Sáng 23/11, buổi sáng đầu tiên Zone 9 mở cửa lại sau vụ cháy, quán bar Fuse đang cải tạo - nơi xảy ra vụ hỏa hoạn làm 6 người chết trước đó - vẫn được niêm phong lặng lẽ. Còn các gian kinh doanh khác ở Zone 9 bắt đầu lác đác hoạt động trở lại. Nhưng không phải theo một cách vô tình.
Làm mới những ngôi nhà cũ
Cách một dãy nhà từ quán bar Fuse, những đứa trẻ tuổi mẫu giáo chạy tung tăng trong sân Zone 9 sau khi hết giờ học vẽ. Lớp vẽ đặt ở một dãy nhà khác trong Zone 9. Các ông bố, bà mẹ trẻ ngồi quán café trong lúc đợi con, trò chuyện và ngắm những đứa con một cách hài lòng. Anh Vũ Ngọc Trung (nhà ở phố Phan Chu Trinh) cùng vợ đến đón cậu con trai 4 tuổi rưỡi.
Buổi sáng đầu tiên Zone 9 mở cửa trở lại (ảnh chụp sáng 23/11) |
Trong lúc con chơi bóng, anh Trung kể: “Lúc vụ cháy xảy ra tôi rất lo lắng, vì trước đó đã có sự việc người ngã lan can rồi. Tôi phải đến xem lại quán bar bị cháy, xem xét cả khu và dãy nhà đặt lớp vẽ của con tôi. Cái gì cũng có lý do cả, quán bar đó lối ra vào đâu có khó, thiệt hại lớn về người chắc chắn không phải do nhà cũ nát, kết cấu. Nên tôi vẫn quyết định cho con trở lại đây học và cả nhà không ai phản đối cả”.
Một người mẹ khác ở quận Hoàn Kiếm, cũng đến đón con trai 5 tuổi, bảo: “Nguy cơ nhiều nhất với bọn trẻ có lẽ chỉ có thể là vôi vữa ở các đơn vị kinh doanh đang sửa chữa, còn nếu nói về cháy nổ, thì ở đây không gian thoáng đãng, hơn nhiều ngõ ngách, khu tập thể cũ của Hà Nội chứ”.
Nhưng chị cũng nói thêm, ở Việt Nam đòi hỏi tuyệt đối thì khó, một chứng chỉ an toàn chẳng hạn, chủ yếu sống bằng lòng tin và cảm quan của mình mà thôi.
Vào Zone 9 với những tòa nhà bỏ hoang vốn của Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 2, quả thật không ít người có cảm giác e ngại vì những bức tường tróc vữa, những cầu thang tối không có đèn, không được sơn sửa.
Nhưng việc giữ nguyên trạng hành lang trống trải, cửa sổ không sơn, bồi đắp thêm bằng những vật liệu trang trí nội, ngoại thất thô mộc đã là chủ ý của chủ nhân các hàng quán tại đây, và điều đó đã tạo thành một phong cách mới và lãng mạn ở Zone 9.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh - làm nghề kiến trúc xây dựng hơn 20 năm - một trong những người đầu tiên đầu tư vào Zone 9 - ngước lên những cửa sổ cũ, bảo: “Nói Zone 9 là nhà hoang thì phải hiểu là sự lãng phí về không gian, hơn là sự xuống cấp về chất lượng của công trình”.
Anh Thanh có mặt ở Zone 9 lúc xảy ra vụ cháy. Trớ trêu là, lẽ ra vào 14h30 ngày hôm đó, cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ có cuộc tập huấn ở Zone 9. Chừng 14h, khói bốc lên ở bar Fuse, anh Thanh và không ít người còn tưởng cuộc tập huấn phòng cháy đã bắt đầu.
Đám cháy được dập tắt rất nhanh, chỉ trong vòng vài phút, nhờ ống nước của tiệm sửa xe và đường nước chữa cháy trong khu vực.
7 phút sau lính cứu hỏa đến chỉ làm nhiệm vụ hút khói độc ra khỏi quán bar và đưa người bị nạn ra ngoài. Anh Thanh là một trong những người tham gia cứu hộ, lấy nước, khăn mặt ướt, hô hấp nhân tạo cho các công nhân và các chiến sĩ phòng cháy lúc đó. “Họ chết vì khí độc. Đến giờ tôi vẫn còn thấy tang thương, ám ảnh quá” - anh thở dài.
“Có người hỏi tôi, đặt mục đích kinh tế hay an toàn lên trên? Tôi không tưởng tượng lại có câu hỏi như thế. Đây là nơi chính tôi, con tôi, các bạn bè và khách hàng của tôi ra vào thường xuyên, sao tôi lại có thể chọn một nơi không an toàn?” - anh Thanh nói. Anh Thanh và họa sĩ Trần Vũ Hải - chủ quán bar Barbetta ở dãy nhà B - đang giữ trong tay bản vẽ của một số dãy nhà trong Zone 9, rồi hồ sơ tài trợ, nói chung là hồ sơ về lịch sử của khu nhà máy. Các dãy nhà trong Zone 9, được xây dựng lâu nhất là từ 1959 - 1960, và mới nhất là cuối những năm 1980.
Một kiến trúc sư khác - anh Phó Đức Tùng - đã cùng gia đình dọn vào ở hẳn trong khu Zone 9. “Có gì mà không yên tâm? Làm sao có thể nói một tòa nhà xây từ những năm 1950 - 1960 là mục nát? Chúng tôi làm nghề mãi rồi, nhìn biết ngay đâu là hàng thật, hàng giả”. Anh bảo, nghệ sĩ mà đấu với tiền thì đấu thế nào nổi, ở Hà Nội chẳng kiếm đâu ra một nơi hay như thế, với giá mà các nghệ sĩ có thể chịu được. Anh cùng 4 gia đình bạn bè - trong đó có một cặp khác cũng là kiến trúc sư vợ Việt chồng Pháp - thuê toàn bộ tầng 5 tòa nhà A, nơi quán bar Fuse tọa lạc, mỗi gia đình một căn hộ.
Hồi sinh cho Zone 9?
Zone 9 bị tiếng là “khu ăn chơi” của giới trẻ, cách gọi dễ dãi khiến người ta nghĩ tới những khái niệm xấu. Nhưng với ai đã đến đây thì Zone 9 là một ấn tượng khác hẳn, đúng như cái tên “Hợp tác xã nghệ sĩ - tổ hợp không gian văn hóa - nghệ thuật” trên trang FB của Zone 9.
Ở đây có 70 doanh nghiệp, 40 hộ cá thể đang kinh doanh, thuê mặt bằng, như con số mà bà Lai Thị Chinh – Giám đốc Công ty Thành Đạt, đơn vị khai thác Zone 9 cho biết, thì tới 70 - 80% trong số họ là giới văn nghệ sĩ, báo chí, xây dựng, kiến trúc...
Những xưởng vẽ, studio nghệ thuật thị giác, nhạc đương đại, lớp yoga, lớp nhạc, vẽ cho trẻ nhỏ, cửa hàng thời trang, các quán café, quán bar, nhà hàng được làm theo nhiều phong cách, tạo việc làm, thiết lập những sinh hoạt cộng đồng phong phú, hình thành một không gian giao lưu văn hóa đa sắc màu.
Nhiều sự kiện văn hóa không chỉ của các nghệ sĩ Việt Nam, mà cả sự kiện mang tính ngoại giao, quốc tế được tổ chức ở Zone 9. Mới cuối tháng 10, Đại sứ quán Đức và Viện Goethe đã chọn nơi này tổ chức sự kiện “Berlin trong lòng Hà Nội” với các buổi biểu diễn, trưng bày, chiếu phim, tổ chức đón Thị trưởng đương nhiệm Berlin.
Trước khi được khai thác, khu vực này nồng nặc mùi kháng sinh, mùi cao con hổ. Và khu nhà máy bỏ hoang đã được hồi sinh, theo cách chỉ những người trẻ đầy táo bạo mới làm được. Trong tay họ, những thứ “đồng nát” có giá trị thẩm mỹ riêng, chai lọ, bàn ghế cũ, đường ống, rầm xà cũ thành những món decor hay hay, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường, vừa lạ mắt, đúng như xu hướng “recycle” (tái chế) của thế giới.
“Tận dụng một không gian cũ để phát triển thành điểm văn hóa nghệ thuật, thành một đặc sản văn hóa không tìm thấy ở các sân khấu chính thống, Zone 9 không chỉ ý nghĩa với giới trẻ, mà với cả sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội” - nữ nhạc sĩ Kim Ngọc - chủ studio nhạc thể nghiệm Đom Đóm đặt trong Zone 9 - nói. Chị bảo, 5 tòa nhà trong Zone 9 tạo ra cho Zone 9 một giá trị thẩm mỹ, lịch sử mà chỉ có thời gian mới làm nên được.
Từng học âm nhạc ở Đức và đi nhiều nơi trên thế giới, Kim Ngọc so sánh, ở Đức có rất nhiều không gian nghệ thuật tương tự. Zone 9 gợi cho Kim Ngọc nhớ lại nhà ga trung tâm ở Munich - thành phố lớn nhất nước Đức - đã trở thành bảo tàng, hay trung tâm nghệ thuật đương đại Georges Pompidou ở Paris (Pháp), cùng nhiều nơi khác chị đã qua.
Điều khác biệt là, từ một không gian tự phát của các nghệ sĩ, chính quyền thành phố hoặc nhà nước Đức đã nhận ra giá trị văn hóa của khu vực đó và có nhiều chính sách hỗ trợ, để khu vực đó thành một địa điểm nghệ thuật công cộng của thành phố.
Tối 23.11, đêm nhạc Zone 9 tưởng niệm các nạn nhân và quyên góp cho gia đình của họ được tổ chức ở Viện Goethe. Trong tiếng nhạc điện tử đầy nhiệt huyết, Giám đốc Viện Goethe Hà Nội - tiến sĩ Almuth Meyer-Zollitsh - giám đốc Viện Goethe kể: “Khi tôi đưa ông Thị trưởng Berlin tới đây, ông ấy đã rất ngạc nhiên, vì không nghĩ Hà Nội có một nơi độc đáo như vậy, giống như các trung tâm nghệ thuật ở London, Berlin hay New York. Một khu vực chưa từng thấy ở Hà Nội với nhiều hoạt động sáng tạo nghệ thuật, theo cách rất tự nhiên. Một khu vực tuyệt vời và đầy cảm hứng. Một không khí giao lưu văn hóa đầy chia sẻ...”. Đó là lý do mà Viện Goethe quyết định ủng hộ đêm nhạc.
“6 người mất đi là một thảm họa. Những người bố, người mẹ, con cái họ đang rất đau đớn, khó khăn. Đây là bài học đắt giá để việc sửa chữa cần được giám sát chặt chẽ hơn, những người thợ cần được đào tạo chuyên nghiệp hơn. Mặt khác, chúng tôi cũng mong rằng, việc điều tra sẽ được tiến hành minh bạch, để vụ cháy đó không là lý do mà đóng cửa toàn bộ Zone 9”.
Bà Meyer-Zolitsch nói, Zone 9 đã xác lập một địa điểm văn hóa đương đại cởi mở, một sân chơi sống động, thoáng đãng, cho thấy tiềm năng sáng tạo của các nghệ sĩ Hà Nội còn rất lớn, và có thể thu hút khách du lịch mạnh mẽ, như cách mà các trung tâm nghệ thuật đương đại ở Bắc Kinh hay Berlin đã làm được. Và vì vậy mà bà muốn Zone 9 được hồi sinh.
Đêm nhạc tưởng niệm ở Viện Goethe rất nhiều nến và hoa cúc trắng. Giang Trang - một người hát nhạc Trịnh với giọng ca sâu thẳm, đang mở quán café 247 trong Zone 9 - đưa ra sáng kiến này.
Tưởng niệm bằng nhạc thể nghiệm lạ tai, thậm chí ồn ào đến khó nghe, không phải là cách dễ được đám đông chấp nhận. Nhưng những người trẻ ở Zone 9 có cách làm của họ, thiết thực và nhanh chóng, bỏ qua mọi nghi kỵ, và được sự đồng lòng của hầu hết những ai đang làm nghệ thuật, kinh doanh ở Zone 9 cùng những khách hàng, phụ huynh đã đến với Zone 9. Kết quả của đêm nhạc là 143 triệu đồng quyên góp cho gia đình nạn nhân.
Và khi kết thúc đêm nhạc, những bông cúc trắng được mang về đặt trước bar Fuse. Trong đêm tối, màu trắng ấy sáng lên đến thắt lòng - vì những người đã mất, nhưng tinh khiết - như sự sẻ chia của những người nghệ sĩ.
(Theo Lao động)