- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, một số chủ đầu tư các cơ sở y tế ngoài công lập quá coi trọng lợi nhuận, coi thường pháp luật,... làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng bệnh nhân, mà trường hợp thẩm mỹ viện Cát Tường là một ví dụ.

Sáng 4/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y dược do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng chủ trì.

Bác sĩ chưa hòa nhã

Tại hội nghị, bà Tiến một ví dụ về thái độ đối xử của bác sỹ với người bệnh trong lần tiếp xúc cử tri tại TP.HCM với vai trò là ĐBQH khiến bà bức xúc: “Cử tri cho biết họ đi khám ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ, bị bác sỹ quát nạt.

Chúng ta là thầy thuốc, phải quan tâm bệnh nhân, không có quyền làm thế. Tôi rất bức xúc vì không hiểu sao đồng nghiệp của mình nỡ lòng quát bệnh nhân như vậy?”.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị sáng nay.

Bộ Y tế đã tổ chức 11 lớp tập huấn cho gần 6.000 cán bộ y tế các tuyến, nhưng theo bà Tiến thì thái độ của bác sỹ với bệnh nhân còn chưa được hòa nhã, chưa được tận tình, nhiều khi do quá tải áp lực quá lớn nên chưa chăm sóc tốt.

Qua nhiều sự việc xảy ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng đã đến lúc các cán bộ ngành y tế “phải nghiêm khắc nhìn lại mình”, bởi nhiều khi chỉ là sơ ý thôi nhưng giữa hạnh phúc và đau đớn chỉ là một làn ranh hết sức mong manh, hậu quả có thể xảy ra trong gang tấc.

Ngành y là ngành mà mọi tai biến không ngờ tới đều có thể rình rập. Theo đề nghị của nhiều đơn vị, ngành y tế có kế hoạch sẽ thành lập hiệp đoàn y bác sỹ để bảo vệ họ trong quá trình hành nghề”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo người đứng đầu ngành y tế, sự việc xảy ra tại thẩm mỹ viện này đang đợi kết luận của Phó thủ tướngNguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên, thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động công khai trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã 6 tháng nhưng cơ quan quản lý chưa nắm được.

Trong khi đó thông tư 41 của Bộ Y tế đã nói rất rõ về vai trò của trạm y tế của phường, phòng y tế, quận trong việc quản lý các cơ sở hành nghề tư nhân này.

Thay đổi cách giám sát, hậu kiểm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay cả nước có 157 bệnh viện tư nhân (6 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài.), hơn 30.000 phòng khám tư nhân. Nếu kể cả lĩnh vực Dược thì cả nước có gần 69.000 cơ sở ngoài công lập. Trong khi đó, toàn quốc chỉ có 240 thanh tra y tế (TP.HCM có nhiều thanh tra nhất với 45 người, Hà Nội có 14 người).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng y tế ngoài công lập có số lượng lớn nhưng quy mô nhỏ.

{keywords}

Cần thay đổi cách hậu kiểm vì nếu chỉ tăng biên chế không thôi cũng không thể đủ để “rải” người kiểm tra hết các cơ sở này (Ảnh minh họa: C.Q).

Đã đến lúc ta phải suy nghĩ phương thức quản lý phù hợp hơn khi số cơ sở ngoài công lập gấp hàng chục lần cơ sở công lập.

Với cách làm hiện nay ta có hậu kiểm được không? Tôi sợ là không làm được, bởi có tăng biên chế thanh tra đến 1.000 người cũng khó mà hậu kiểm thường xuyên. Cả nước có hơn 290 thanh tra mà phải giám sát 30 ngàn đơn vị khám chữa bệnh thì phải có phương thức phù hợp” - ông Nhân chỉ rõ.

Cũng theo ông Nhân, trong vấn đề quản lý thì chính quyền địa phương phải vào cuộc. Phân cấp quản lý trong việc cấp phép và giám sát các đơn vị khám chữa bệnh cụ thể hơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đồng tình với quan điểm này bởi nếu chỉ dựa vào một mình thanh tra thì không thể quán xuyến hết được công việc ở hàng chục ngàn phòng khám.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý, cần công khai mục tiêu hoạt động, nhân lực (trình độ, số lượng), giá cả, có địa chỉ cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở y tế tư nhân.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần sớm ban hành xếp hạng bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập để họ thu hút bệnh nhân cũng như được trả mức bảo hiểm y tế cho phù hợp.

Vấn đề quảng cáo cũng được nhắc tới bởi một trong những sai phạm phổ biến đánh lừa người dân dễ dàng là quảng cáo sai tràn lan trên các kênh truyền thông, mạng xã hội. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sắp tới, nếu cơ sở nào vi phạm phải rút giấy phép hành nghề, chứng chỉ hành nghề.

Hà Nội, TP HCM xử phạt hơn 5 tỷ đồng

Tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2013 đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 977 lượt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thanh tra Sở đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 2,9 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.232 cơ sở hành nghề y và y học cổ truyền, phát hiện 257 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 61 cơ sở, phạt tiền 168 cơ sở, đình chỉ hoạt động 71 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 2,8 tỷ đồng.

Cẩm Quyên