- Có người đã phải chôn vùi tuổi thanh xuân, có người gia đình ly tán, mất hết tài sản vì 1, 2… thậm chí là 10 năm ngồi tù vì một bản án sai. Ai cũng hiểu tiền hay những lời xin lỗi khó có thể bù đắp được thiệt hại cho các nạn nhân trong những bản án oan khuất này.

Người tù 10 năm kêu oan

Dư luận đang xôn xao trước vụ việc bị cáo Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vừa được tạm tha sau 10 năm ngồi tù.

Ông Chấn bị buộc tội giết người vào đêm 15/8/2003 để cướp tài sản trong khi hung thủ thực sự của vụ án lại là kẻ khác. 

{keywords}
Ông Chấn trong vòng vây của gia đình, hàng xóm ngày được tha tù sau 10 năm lĩnh án chung thân.

Vụ án này gây xôn xao dư luận bởi suốt thời gian 10 năm qua, khi ông Chấn phải thụ án ở trại giam Vĩnh Quang, gia đình ông đã kêu oan khắp nơi, mong tìm được sự thật nhưng bất lực.

Và kể từ khi người đàn ông này bị bắt, cuộc sống gia đình ông đảo lộn, kinh tế gia đình vốn đã nghèo lại càng khó khăn do ông là lao động chính. 

Con cái trong nhà đã phải nghỉ học giữa chừng và cả gia đình phải sống suốt trong 10 năm với điều tiếng là “nhà có chồng/cha giết người”.

23 năm mới được "giải oan"

Đang đương chức Phó phòng Nông nghiệp huyện, ông Nguyễn Thành Trung (SN 1952, trú tại TP.Vị Thanh, Hậu Giang) bỗng nhiên bị bắt tạm giam với những tội danh không có thực. 

{keywords}

Ông nói:“Chuyện của đời tôi dài lắm, như một cuốn phim buồn..."
 (Ảnh: VietNamNet)

Ngày 28/4/1988, ông bị cơ quan CSĐT ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng. Đến ngày 25/7/1988, ông được hưởng tại ngoại để phục vụ điều tra.

Suốt thời gian này, ông Trung đã làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng sớm làm rõ việc Viện kiểm sát truy tố ông.

Nhưng mãi đến 23 năm sau, Viện KSND tỉnh Hậu Giang mới chính thức có quyết định giải oan cho ông. 

Kể về quãng thời gian cay đắng, tủi nhục, mất hết mọi thứ trong xã hội, cuộc sống, ông nói: “Chuyện của đời tôi dài lắm, như một cuốn phim buồn...".

“Kỳ án vườn điều”

Đây là một vụ oan gây chấn động dư luận bởi nó khiến cả một gia đình rơi vào vòng lao lý.

Kỳ án này kéo dài từ năm 1993, nhưng cơ quan điều tra không tìm ra được chứng cứ để buộc tội 5 người trong gia đình bà Lâm giết chết Dương Thị Mỹ. Vụ án đã qua 4 lần xét xử. Tại phiên xét xử thứ tư, Tòa phúc thẩm - Tòa án Nhân dân Tối cao đã phải tuyên hủy án sơ thẩm, đề nghị Cơ quan điều tra - Bộ Công an vào cuộc.

{keywords}

Phiên tòa xét xử Huỳnh Văn Nén trong "Kỳ án vườn điều" (Ảnh: Pháp luật & xã hội)

Bốn công dân gồm bà Nguyễn Thị Lâm và ba người con ruột của bà là Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Tiền và Nguyễn Văn Châu đã bị kết án oan tổng cộng gần 24 năm tù.

Ngày 8.1.2006, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra 5 mẹ con bà Nguyễn Thị Lâm. Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thỏa thuận bồi thường theo Nghị quyết 388 cho 5 người trong gia đình bà Lâm với số tiền là 935 triệu đồng.

Ngồi tù oan 2 năm, nam sinh đòi bồi thường hơn nửa tỷ

Một vụ án tương tự là câu chuyện của cậu sinh viên ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) bị kết án oan dẫn đến hủy bỏ kết quả của nhiều năm học và mất đi nhiều cơ hội của tuổi trẻ.

Theo hồ sơ, ngày 9/8/2007, Trương Hoàng Hiếu (SN 1983, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) sinh viên đang học năm thứ 4, Trường ĐH Kinh tế Nha Trang, bị Công an huyện Mỹ Tú bắt tạm giam về tội Cố ý gây thương tích. Về hành vi này, Hiếu phải nhận 5 năm tù.

Tuy nhiên, kết quả điều tra và sau nhiều lần xét xử không chứng minh được Hiếu phạm tội và Hiếu đã phải ngồi tù oan suốt 844 ngày. 

{keywords}
Bố mẹ Hiếu kiệt sức trước những ngày tháng đi kêu oan cho con (Ảnh: VietNamNet)

Trao đổi với VietNamNet, Trương Hoàng Hiếu nói: “Tôi đang là một sinh viên năm thứ 4, sắp thi tốt nghiệp ĐH thì bị bắt giam, oan trái gần 900 ngày và 327 ngày tại ngoại. Bao công sức cha mẹ nuôi tôi ăn học, bị bắt giam giữ nhiều năm trời, tôi mất hết mọi thứ…”.

Đầu năm 2011, TAND huyện Mỹ Tú bồi thường oan sai cho Hiếu 128,2 triệu đồng. Không đồng ý, thanh niên này khởi kiện yêu cầu tòa án bồi thường hơn 530 triệu đồng (gồm tiền tổn thất tinh thần, thuê luật sư, học phí đại học....)

Ra bản án oan, TAND tỉnh Thái Bình bị buộc bồi thường 21,4 tỉ đồng

Một vụ án oan khác cũng khiến dư luận xôn xao bởi chi phí bồi thường cho nạn nhân lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Vụ án được tóm tắt như sau: Cuối tháng 4/1998, Cơ quan CSĐT- CA tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với ông Lương Ngọc Phi - GĐ Cty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hoà Bình- về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”.

Tháng 5/1998 ông Phi bị bắt giam, vài tháng sau, toàn bộ tài sản của ông Phi và Cty đã được Cơ quan CSĐT- CA tỉnh phát mại với giá hết sức rẻ mạt.  Sau đó, TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt ông Phi 17 năm tù.

Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, ngày 12/12/2003, Viện KSND tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi.  Từ khi bị bắt giam đến khi được trả tự do, ông Phi đã bị giam oan 35 tháng. 

Về vụ việc này, HĐXX tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền trên 21 tỉ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản quá lớn cho ông.

Được minh oan sau 2 lần nhận án tử

Tháng 6.2003, anh Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, trú ấp Tân Tiến, Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh) bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố bắt tạm giam về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên Hùng tử hình. Đến năm 2006, án sơ thẩm lần hai của TAND tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên án tử hình nhưng Tòa phúc thẩm TAND Tối cao lại tiếp tục hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Do sau hơn 14 tháng điều tra lại vẫn không bổ sung được chứng cứ, ngày 11.6.2008, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã đình chỉ điều tra. Ngày 13.6.2008 Viện KSND tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng.

Nguyễn Minh Hùng được Công an Tây Ninh xin lỗi công khai vào ngày 19.11.2008 và bồi thường số tiền 130 triệu đồng.

L.Lan (Tổng hợp)