Vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng 21/10 trên địa bàn phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM đã khiến dư luận rúng động. Theo đó, nạn nhân đã bị người chồng cũ tạt cả một ca axít đậm đặc vào người gây bỏng nặng, sau đó người chồng cũng đổ xăng lên người rồi bật lửa tự thiêu. Đằng sau vụ án kinh hoàng này là những câu chuyện "tình tiền", "nhân tình thế thái" đầy cay đắng của một cuộc hôn nhân chắp vá…


Cùng quẫn nên ra tay tàn ác?


Vụ án mạng kinh hoàng xảy ra vào khoảng 8h35 sáng 21/10 tại ngôi nhà số 28, đường số 3, phường 7, quận Gò Vấp. Cảnh sát xác định, nguyên nhân vụ việc là do tranh chấp tài sản giữa hai người vốn đã từng là vợ chồng nhưng hiện đã ly hôn. 

Người gây án và đã tử vong là ông Vương Chí Linh (68 tuổi), trong khi đó, nạn nhân bị thương nặng hiện đang cấp cứu tại bệnh viện là bà Nguyễn Thị T.V (60 tuổi, cùng ngụ phường 7, quận Gò Vấp).

Điều tra ban đầu, cảnh sát cho biết, khoảng 8 giờ sáng 21/10, nhiều người dân thấy ông Vương Chí Linh ngồi uống cà phê ở một quán gần nhà. Một lúc sau bà V. đi xe gắn máy vừa về đến. Thấy vậy ông Linh đã chạy ra tạt ca axit vào người bà V. gây bỏng nặng. Bà V. la hét trong đau đớn, rồi gục xuống.

Ngay sau đó, ông Linh chạy vào trong nhà, chốt cửa và dùng hai can xăng (5 lít/can) đổ lên người rồi bật lửa tự thiêu. 

Đến khi cảnh sát phá cửa vào nhà thì phát hiện ông Linh đã tử vong ở khu vực nhà vệ sinh tầng trệt. Riêng bà V. được người dân đưa vào một bệnh viện cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.

Ông Linh và bà V. đều là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu. Trước khi chắp nối với nhau, ông Linh đã có một đời vợ, hiện vợ cũ của ông đang cùng hai con sinh sống tại Hà Nội.

Sau khi ly hôn, ông Linh vào TP Hồ Chí Minh (năm 1985) làm cán bộ ngành xây dựng. Chỉ trong vài năm, ông Linh đã tạo dựng được một số tài sản đáng kể. 

Ông gặp bà V. vốn là một trí thức, có học vị tiến sĩ ngành nông nghiệp - người phụ nữ dù khá lớn tuổi nhưng vẫn còn độc thân. Hai ông bà đã tìm hiểu rồi có tình cảm với nhau. Họ cưới nhau năm 2002.

{keywords}
Ông Vương Chí Linh và tang vật thu được gồm hai can xăng và một lọ đựng dung dịch axit.

Sau khi cưới, hai người đã tự nguyện gộp lại số tài sản thành của chung để làm ăn. Thời gian sau đó, số tài sản của đôi vợ chồng này ngày càng tăng lên, tính cộng lại có thể lên đến nhiều chục tỉ đồng.

Theo một người bạn của ông Linh thì có lẽ khi tài sản của cả hai vợ chồng càng lớn thì bà V. bắt đầu suy tính chuyện "được mất" trong tương lai. Bởi theo suy nghĩ của bà V., rất có thể bà sẽ phải chia sẻ số tài sản cho các con riêng của chồng một khi ông này qua đời. Vì thế, đã có thời gian ông bà lục đục, mâu thuẫn vì chuyện này.

Nghĩ rằng vợ chồng ăn đời ở kiếp, suy tính hơn thiệt không hay ho gì, nhất là khi cả hai vợ chồng đều đã lớn tuổi, nên để chiều lòng và cũng muốn vợ yên tâm, ông Linh đã làm các giấy tờ chuyển toàn bộ số tài sản ông có lên đến hàng chục tỉ đồng (trong đó có cả căn nhà ở phường 7, quận Gò Vấp - nơi xảy ra vụ án) cho bà với điều kiện bà V. phải chăm lo cho ông đến cuối đời (điều kiện này chỉ là thỏa thuận miệng giữa hai ông bà lúc còn vui vẻ) do ông bà không có con chung với nhau. 

Thế nhưng, điều ông Linh chẳng bao giờ ngờ tới là chỉ ba năm sau ngày ký các văn kiện chuyển sở hữu tài sản, bà V. lạnh lùng đưa đơn ra tòa xin ly dị với ông.

Sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa đã chấp thuận cho vợ chồng ông ly hôn. Nhưng điều đắng cay là tòa còn phán xử rằng toàn bộ tài sản của cả hai vợ chồng đều thuộc về bà V.. 

Từ một tỷ phú với tài sản nhiều tỷ đồng, ông Linh bỗng chốc trở thành một người trắng tay, không nhà không cửa, ngay như căn nhà ở phường 7 quận Gò Vấp ông ở lâu nay cũng do bà V. đứng tên...

{keywords}
Căn nhà hiện trường vụ án.

Không chấp nhận bản án sơ thẩm, ông Linh kháng cáo, yêu cầu Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm xem xét lại phần tài sản. Dựa trên những chứng cứ, hồ sơ và đối chất giữa các bên, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm…

Tuy nhiên từ năm 2010 đến nay, ông Linh liên tục khiếu kiện và làm đơn xin tá túc trong căn nhà của chính mình. Mới đây, cơ quan thi hành án dân sự đã cưỡng chế, yêu cầu ông giao căn nhà ở đường số 3, phường 7, quận Gò Vấp cho bà V..

Được biết, sáng 21/10, cơ quan Thi hành án dân sự mời ông Linh và bà V. lên làm việc liên quan đến bản án mà tòa tuyên trước đó. Khi ra về, bà V. nói sẽ đến lấy giấy tờ nhà để hoàn tất thủ tục. Quá uất ức nên ông Linh đã "chuẩn bị sẵn mọi thứ" và gây ra vụ việc trên.

Kết cục của những oan ức, uất hận và bế tắc?

Điều đáng nói là trước khi tự sát, ông Linh đã để lại một lá thư tuyệt mệnh. Trong đó ông Linh viết: "Con người ta có thể chịu đói, chịu khổ, chịu nhiều nỗi bất hạnh nhưng khó có thể chịu đựng những oan ức, uất hận và bế tắc… 

Tôi đã ở tuổi 70, không còn đủ sức mạnh để đương đầu, không còn đủ thời gian để chờ đợi… Đối với tôi bây giờ, chỉ còn cách duy nhất, tốt nhất cho sự giải thoát là tự sát".

Có thể nói, dù sự việc của ông đúng sai ra sao đã có pháp luật và các cơ quan chức năng giải quyết, tuy nhiên, nói như nhiều người dân có mặt hôm ấy thì đúng là "vừa giận vừa thương ông". 

Thương bởi ở tuổi của ông, sau cả một đời làm lụng gom góp, có vợ có gia đình, thế mà chỉ bỗng chốc trở thành tay trắng, sau đó là những ngày tháng mệt mỏi "đáo tụng đình" với người mà ông hết mực yêu thương, chẳng hề tính toán so đo… cuối cùng nhận một cái chết quá đau thương. 

Nhưng ông cũng rất đáng giận khi đã chọn cách quá tiêu cực để giải quyết sự việc, dù vẫn biết rằng có lẽ chẳng ai hiểu hết được nỗi đau và nỗi uất ức mà ông phải gánh chịu.

Ông Đ. (60 tuổi, Bình Dương) - một người bạn thân của ông Linh - nghẹn ngào chia sẻ: "Tôi với ông Linh là bạn thân lâu nay. Tôi biết hoàn cảnh của ông ấy khá rõ. 

Mấy tháng nay ông ấy tỏ ra rất buồn chán sau khi đã trải qua nhiều phiên tòa và khiếu kiện cơ quan chức năng các cấp nhưng kết quả vẫn chẳng như mong muốn. Thấy cảnh bạn mình như vậy, tôi thương lắm nhưng cũng chẳng biết giúp đỡ ra sao. 

Có lần ông ấy đã nói với tôi rằng nếu không được ở trong ngôi nhà của mình (phường 7, quận Gò Vấp) thì ông ấy sẽ tự sát. Tưởng rằng ông ấy nói trong lúc tức giận rồi thôi, dù vậy tôi và một số người bạn khác cũng đã khuyên bảo chuyện đâu còn có đó, nhưng không ngờ, ông ấy lại hành động bột phát như vậy. 

Kết cục này thật sự rất đáng tiếc! Tôi nghĩ rằng vụ án này cần phải được đưa ra ánh sáng để làm bài học cho nhiều người khác và cũng coi như giúp giải tỏa oan khuất cho ông Linh".

{keywords}
Người dân hiếu kỳ khi vụ án xảy ra.

Theo ông Đ. cho biết thì bạn mình phẫn uất và có hành động như vậy, nguyên nhân chính không phải vì chuyện tài sản, tiền bạc, mà chính vì sự lật lọng của người vợ và cả "sự bất công của những bản án" do các cơ quan chức năng giải quyết đã khiến ông Linh mất niềm tin ở mọi thứ và rơi vào sự cùng quẫn tột cùng (?)

Điều này được lý giải khá rõ khi trong đơn khiếu nại yêu cầu giám đốc thẩm vụ án ly hôn, ông Linh viết rằng: "Tôi không còn sống được lâu nữa… Xin đừng tạo ra những bản án thấy rõ sự oan trái, bất công, pháp lý mâu thuẫn và phá nát đạo lý. Xin đừng tạo ra những bản án mà ở đó còn chất chứa nỗi oan ức, lòng thù hận…".

Chiều 21/10, khi chúng tôi đến nhà tang lễ của Bệnh viện An Bình, chỉ thấy người con trai của ông Linh vừa bay từ Hà Nội (cùng với một người con trai khác hiện đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh) vào làm thủ tục để nhận xác cha lo hậu sự. 

Anh này tỏ ý không muốn chia sẻ điều gì: "Giờ bố tôi đã mất, mọi người đang rất đau lòng nên tôi không muốn nói bất cứ điều gì cả, mọi chuyện để pháp luật giải quyết".

Về phần người thân của bà V., một người tự nhận là em gái của bà V. chia sẻ ngắn gọn: "Chị tôi và ông ấy (ông Linh) sống với nhau mấy năm trời nhưng đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, do đó chị tôi mới làm đơn ly hôn. Riêng chuyện tài sản, chị tôi phải chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp của mình thì tòa mới thuận tình tuyên án chứ đâu phải tự nhiên mà có được".

Vụ việc đau lòng này dễ khiến cho nhiều người liên tưởng đến câu chuyện muôn thuở "tình tiền", sự tranh chấp về vật chất, tài sản sau thời gian chung sống đã khiến cho tình cảm giữa những người đã từng một thời "đầu ấp tay gối" nhanh chóng tiêu tan, và kết quả thường chẳng bao giờ có hậu!

(Theo Công an nhân dân)