HTML clipboard

- Lúc 17h15 ngày 3/4, cụ rùa Hồ Gươm đã được đưa vào bể thông minh để chuẩn bị hành trình chữa bệnh...


XEM LẠI TOÀN BỘ DIỄN BIẾN CUỘC VÂY BẮT RÙA:

15h15:
Lưới vây bắt rùa Hồ Gươm đã được thả xuống sau khi phát hiện tăm rùa.

 
Khu vực vây bắt rùa lần này ở ngay sau lưng đền Ngọc Sơn và đối diện với trụ sở báo Nhân Dân, phía đường Lê Thái Tổ.

Chiếc thuyền có lưới dùng vây bắt rùa đã đợi sẵn ở khu vực chân đền từ khoảng hơn 14h. Gần một giờ chờ đợi, khi chắc chắn rùa ở khu vực này, lực lượng làm nhiệm vụ đã tiến hành thả lưới.

Do khẩu tổ chức đã được chuẩn bị từ trước, việc thả lưới tiến hành khá nhanh, gọn và thao tác trong chừng 10 phút.



 
Ngay sau khi lưới vây rùa đã được thả xuống, ba chiếc thuyền khác từ chân Tháp Rùa đã tiến về khu vực quây lưới.

Phạm vi khép lưới so với lần vây bắt ngày 8/3 trước đó hẹp hơn. Lực lượng làm nhiệm vụ nhanh chóng khép lưới. Khu vực khép lưới chừng hơn 100m2.

Ngay sau khi lưới khép chừng 15 phút, cụ rùa Hồ Gươm đã nổi và ngóc hẳn đầu lên cao ở gần mép lưới phía quay lưng ra đài phun nước đường Đinh Tiên Hoàng.



 

Hàng ngàn người dân rất nhanh chóng đã tụ tập vây kín khu vực đang được bủa lưới.

Chiếc thuyền chở lồng sắt dùng để đưa rùa Hồ Gươm từ khu vực quây lưới đưa ra chân tháp đã có mặt. Những người làm nhiệm vụ đã tiến hành bọc lưới vào phía bên trong lòng của chiếc lồng này.



 

Đây sẽ là phương tiện để đưa rùa Hồ Gươm về tháp, nếu như việc vây bắt thành công.

Lực lượng chức năng giữ trật tự giao thông đã có mặt ngay sau đó để làm nhiệm vụ. Tất cả các phương tiện giao thông lưu thông trên đường Lê Thái Tổ đều được yêu cầu di chuyển hướng khác để tránh gây ùn tắc, ảnh hưởng tới việc tiến hành vây bắt rùa.

15h30: Khu vực đường Lê Thái Tổ từ ngã ba Bảo Khánh lên tới ngã ba Hàng Trống đã được chặn đường.

16h10: Dù đã nằm phía trong vòng vây lưới, cụ rùa lại một lần nữa phá bung lớp lưới bên trong, tuy nhiên, vẫn còn một lớp lưới bủa vòng ngoài.

 

Trong khi đó, lực lượng chốt giữ lồng sắt vẫn trong tư thế chờ đợi.

Rút kinh nghiệm lần vây bắt bất thành ngày 8/3, lần vây bắt này lưới được chừa một phần để đưa chiếc lồng sắt này vào phần để trống. Có thể tưởng tượng chiếc lưới được thiết kế có khoảng trống như hom giỏ và chiếc lồng sắt chính là chiếc hom giỏ đó.

Được biết, việc lai dẫn rùa chỉ thực hiện khi đã đảm bảo các yếu tố hạ tầng ngòai chân tháp cũng như việc rùa Hồ Gươm thích nghi và làm quen được với con người.



Thu hút hàng ngàn người dân

Cũng như lần vây bắt trước, lần vây bắt này cũng được sự quan tâm của hàng ngàn người dân hiếu kỳ. Vẫn không hiếm cảnh trèo lên cây, ghế đá, chân cột điện khi xem vây bắt rùa.

16h20: Rùa gần như đã chạm vào chiếc lồng sắt này. Nhưng ngay sau đó, đã  đổi hướng và di chuyển vào phía bên trong.

16h30: Các lực lượng lai dẫn đã bắt được rùa Hồ Gươm. Lúc này, dưới sự phối hợp của nhóm người làm việc dưới nước và nhóm người chốt giữ chiếc lồng sắt, rùa Hồ Gươm đã được đưa vào chiếc lồng sắt để di chuyển ra ngoài chân tháp - nơi sẽ chữa trị.

Những chiếc thuyền làm nhiệm vụ đã neo lại với nhau để di chuyển chiếc lồng sắt giữ rùa Hồ Gươm đi về phía chân tháp. Trên chân Tháp Rùa, lực lượng tiếp nhận cũng đã trong tư thế sẵn sàng.

16h45: Lồng giữ rùa Hồ Gươm lúc này đang được hai chiếc thuyền di chuyển đưa về khu vực chân tháp. Do trọng lượng của cụ rùa quá lớn, chiếc lồng sắt này chìm dưới mặt nước. Tuy nhiên, nhờ hệ thống phao xốp được ghì dưới đáy nên lồng sắt này vẫn nổi.





Rùa Hồ Gươm đã nằm trong lồng sắt và đang được di chuyển về chân tháp

16h50: Chiếc lồng nhốt giữ rùa Hồ Gươm đã áp sát chân tháp. Tại đây, hệ thống ròng rọc đã được đưa xuống để cẩu lồng sắt, đưa rùa Hồ Gươm lên chân tháp.

16h55: Lồng sắt được đưa đến chân tháp. Chuẩn bị dùng cẩu đưa cụ rùa vào bế thông minh.

 

17h15: Lúc này, những người làm nhiệm vụ đang thay quần áo ở khu vực chân tháp. Thời gian đầm mình dưới mặt nước hơn 2 giờ đồng hồ khiến nhiều người nhiễm lạnh. Mắm tép, nước mắm... là những thứ chống lạnh được lực lượng bắt giữ rùa sử dụng để chống rét, làm cho ấm người. Công việc còn lại do đội ngũ trong Ban cứu chữa rùa Hồ Gươm đảm nhiệm.

 

Một nguồn tin cho hay, việc chữa trị rùa Hồ Gươm sẽ tiến hành ngay vào thời gian tới.

Sự kiện đưa rùa lên bể thông minh thành công khiến cho nhiều người lần đầu tiên được nhìn cận cảnh cụ rùa Hồ Gươm.

Những người may mắn được nhìn thấy rùa cho biết, cụ rùa vừa được bắt có kích thước lớn hơn kích thước cụ rùa trong đền Ngọc Sơn. Tuy nhiên, nhiều móng của cụ đã bị mòn và mất.

Khâu chuẩn bị kỹ càng

Từ 7h sáng, khi có thông tin hôm nay các sở, ngành của Hà Nội tái bắt rùa Hồ Gươm phục vụ chữa bệnh cho cụ, hàng trăm người dân đã tụ tập quanh khu vực bờ hồ phía đường Lê Thái Tổ để chờ đợi.

Thế nhưng, thử thách với sự kiên nhẫn của người xem, lực lượng chức năng vẫn tỏ ra khá bình tĩnh trong việc triển khai các đầu mục bắt rùa Hồ Gươm.







 
Từ trước đó, các công việc chuẩn bị cho việc lai bắt rùa Hồ Gươm đã được thực hiện. Khoảng 9h45 phút sáng, chiếc lồng sắt được dùng cho việc đưa cụ rùa vào đã được “hạ thủy”.

Hai chiếc thuyền được neo với nhau có nhiệm vụ đưa chiếc lồng sắt có hình dáng bằng một chiếc mui xe tải 1,5 tấn ra ngoài hồ. Chiếc lồng này được đan bằng lưới thép mắt cáo, gia cố bằng khung sắt. Bên dưới đáy là hệ thống phao xốp để giúp lồng sắt nổi trên mặt nước.

c







 
Cũng khoảng gần 10h sáng, chiếc xe chở lưới chuyên dụng đã đưa lưới tới khu vực quanh hồ. Lực lượng chức năng đã thao lưới để đưa lưới xuống hiện trường. Lưới chuyên dụng lần này được đan to, dầy hơn so với lần trước.

Một nguồn tin VietNamNet cho hay, lực lượng vây bắt rùa Hồ Gươm lần này là lực lượng đặc công. Tuy nhiên, những người này mặc trang phục của Công ty KAT – đơn vị trước đó vây bắt rùa Hồ Gươm bất thành. Có 5 chiếc thuyền sẽ tham gia cuộc vây bắt ngày hôm nay.

Trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Khôi – lãnh đạo của KAT, ông Khôi vẫn không đưa ra quan điểm chắc chắn về thông tin sẽ bắt rùa trong ngày hôm nay.





 
Tuy nhiên, có thông tin lại cho rằng, đây vẫn là một đợt diễn tập. Nhưng có khả năng, nếu bắt được rùa thì cơ quan chức năng vẫn sẽ tiến hành công việc của mình. Còn nếu không, đó sẽ là một cuộc diễn tập.

Cho đến hơn 10h sáng, cụ rùa Hồ Gươm vẫn “lai vô ảnh, khứ vô hình”. Nhiều người chờ đợi sự xuất hiện của cụ trước khi cụ được lai dắt, tuy nhiên, cụ rùa vẫn chưa nổi. 

Xung quanh khu vực bờ hồ, hệ thống hàng rào chắn di động đã được để sẵn. Trong trường hợp bắt rùa, lực lượng chức năng sẽ tổ chức ngăn đường.

Đến trưa, khá nhiều người dân, trong đó có nhiều phóng viên các báo, đã lục tục ra về. Một nguồn tin khác cho biết, việc bắt rùa sẽ không thực hiện trong ngày hôm nay.

Thời tiết xung quanh khu vực Hồ Gươm đã có nắng ấm và khá dễ chịu.

Có vẻ, trong lúc các cơ quan chức năng của Hà Nội đang nỗ lực và khẩn trương thì cụ rùa vẫn khá bình thản. Ngày hôm nay, khoảng 13h chiều, rùa đã nổi lên quanh khu vực cổng đền Ngọc Sơn.

Cho đến gần 14h ngày 3/4, mọi việc vẫn trong tư thế… chuẩn bị. Nguồn tin VietNamNet cho biết, có thể sẽ vẫn tiến hành lai dẫn cưỡng bức rùa Hồ Gươm trong ngày. Tuy nhiên, việc đưa rùa lên bằng phương pháp cưỡng bức khó có thể thực hiện trong ngày.

 
Theo đó, có thể lực lượng làm nhiệm vụ sẽ tiến hành thả lưới để “quây” cụ rùa vào bên trong. Việc đưa cụ rùa lên bờ có thể chưa thực hiện ngay, mà để cụ làm quen dần với “môi trường mới”, sau đó sẽ tiến hành đưa cụ rùa lên chân tháp.

Trao đổi với VietNamNet, một người có nhiệm vụ trong lực lượng cứu chữa rùa Hồ Gươm cho hay: Ban chỉ đạo rùa đã biết đến ý kiến này và cũng đã họp bàn, lấy ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Do đó, việc lai dẫn rùa lần này (ngày 3/4) sẽ không tiến hành gấp rút và cưỡng bức. Cho nên, có thể sẽ quây lưới để thu hẹp phạm vi hoạt động của rùa. Việc bắt rùa đưa lên tháp sẽ thực hiện từ từ.

Kiên Trung – Quang Anh - Long Anh