- Ngày 27/11, sau 1 tuần xét xử, TAND TP.HCM đã tiến hành tuyên án đối với vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Công ty Vifon).

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Kế toán trưởng, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon, 58 tuổi, TP HCM) mức án 20 về tội “Tham ô tài sản”, 15 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, 64 tuổi, TP HCM) mức án 7 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt là 22 năm tù.

Liên quan đến vụ án, bị cáo Đàm Tú Liên (nguyên Kế toán trưởng, 52 tuổi) bị tuyên phạt mức án 8 năm tù, bị cáo Dương Thị Mẫn (56 tuổi, nguyên kế toán thanh toán) 7 năm tù, bị cáo Ka Thị Thu Hồng (56 tuổi, nguyên thủ quỹ) 7 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đủ cơ sở kết tội

HĐXX nhận định: tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi sai phạm cơ bản như cáo trạng đã nêu.

Trong phần bào chữa, các luật sư băn khoăn về nguyên đơn dân sự trong vụ án và vấn đề giám định thiệt hại.

 

{keywords}

Hội đồng xét xử đang tuyên án

Luật sư cho rằng việc nguyên đơn dân sự là Bộ Công Thương từ chối cho rằng mình không thiệt hại, không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Như vậy, vụ án không có bên bị thiệt hại, không có bên nào yêu cầu đòi bồi thường.

Ngoài ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Bi cho rằng, số tiền bị cáo Bi tự ý chia thưởng là tiền quỹ phúc lợi của công ty, không phải là tài sản Nhà nước nên cho rằng bị cáo Bi không phạm tội "Cố ý làm trái".

HĐXX xét thấy trong giai đoạn Vifon còn là doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Công Thương là bộ quản lý ngành đối với Công ty Vifon và đồng thời là chủ sở hữu. Do đó, đủ cơ sở xác định Bộ Công Thương là nguyên đơn dân sự trong vụ án.

Ngoài ra, lúc xảy ra sai phạm, Công ty Vifon vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do đó, toàn bộ tài sản công ty thuộc quyền sở hữu nên hành vi của bị cáo Bi đã phạm vào tội cố ý làm trái. Từ đó, không có cơ sở chấp nhận lời bào chữa của luật sư.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, đủ cơ sở kết luận: lợi dụng giai đoạn cổ phần hóa, Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền đã cấu kết với nhau, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn nhằm lấy tiền của Nhà nước và các cổ đông để đưa vào huy động vốn cho cá nhân rồi sau đó rút ra chiếm đoạt.

Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại của Nhà nước và cổ đông công ty tổng cộng 18,2 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Thanh Huyền đã tham ô hơn 9,89 tỷ đồng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt gần 1,4 tỷ đồng.

Hành vi phạm tội của bị cáo Huyền đặc biệt nghiêm trọng, điển hình cho tội phạm tham nhũng trong giai đoạn nhà nước chuyển đổi cổ phần hóa cần phải xử nghiêm với mức án cao nhất của khung hình phạt.

Tuy nhiên, xét thấy bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo và gia đình đã nộp tiền và tài sản kê biên của bị cáo có thể khắc phục thiệt hại vụ án.

Đối với bị cáo Nguyễn Bi, bị cáo đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng, có hành vi cố ý làm trái khi tự ý quyết định chia 290.000 USD (hơn 4,7 tỷ đồng) là số tiền từ quỹ khen thưởng của công ty cho bản thân và một số cán bộ lãnh đạo, ký quyết định chi thưởng khống hơn 3,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng hơn 8,2 tỷ đồng.

Xem xét trách nhiệm ông Nguyễn Văn Bên

Liên quan đến vụ án, quá trình điều tra xác định, khi giữ vai trò Phó Tổng giám đốc Công ty, ông Nguyễn Văn Bên đã có hành vi ký các chứng từ chi 456,5 triệu đồng mua cổ phần cho ông Bi, giả thu tiền huy động vốn của, ký ủy nhiệm chi và một số phiếu thu khống trong khoản tiền 200.000 USD của Công ty TNHH Xay Lúa Mì chuyển cho Vifon, bản thân được chia thưởng trái nguyên tắc 50.000 USD.

 

{keywords}

Các bị cáo trước vành móng ngựa

Tuy nhiên, quá trình điều tra nhận định do ông Bên không được tham gia bàn bạc, không biết việc chiếm đoạt tiền của Nguyễn Thanh Huyền nên không cần thiết xử lý về hình sự.

Ngoài ra, một số trường hợp được Nguyễn Bi chia thưởng trái nguyên tắc nhưng họ không được tham gia bàn bạc cùng Nguyễn Bi, thật thà khai báo và nộp lại tiền nên cơ quan điều tra không khởi tố.

Trong phần tuyên án, Tòa nhận định những tình tiết trên chỉ là những tình tiết giảm nhẹ, không phải là cơ sở miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sai phạm.

Từ đó, HĐXX kiến nghị VKSND Tối cao xem xét trách nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Bên và một số cá nhân liên quan.

M.Phượng