- Hàng vạn hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại Lào đã được các cán bộ chiến sỹ Quân khu 4 nói chung và Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh nói riêng tìm thấy, cất bốc đưa về mai táng trên quê hương.

LTS: Không cần đến nhà ngoại cảm, các cơ quan quân sự trên cả nước, đơn vị duy nhất có chức năng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã quy tập được hàng vạn hài cốt trong những năm qua.

Trong gần 3 thập kỷ, hàng vạn hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại Lào đã được các cán bộ chiến sỹ Quân khu 4 nói chung và Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh nói riêng tìm thấy, cất bốc đưa về mai táng trên quê hương.

Họ đã thầm lặng làm công việc này trong gần 30 năm và tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ tới hai từ “tâm linh” hay “ngoại cảm”.

Họ chỉ căn cứ trên những căn cứ xác thực trong lịch sử và những thông tin từ đơn vị cũ, các cựu chiến binh và bà con nhân dân.

Quy tập hơn 2 vạn hài cốt

Mùa khô 1984 – 1985, 2 Đội quy tập mộ liệt sỹ của Quân khu 4 lần đầu tiên tiến hành tìm kiếm hài cốt tại 9 tỉnh thuộc địa phận Lào. Đó là sự khởi đầu của một hành trình đến nay đã dài hơn 3 thập kỷ; tìm kiếm, đưa hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện Việt Nam về yên nghỉ với đất Mẹ vĩnh hằng.

{keywords}

30 năm qua, các đơn vị quy tập mộ liệt sỹ thuộc QK4 đã lăn lộn khắp các vùng rừng núi ở Lào để tìm kiếm hài cốt chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trên đất nước triệu voi. (Ảnh tư liệu)

Cao nguyên Xiêng Khoảng những ngày đầu mùa khô 1984, Đội quy tập mộ liệt sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Nghệ An triển khai những bước đầu tiên của quá trình tìm kiếm, khảo sát thông tin.

Đất Lào với khí hậu khắc nghiệt, đồi núi hiểm trở chia cắt khiến anh em chiến sỹ gặp vô vàn khó khăn.

Nhưng rồi, với những thông tin chắp nối, tấm sơ đồ cũ mòn, lực lượng tìm kiếm đã lần lượt vượt qua hết khó khăn. Những bộ hài cốt của liệt sỹ Việt Nam được phát hiện, cất bốc trong niềm vui hòa lẫn nước mắt của những người làm nhiệm vụ.

Lần giở những số liệu được tổng kết, lưu giữ sau 30 năm, Đại úy Lê Thanh Phong, trợ lý chính sách, BCHQS tỉnh Nghệ An không khỏi bùi ngùi: “Suốt quá trình này, đội công tác đã gặp bao khó khăn, nhiều người bị bệnh, bị thương, thậm chí hi sinh.

Nhưng chính những sự hi sinh, mất mát của anh em đã đổi lấy những kết quả lớn lao. Trong 3 thập kỷ, Đội đã quy tập được 11.693 hài cốt, trong đó có 1.647 bộ hài cốt có tên tuổi, quê quán, tiến hành bàn giao 908 hài cốt đến 34 tỉnh thành cả nước.

Riêng trong mùa khô 2012 - 2013, Đội đã quy tập được 168 hài cốt ở địa bàn Xiêng Khoảng (161 bộ) và Viêng Chăn (7 bộ)”.

{keywords}

Các chiến sỹ đội quy tập tìm hiểu sơ đồ xác định vị trí. (Ảnh tư liệu)

Thượng tá Phạm Văn Thìn, Trợ lý phòng Chính sách, Cục chính trị (QK4) cho biết, hiện tại quân khu có 6 Đội quy tập mộ liệt sỹ trực thuộc BCHQS các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, tham gia quy tập tại 9 tỉnh ở Lào.

“30 năm qua, các đơn vị đã quy tập được 24.110 hài cốt, tổ chức bàn giao gần 2.000 hài cốt cho các địa phương.

Địa bàn Lào trước đây là nơi đóng quân, hoạt động của nhiều đơn vị chủ lực của bộ đội ta, cũng là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nên số bộ đội chiến sỹ hi sinh lớn. Hiện vẫn còn rất nhiều vùng đồi núi với khí hậu khắc nghiệt các Đội quy tập vẫn chưa tiếp cận được” – thượng tá Phạm Văn Thìn cho biết.

Không quy tập mộ bằng tâm linh

Trong 30 năm tiến hành tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, các đơn vị thuộc Quân khu 4 phải trải qua quá trình gian khổ thu thập thông tin, mày mò chắp nối các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau.

“Để có thể xác định vị trí, chúng tôi phải khảo sát trên cơ sở sơ đồ mộ chí. Thông tin được thu thập từ những đơn vị cũ, các cựu chiến binh, nhân dân Lào biết được thông tin, giấy báo tử từ gia đình,… Để có được thông tin từ những nguồn này, anh em phải trải qua thời gian dài tiếp cận, thu thập, đối chiếu.

Trong số những nguồn nói trên, thông tin từ người dân bản địa là rất quan trọng. Đặc biệt là từ vợ, người thân quen của lính phỉ Vàng Pao ngày trước” - thượng tá Thìn cho biết.

Các nguồn thông tin đều được kiểm tra, chắp nối và đối chiếu cặn kẽ. Sau khi việc khai quật được triển khai và đã phát hiện hài cốt, các đơn vị tiếp tục tiến hành những bước giám định khác để kiểm chứng.

“Điều quan trọng khi quy tập là việc xác định danh tính, quê quán của liệt sỹ. Các anh em khi tiến hành cất bốc đều lưu ý đến những kỷ vật chôn kèm hài cốt, đó là cơ sở để xác định.

Với những hài cốt có tên tuổi, quê quán, các đơn vị sẽ báo cáo về quân khu để tiến hành đối chiếu với gia đình, địa phương. Năm nào cũng thế, chúng tôi đều phối hợp với các địa phương để tổ chức bàn giao hài cốt về các tỉnh” – thượng tá Phạm Văn Thìn cho biết.

{keywords}
Bữa cơm của các chiến sỹ quy tập giữa rừng sâu. (Ảnh tư liệu)

Hàng chục năm qua, công tác tìm kiếm quy tập mộ liệt sỹ của quân khu đã có nhiều kết quả, được nhân dân tin tưởng.

Một điều quan trọng phải nhấn mạnh là các đơn vị không bao giờ triển khai quy tập bằng phương pháp tâm linh.

"Từ trước đến nay, quân khu luôn quán triệt đến các đơn vị trong quá trình triển khai phải chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện các thủ đoạn lừa đảo, báo cáo về quân khu để có hướng xử lý” – ông Thìn khẳng định.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh thực hiện tìm kiếm, quy tập theo thông tin chính thống, không bao giờ liên quan đến tâm linh, ngoại cảm.

"Việc tìm kiếm phải dựa trên cơ sở thông tin từ đồng đội cũ, hội cựu chiến bình, thông tin từ các đơn vị chiến đấu, chính quyền địa phương, người dân bản địa...đó là thông tin chính xác cao, chính thống.

Chẳng hạn như trường hợp năm vừa rồi quy tập được hài cốt liệt sĩ trong lòng hồ Kẻ Gỗ cũng dựa vào thông tin từ đơn vị cũ, những căn cứ xác thực trong lịch sử và thông tin từ những người dân địa phương ở đó nên rất chính xác" - Thiếu tướng Tới khẳng định.

Cao Thái - Tuấn Văn