- Để đối phó với cơn bão số 13 có khả năng đổ bộ vào TP.HCM, từ 5g đến 8g45 ngày 6/11 gần 4.000 người dân cư ngụ tại các khu vực nguy hiểm thuộc huyện Cần Giờ đã được di tản đến các nơi an toàn.
XEM CLIP TẠI ĐÂY:
|
Ông Lê Văn Thơm, phó chủ tịch kiêm trưởng ban Phòng chống lụt bão huyện Cần Giờ cho biết tại xã đảo Thạnh An có 1.605 người được đưa vào bờ. Tại 6 xã còn lại và thi trấn Cần Thạnh, 2.000 người được di chuyển tránh xa các khu vực nguy hiểm.
|
Tàu thuyền tránh bão tại bến Đông Hòa. |
Ngoài ra 1.353 tàu thuyền đánh cá và 40 phương tiện đánh bắt xa bờ đã vào bến an toàn. Đa số neo đậu tai bến Đông Hòa.
Theo ông Thơm, tất cả các người dân được di tản vào các trung tâm như trường học, nhà văn hóa đều được chăm sóc hậu cần chu đáo. Từ ăn uống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đều được cung cấp miễn phí.
|
Bà con xã đảo Thạnh An được tập trung vào nhà văn hóa thiếu nhi huyện |
Tại nhà thiếu nhi huyện, chúng tôi ghi nhận có rất đông bà con thuộc xã đảo Thạnh An về đây tạm trú. Cả hội trường rộng lớn thuộc nhà Thiếu nhi đông nghẹt người. Vào giờ ăn trưa, bà con được cung cấp xuất ăn khá tươm tất.
Một người dân cho biết, kinh nghiệm qua các cơn bão trước, lần này bà con rất tự giác chấp hành lệnh di dời của huyện. Mặc dầu hiện giờ chưa có dấu hiệu gì của bão nhưng khi bão đến rất bất ngờ nhanh đến mức không trở tay kịp.
Cung cấp suất ăn. |
Các trường học tại huyện đều đã cho học sinh nghỉ học. Công tác di dời đã hoàn tất và ông Lê Thanh Liêm phó chủ tịch UBND TP đã đến hiện trường kiểm tra chỉ đạo công tác di dời.
Mưa lớn nhiều nơi
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 1 giờ chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 150km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ở Tuy Hòa (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hòa) đã có gió giật mạnh cấp 6.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Đến 01 giờ ngày 07/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Áp thấp nhiệt đới đang gây mưa lớn cho Trung và Nam Trung Bộ (Ảnh: NCHMF). |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có giật cấp 8, cấp 9. Ở các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7.
Từ gần sáng mai (7/11), vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh giật cấp 6 - 8. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m.
Ngoài ra, hồi 13 giờ ngày 06/11, bão Haiyan (bão Hải Âu) có vị trí ở vào khoảng 7,6 độ Vĩ Bắc; 138,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17.
Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 - 30km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm 8/11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông.
Tính đến 6 giờ ngày 6/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 83.149 phương tiện/382.356 người biết diễn biến của ATNĐ để chủ động di chuyển phòng tránh. Có 2 tàu gặp sự cố trên biển, tàu cứu nạn đã được điều động.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Căng mình đối phó với bão
Đại tá Đào Quang Hiển, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết, đến trưa nay (6/11), lực lượng Bộ đội Biên phòng toàn tỉnh đã kêu gọi được 3.199 tàu và 17.098 ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu vào các cảng, bến để tránh trú bão. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã liên lạc được với toàn bộ 1.915 tàu (11.975 ngư dân) còn đang đánh bắt xa bờ để hướng dẫn cách tránh trú bão.
Tàu cá của ngư dân vào sông Dinh trú bão |
Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã có công văn chỉ đạo Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh này, cho phép tất cả học sinh, sinh viên trên địa bàn nghỉ học vào chiều 6/11.
Cũng bắt đầu từ 13 giờ ngày 6/11, tất cả các tàu cánh ngầm hoạt động trên tuyến Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh đã phải tạm ngưng hoạt động.
Ông Bùi Thanh Việt, Trưởng văn phòng đại diện số 1 Cảng vụ Đường thủy nội địa
tỉnh BR-VT (đơn vị quản lý việc xuất nhập bến tại cảng Cầu Đá, TP.Vũng Tàu), cho
biết: Có tất cả gần 10 chuyến tàu từ Vũng Tàu đi TP.Hồ Chí Minh đã phải hủy
trong buổi chiều ngày 6/11. Hiện toàn bộ tàu cánh ngầm đã di chuyển về TP.Hồ Chí
Minh để tránh trú bão.
Cũng như Bà Rịa Vũng Tàu, các tuyến tàu cánh ngầm xuất phát từ TPHCM cũng đã
nhận được lệnh nghiêm cấm xuất bến từ trưa nay (6/11) cho đến khi có lệnh mới.
Ngày 6/11, Hãng hàng không Vietnam Airlines thông báo tạm ngừng khai thác 14 chuyến bay đi/đến sân bay Cam Ranh – Nha Trang. Việc tạm ngừng được đưa ra sau khi có thông báo từ Cảng vụ hàng không Miền Trung về việc không tiếp nhận tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh từ 11h ngày 6/11 đến 6h ngày 7/11 vì lý do thời tiết. Vietnam Airlines sẽ khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ và các chuyến
bay bù ngay khi nhà chức trách cho phép sân bay Cam Ranh mở cửa hoạt động. |
• Trần Chánh Nghĩa - C.Quyên - Chí Thành
Clip: Vũ Đoan