- Bão số 13 dự kiến đổ bộ trong chiều hoặc tối mai (6/11). Đến chiều và đêm 8/11, bão Haiyan sẽ vào biển Đông, trở thành bão số 14. Sau khi bão 14 tan, ngày 13-14/11, lại một cơn bão nữa có thể xuất hiện và hướng vào nam biển Đông.

Như vậy, chỉ trong vòng 9 ngày (từ 5/11 đến 14/11), Việt Nam hứng chịu 3 cơn bão liên tiếp.

Mai bão đổ bộ, TP.HCM đề phòng ngập nặng

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố ven biển chiều 5/11 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết dự kiến chiều mai bão số 13 sẽ đổ bộ đất liền.

{keywords}

Chỉ trong vòng 9 ngày, Việt Nam hứng chịu liên tiếp 3 cơn bão. Dự kiến chiều mai bão số 13 sẽ đổ bộ (Ảnh: NCHMF)

 

“Thời gian đổ bộ có thể từ 3-4 giờ chiều mai, muộn hơn có thể là 7-8 giờ tối”, ông Tăng cho biết.

Khu vực đổ bộ được xác định là các tỉnh ven biển từ Phú Yên tới Cà Mau, các tỉnh khu vực Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, …). Khi đổ bộ, bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

Sau khi bão vào bờ sẽ suy yếu, vượt qua miền Đông, miền Nam Tây Nguyên sang vịnh Thái Lan. Tại đây, bão có thể “tái sinh”, mạnh trở lại.

Ông Tăng lưu ý thời điểm bão đổ bộ của bão số 13 sẽ trùng với đợt triều cường lớn nhất trong tháng 11 nên TP.HCM cần đề cường ngập úng trên diện rộng, tập trung trong 24 giờ sau bão.

Bắt đầu từ trưa – chiều mai (6/11), đất liền các tỉnh nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi 300mm.

Sau khi bão số 13 tan (vào chiều tối ngày 7/11) thì một ngày sau (chiều tối hoặc đêm ngày 8/11), bão Haiyan (bão Hải Âu – đang hoạt động ngoài khơi Thái Bình Dương) sẽ tiếp tục tiến vào biển Đông, trở thành cơn bão số 14 với sức gió mạnh giữa cấp 11 và cấp 12.

Dự kiến cơn bão này chỉ mất hơn 1 ngày (kể từ thời điểm đi vào biển Đông) là sẽ đổ bộ vào đất liền. Khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 14 hiện chưa được xác định cụ thể.

Ngoài ra, theo các thông tin mà cơ quan khí tượng có được thì có thể đến ngày 13-14/11, sẽ tiếp tục có một cơn bão khác xuất hiện và tiến về vùng biển phía nam biển Đông, có diễn biến gần giống cơn bão số 13.

“Nếu vậy thì năm nay là năm kỷ lục nhất từ trước tới nay với 15 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới”, ông Tăng cho biết.

Chủ động cấm biển

Sau khi nghe báo cáo của các địa phương về công tác ứng phó với bão số 13, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương nhanh chóng hoàn thành việc rà soát tàu thuyền.

{keywords}

Công tác ứng phó phải xong trước 13h chiều ngày 6/11 (Ảnh: Vũ Trung)

 

“Đề nghị rà soát đến từng chiếc tàu, neo vào đâu, tiếp tục yêu cầu tàu thuyền đã neo đậu thì người kiên quyết phải lên bờ”, Phó Thủ tướng nói.

Với các tỉnh nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão (như Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đắk Nông, …) cần thực hiện cấm biển từ ngày mai. Công tác chuẩn bị phải xong trước 13h trưa mai.

Về lượng mưa, Phó Thủ tướng cho biết mọi tình huống ứng phó hiện nay đều phải gắn với tình hình biến đổi khí hậu, vì thế phải xác định tình huống có thể xảy ra nghiêm trọng hơn dự báo, cần chỉ đạo chặt chẽ diễn biến mưa bão lũ để kịp thời ứng phó.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn các hồ chứa, chằng chống nhà cửa cho người dân để đảm bảo an toàn, các lực lượng thông tin liên lạc, công an, … phải duy trì để thường xuyên cập nhật diễn biến bão, hướng dẫn người dân lưu thông trong điều kiện mưa lũ, nếu có mưa lớn, gió mạnh tuyệt đối không cho phép người dân lưu thông để đảm bảo an toàn tính mạng.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 13h30 ngày 5/11 đã thông báo cho 133.845 phương tiện/582.782 người biết vị trí của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh.

Ngoài ra, tàu KH 96778 với 12 lao động của Khánh Hòa gặp sự cố bị thủng, nước tràn vào tại địa điểm cách đường phân định biên giới Việt Nam – Indonesia 60 hải lý về phía Tây Nam.

Hiện Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã liên hệ với phía nước bạn để đề nghị hỗ trợ cho người dân tránh trú bão an toàn.

Cảnh báo lũ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, từ đêm nay và ngày mai (6/11), trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, khu vực nam Tây Nguyên và miền đông Nam Bộ ở mức BĐ1-BĐ2; các sông từ Bình Định đến Bình Thuận ở mức BĐ2 - BĐ3.

Riêng miền tây Nam Bộ vùng hạ nguồn sông Cửu Long do ảnh hưởng của kỳ triều cường kết hợp với mưa, mực nước nhiều nơi sẽ lên trên BĐ3 từ 0,2-0,6m, một số nơi có khả năng cao hơn.

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập úng vùng đồng bằng các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, khu vực nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, riêng miền tây Nam Bộ sẽ ngập úng do mưa và triều cường.

Cẩm Quyên