- “Đối với xe đạp điện không nên quy định về đăng ký biển số vì hầu hết đều không có số khung nên việc đăng ký cấp biển số sẽ gặp khó khăn”, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.

Xe đạp điện khác xe máy điện

Thời gian vừa qua, xe đạp điện và xe máy điện đang tăng nhanh do nhu cầu sử dụng phương tiện này của người dân ngày càng nhiều.

Trên các ngả đường tại nhiều thành phố, đâu đâu cũng thấy người điều khiển xe đạp điện phóng với tốc độ cao lạng lách, đánh võng chẳng khác gì xe gắn máy.  

{keywords}

Cần có quy chuẩn quốc gia về xe đạp điện, xe máy điện để quản lý loại hình phương tiện này - (Ảnh minh hoạ: Báo Hải Phòng).

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay lại chưa có một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về loại hình phương tiện xe đạp điện để thắt chặt quản lý khi phương tiện tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện nay, tại các thành phố lớn, lực lượng chức năng rất khó phân biệt đâu là xe máy điện, đâu là xe đạp điện.

Thậm chí, nhiều người đi xe cũng không quan tâm và không cần biết mình có cần đội MBH, xe có phải đăng ký hay không.

“Do vậy, cần phải phân biệt rõ khái niệm về xe đạp điện và xe máy điện để từ đó có những biện pháp, khuyến cáo đối với người sử dụng và công tác quản lý được rõ ràng”, ông Hiệp nói.

Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết: Trong tháng 11, Cục này sẽ trình Bộ GTVT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về loại hình phương tiện xe đạp điện.

Theo đó, để phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện cần phải dựa vào các tiêu chí: động cơ, tốc độ xe chạy cũng như phải xem xe đó có bàn đạp hay không.

Theo ông Giao, xe đạp điện là xe được lắp bàn đạp; được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được trợ lực bằng động cơ điện (Công suất động cơ không lớn hơn 250W); khối lượng xe không quá 40kg.

Đặc biệt khi lắp ráp xe đạp điện chỉ được chạy với tốc độ tối đa 25km/h.

“Các loại xe điện hai bánh không đáp ứng được một trong các tiêu chí nêu trên sẽ được xếp vào loại mô tô điện hoặc xe máy điện. Mà đã là xe máy điện thì phải áp dụng đúng như xe máy”, ông Giao nói.

Xung quanh việc có ý kiến cho rằng, xe đạp điện và xe máy điện về cơ bản nguyên lý hoạt động giống nhau và nên gộp lại để quản lý cho dễ, ông Giao cho rằng, không nên và cần phải tách bạch thì mới dễ quản lý.

“Luật Giao thông đường bộ quy định xe máy điện thuộc nhóm xe cơ giới, xe đạp điện thuộc nhóm xe thô sơ, vì vậy việc gộp chung hai loại xe này để quản lý là không phù hợp”, ông Giao khẳng định.

Xung quanh việc có hay không nên cấp biển số cho xe đạp điện, ông Giao cho rằng, đối với xe đạp điện không nên quy định về đăng ký biển số vì hầu hết đều không có số khung (mô tô, xe máy điện thì có) nên việc đăng ký cấp biển số sẽ gặp khó khăn. Còn với xe máy điện thì nên cấp biển số và cần được quản lý như xe máy.

Thả nổi nhập khẩu

Trong các quy định của Chính phủ và Bộ GTVT, xe máy điện và xe đạp điện được phân làm 2 loại. Tuy nhiên, trên thực tế, người đi mua xe đạp điện rất khó phân biệt 2 loại phương tiện này.

Ông Trịnh Ngọc Giao cho rằng, hiện nay việc nhập khẩu xe đạp điện và xe máy điện chưa được quản lý. Do vậy, khi nhập xe máy điện về thì người ta vẫn khai là xe đạp điện...

{keywords}

Cần phải kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện.

Chủ một cửa hàng trên phố Ngọc Lâm (Hà Nội) cho hay: Về nguyên lý, xe đạp điện và xe máy điện không khác nhau. Xe to hơn được gọi là xe máy, nhỏ hơn gọi xe đạp. Cả xe máy và xe đạp điện khi mua chỉ cần một hoá đơn bán hàng, một giấy bảo hành, không cần số khung số máy đăng ký.

Trong khi đó, theo một chuyên gia giao thông, xe đạp điện, xe máy điện bị “thả nổi” nhập khẩu như hiện nay, trách nhiệm trước hết là do cơ quan hải quan (Bộ Công Thương) đã không làm tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nhập khẩu hàng hóa.

Thay vì “thả nổi” nhập khẩu linh kiện xe đạp điện, xe máy điện về trong nước lắp ráp như hiện nay thì lẽ ra cơ quan hải quan cần phải kiểm soát chặt chẽ ngày từ đầu vào.

“Nhiệm vụ của cơ quan hải quan là hàng rào chắn, nếu nhập về là xe máy điện thì phải được thực hiện theo quy trình thủ tục như xe máy điện, xe đạp điện là xe đạp điện. Tuy nhiên, hiện nay đang mất kiểm soát ở khâu nhập khẩu và quản lý sản xuất”, vị chuyên gia này cho biết.

Vũ Điệp