- Ngày 7/11, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi thư tay tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị chỉ đạo tòa án thẩm tra lại vụ án của công dân Hàn Đức Long (SN 1959, ngụ xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) theo thủ tục giám đốc thẩm vì 'có dấu hiệu oan sai'.
Vụ án này kéo dài đã 7 năm, từng bị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Cái chết bí ẩn của cháu gái 5 tuổi
Theo đó, khoảng 19 giờ ngày 26/6/2005, vợ chồng anh Nguyễn Đình Sơn - Đoàn Thị Liễu (ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) phát hiện con gái là cháu Nguyễn Thị Yến (5 tuổi) mất tích bất thường.
Linh tính chẳng lành nên người nhà cháu Yến đổ xô đi tìm. Đến sáng ngày 27/6/2005, người dân địa phương đã phát hiện thi thể cháu Yến tại một mương nước, cạnh bãi tha ma, cách nơi ở của gia đình hơn 1,7km.
Hiện trường cháu Yến bị sát hại |
Vụ việc được báo lên công an, sau khi vào cuộc, tiến hành khám nghiệm tử thi đã cho kết quả: Phổi xung huyết, diện cắt có dịch bọt màu đỏ lẫn máu chảy ra. Lòng khí phế quản xung huyết có dị vật lẫn bùn đất, âm đạo bị rách. Kết luận xác định cháu Yến tử vong do ngạt nước.
Sau 4 tháng không tìm ra thủ phạm, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã nhận được đơn tố cáo của bà Ngô Thị Khuyến (SN 1930) và con gái của bà Khuyến là Trương Thị Năm (SN 1960).
Đơn tố cáo cho rằng ông Hàn Đức Long đã từng hiếp dâm chị Năm.
Ngay lập tức, cơ quan CSĐT đã tiến hành bắt tạm giam ông Long để lấy lời khai.
Theo như cáo trạng phiên sơ thẩm và phúc thẩm, tại cơ quan điều tra, “bị can” Hàn Đức Long đã thú nhận hiếp dâm mẹ con bà Khuyến và hiếp, giết cháu Yến.
Trong 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Hàn Đức Long đã bị tuyên án tử hình về tội “Giết người”, “Hiếp dâm”.
Tuy nhiên, sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình.
Sau đó, bị cáo Hàn Đức Long được đưa về trại giam Kế tỉnh Bắc Giang để chuẩn bị thi hành án tử hình theo hình thức tiêm thuốc độc.
Những dấu hiệu bất thường
Luật sư Nguyễn Am - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang – luật sư bào chữa cho bị cáo Hàn Đức Long tại phiên sơ thẩm cho rằng, vụ án này có nhiều dấu hiệu bất thường, còn rất nhiều tình tiết cần được làm rõ.
Bị cáo Hàn Đức Long - Ảnh: LĐ |
Luật sư Am phần tích: Thứ nhất, hồ sơ kết luận điều tra mô tả không phù hợp với logic khách quan chứng tỏ nhiều khả năng tội phạm được thực hiện với tư thế diễn biến cách thức khác, có thể ở một địa điểm khác chứ không giống như thực nghiệm hiện trường và qua cách hình dung của cán bộ điều tra.
Thứ 2, chi tiết bị cáo sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm tại bờ mương bê tông đã bế cháu bé tới một đoạn mương nước bờ đất, đặt cháu bé ngồi trên bờ rồi đẩy cháu ngã xuống nước, bị cáo quay đầu bỏ chạy về nhà.
Kiểm tra mương nước cho thấy: Lòng mương rộng 1,6m, có nhiều cỏ và khoai nước, sâu 35cm, từ mặt nước lên bờ mương 40cm. Hai bên bờ mương bằng đất rộng trung bình 1,2m.
Trong khi đó cháu bé 5 tuổi có chiều cao 1,07m. Với mực nước 35cm thì không thể làm chết đuối cháu bé có chiều cao như vậy.
Khám nghiệm tử thi thấy trong phế quản có dị vật lẫn bùn đất, chứng tỏ trước khi chết cháu đã hít thở rất mạnh có thể do bị dìm cho chết ngạt.
Nhưng theo kết luận điều tra và cáo trạng thì bị cáo đã đẩy cháu bé ngã xuống mương rồi bỏ chạy về, không dìm cháu bé. Như thế, hành vi mô tả trong hồ sơ không phù hợp với kết luận giám định pháp y, không phù hợp với phân tích khoa học đưa đến nguyên nhân cái chết cho cháu bé.
Đây là một tình tiết đặc biệt quan trọng cho thấy tội phạm đã được thực hiện theo một diễn biến cách thức khác, không đúng với mô tả trong hồ sơ.
Điều đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Mai (vợ của Hàn Đức Long) thì tại phiên tòa Long khai báo đã bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung nên phải nhận tội, phải khai nhận theo những nội dung cán bộ điều tra đọc cho để viết. Nếu Long trái ý sẽ bị cán bộ điều tra cầm bút đâm thẳng vào bàn tay.
Bà Nguyễn Thị Mai vác đơn kêu oan cho chồng gửi VKSNDTC chiều 13/11 |
Điều này lý giải vì sao các bản khai nhận tội do cán bộ điều tra yêu cầu Long ký đều rất giống nhau và lý giải tại sao lời khai nhận của Long phù hợp với hiện trường phạm tội, phù hợp với các tài liệu thu thập khác của cơ quan điều tra.
Theo luật sư Ngô Ngọc Trai, Trưởng Văn phòng Luật Ngô Ngọc Trai và Cộng sự (TP Hà Nội) thì trong vụ án này, Hàn Đức Long có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng.
Cụ thể: Buổi chiều cháu Yến bị sát hại, ông Hàn Đức Long xay thóc tại nhà ông Diêm Quảng Nam (ngụ cùng thôn). CQĐT đã hỏi ông Nam xem tối hôm xảy ra vụ án có những ai xay thóc thì được ông Nam kể ra 7 người, trong đó có ông Long.
Và nhiều người cùng xay thóc xác nhận điều này.
Liên quan đến vụ việc này, mới đây nhất, ngày 13/11/2013, bà Nguyễn Thị Mai đã mang đơn kêu cứu khẩn cấp nộp lên VKSND Tối cao để kêu oan cho chồng.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Cùng tiếp nhận hồ sơ kêu cứu về oan sai đối với tử tù Hàn Đức
Long trong vụ án này, Bà Vũ Thị Nga - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật,
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cho rằng: “Qua nghiên cứu hồ sơ và thực nghiệm
hiện trường vụ án này, tôi thấy vụ án còn nhiều bất minh, có căn cứ khẳng định
cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đơn cử
như việc bắt giữ ông Hàn Đức Long qua đơn tố cáo, nhưng người tố cáo đã có thù
hằn mâu thuẫn từ trước với ông Long. Nên đơn tố cáo đã thể hiện rõ việc không
khách quan, toàn diện. Hơn nữa, trong quá trình điều tra thì phía công an lại
cho Hàn Đức Long gặp đại diện gia đình bị hại ngay tại trong trại tạm giam để bị
hại cam kết không gây thù oán, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của gia đình ông
Long (theo bút lục 80,81 và bút lục 1272, 1368 có trong hồ sơ vụ án)”. (Theo Dân Trí) |
Hoàng Sang