Bà Lành đem thắc mắc về chiếc áo dính máu với chồng xem Chung có phải là người gây án không, ông Chúc đã lớn tiếng dọa: “Để lộ ra ngoài thì tao giết”.

Vài ngày qua, người dân thôn Me, xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang) xôn xao về câu chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi) được thả tù sau 10 năm mang tội Giết người.

Người được xem có công lớn đi đòi lại công lý cho ông Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến (48 tuổi, vợ Chấn).

Ngoài ra, vụ án đang được đưa ra ánh sáng còn có sự góp sức của bà Nguyễn Thị Lành (44 tuổi). Bà Lành là nhân chứng đã phát hiện vụ việc nhưng do bị đe dọa lấy mạng nên mãi sau này bà mới có cơ hội để nói ra tội ác của Lý Nguyễn Chung (25 tuổi), kẻ đã giết chị Nguyễn Thị Hoan. Bà Lành cũng chính là mẹ kế của Lý Nguyễn Chung.

{keywords}

Chị Lành kể lại sự việc với phóng viên.

Một ngày sau khi ông Chấn được thả tự do, phóng viên đã gặp được bà Lành. Trong căn nhà 3 gian đã rêu xanh bà kể lại về đêm diễn ra vụ án mạng kinh hoàng.

“Dù đã 10 năm nhưng đến bây giờ tôi vấn chưa quên được những gì đã xảy ra. Khoảng 20h hôm đó, khi đang ngồi ở nhà tôi thấy Chung đi về nhà với vẻ mặt mệt mỏi. Vừa về, Chung vội vã lấy quần áo rồi đi tắm sau đó leo lên giường đi ngủ. Đến khoảng 23h, khi tôi chuẩn bị đi ngủ thì thấy mọi người kháo nhau ầm ĩ rằng chị Hoan vừa bị ai đó giết chết ngay tại nhà”, nhân chứng vụ án nhớ lại.

Sau khi ra hiện trường xem, bà Lành trở về nhà và đi ngủ. Sáng hôm sau, bà Lành dậy sớm giặt quần áo cho cả nhà bất ngờ phát hiện bộ quần áo của Chung có màu đỏ dính vào như máu đã hoảng sợ gọi chồng là ông Lý Văn Chúc (63 tuổi, bố đẻ của Chung) dậy.

Nhìn bộ quần áo, ông Chúc đã gọi Chung ra nói chuyện riêng. “Hai bố con nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc Sán Dìu nên tôi không hiểu gì. Chỉ thấy sau đó Chung mắt rơm rớm nước mắt còn ông Chung ngồi buồn rười rượi”, bà Lành kể lại.

Lúc này, bà Lành đã có sự nghi ngờ rằng hung thủ gây án chính là Chung nhưng không đủ căn cứ nên không dám nói với ai.

Sau cái chết của Nguyễn Thị Hoan, Chung được người nhà đưa lên Lạng Sơn ở. Trước khi đi, Chung mang theo cả bộ quần áo dính màu đỏ đi theo. Trong quãng thời gian Chung vắng mặt, ông Chấn bị cơ quan điều tra bắt và khép tội giết chị Hoan để cướp tài sản.

Gia đình ông Chấn liên tục kêu oan để đòi lại công bằng. Sau vụ án mạng xảy ra, bà Lành có thắc mắc về chiếc áo dính máu hỏi chồng xem có phải Chung là người gây án không, ông Chúc không nói gì chỉ lớn tiếng dọa rằng “Để lộ ra ngoài thì tao giết”.

Sợ chồng mình nên bà Lành cũng không dám thắc mắc gì thêm. Tuy nhiên, bà Lành bảo trong lòng lúc này luôn nghĩ rằng ông Chấn đã bị đổ oan tội. Hung thủ nhiều khả năng chính là Chung, con riêng của chồng.

Người phụ nữ 44 tuổi bảo, thời điểm đó dù muốn nói ra sự thật nhưng liên tục bị chồng dọa giết nên phải tới năm 2011, bà mới đem toàn bộ câu chuyện kể lại với bố đẻ của mình là ông Nguyễn Quang Hiền (70 tuổi).

Biết được chuyện, ông Hiền đã thông tin cho nhiều người dân quanh xóm và đến cả tai người nhà ông Nguyễn Thanh Chấn. Sự việc đã gây xôn xao cả khu vực xã Nghĩa Trung.

Người nhà ông Chấn sau đó đã làm đơn báo cáo sự việc lên cơ quan điều tra. Tại cơ quan công an, Lý Nguyễn Chung đã khai nhận hành vi giết người của mình.

Theo lời tên này, sau khi gây án, Chung đã về nhà đi tắm để rửa hết vết máu dính trong người. Sáng hôm sau, bị bà Lành và bố mình phát hiện ra vết máu còn dính ở áo, Chung đã thú nhận với bố mình việc giết người.

Sau đó, ông Chúc đã đưa Chung lên Lạng Sơn sống để tránh mặt. Về sau, Chung trốn vào Nam sinh sống. 

Sáng nay (6/11), TAND Tối cao quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm. Người lao động đưa tin, Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao chỉ đạo quyết theo đúng quy định pháp luật, “khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan”.

(Theo Tri thức)