải lạnh chứ sao, lạnh thì lấy áo, lấy chăn mà đắp vào…”.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian suốt hơn một tiếng đồng hồ từ khi chị Xuân có biểu hiện bất thường, đã không ít lần người nhà bệnh nhân cầu cứu tới bác sĩ, thậm chí xin được mổ cho sản phụ nhưng đều không được sự đồng ý. Đến khi đã quá muộn thì kíp trực mới tiến hành mổ đẻ.

Điều khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đó là sự cố tình tắc trách của kíp trực bệnh viện, hay trình độ chuyên môn yếu kém?

Dư luận đang chờ câu trả lời cuối cùng của cơ quan chức năng.

Lê Anh