- Trong 3 ngày xét xử (12-14/12), nhiều bị cáo kêu oan, không nhận tội, nhiều giọt nước mắt đã chảy tràn trên gương mặt các bị cáo.
Vào 14 giờ hôm nay (16/12), HĐXX sẽ tuyên án các bị cáo.
Một mực không nhận tội Tham ô
Vụ đại án tham nhũng bị đưa ra xét xử, 10 bị cáo bị truy tố về các tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.
Nhóm bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái bị cáo buộc đã gây hậu quả làm thất thoát hơn 300 tỷ đồng của Nhà nước.
Mô tả |
Các bị cáo bị truy tố về tội Tham ô bị quy kết đã tham ô số tiền hơn 28 tỷ đồng, là tiền “lại quả” mà “bên B” đã tìm cách hợp thức hóa chuyển về Việt Nam. Bị cáo Sơn là người đứng ra nhận và chia tiền theo sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng.
Bị quy kết là vậy, nhưng trong suốt 3 ngày xét xử, nhiều bị cáo liên tục kêu oan, những giọt nước mắt đã chảy tràn trên gương mặt các bị cáo.
Về tội tham ô, Dương Chí Dũng cho rằng mình không chỉ đạo thuộc cấp chia số tiền hơn 28 tỷ đồng, cũng không nhận những valy tiền mà Sơn khai đã mang đến nhà và khách sạn cho sếp.
Trước vành móng ngựa, Dương Chí Dũng bày tỏ: “Về tội tham ô, bị cáo không biết khoản tiền 1,666 triệu USD, không chỉ đạo ai, không nhận một đồng nào từ anh Sơn đưa cho. Việc này oan cho bị cáo”.
Với vẻ bình thản, bị cáo Dũng chậm rãi trình bày: “Tôi không tham ô mà nói tôi tham ô thì tôi không nhận được. Kể cả đánh chết trong tù tôi cũng không nhận. Đó là danh dự của tôi, của gia đình tôi. Tòa kết án tử hình, tôi phải chịu nhưng vợ tôi, gia đình tôi sẽ phải kêu oan suốt đời”.
Cũng không chịu nhận mình đã nhận số tiền 10 tỷ đồng từ bị cáo Sơn, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, Mai Văn Phúc cho rằng mình là người bị hại.
Ông ta trình bầy trước tòa rằng, không thể dựa vào lời khai của bị cáo Sơn và người nhà của ông Sơn về việc ông ta mang tiền đi chia mà buộc tội những người khác tham ô.
“Đề nghị HĐXX xem xét và xác minh ai là người tham gia hợp đồng 7/7/2007 thỏa thuận việc ăn chia. Việc xác minh rất dễ. Nếu bị cáo đúng là nhận tiền thì có xử nặng gấp 5 lần, bị cáo cũng chịu”, lời nói sau cùng của bị cáo Phúc.
Trong khi các sếp thay nhau chối tội Tham ô, bị cáo Sơn giữ nguyên lời khai của mình tại cơ quan điều tra - đã chia tiền “lại quả” cho các bị cáo khác.
Về hành vi tham ô của 4 bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều, VKS nêu, khi ông Dũng ký mua ụ nổi, các kết qủa xác minh, biên bản thoả thuận 7/7/2007, có nêu việc chia tiền 9 triệu USD làm 4 phần: Công ty Nakhodka 2,3 triệu USD, công ty AP 700.000 USD và công ty Global Success nhận 4,3 triệu USD, còn lại 1,66 triệu USD chuyển về Việt Nam qua công ty Phú Hà do em gái ông Sơn làm giám đốc.
Kêu oan vì bị truy tố tội Cố ý làm trái
Không chỉ các bị cáo bị buộc tội Tham ô kêu oan, nhiều bị cáo thuộc nhóm tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng cũng nói rằng mình bị buộc tội oan.
Trong suốt 3 ngày xét xử, 3 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan liên tục kêu oan. Các bị cáo khác nguyên là cán bộ Vinalines thì cho rằng mình chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi gì...
Bị cáo Lê Ngọc Triện (đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) khai trước tòa: Tại cơ quan điều tra, bị cáo đã hai lần xin được khai lại nhưng không được chấp nhận.
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức cũng cho biết ngay từ lần lấy cung đầu tiên, cơ quan điều tra đã ghi sẵn nội dung ra giấy, ép bị cáo này phải nhận tội, cứ ghi sai là xé đi, bao giờ ghi đúng như thế mới thôi.
Cho rằng các thân chủ của mình là 3 cán bộ hải quan vô tội, trong phần bào chữa của mình, khi bị thẩm phán ngắt lời, luật sư Trần Hồng Phúc đã bật khóc.
Đối đáp với các luật sư của nhóm bị cáo là cựu cán bộ hải quan, VKS khẳng định: 3 công chức hải quan đã không làm đủ chức trách của mình. Chức năng của hải quan là ngăn cản các hàng hóa không đủ chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế xâm nhập vào VN.
“Cho nên nhiệm vụ của hải quan là người gác cửa. Để cho máy tính ra dữ liệu đúng thì nhập thông tin phải đúng. Nhập thông tin sai sẽ cho ra kết quả sai. Người nhập dữ liệu mà lái thông số thì cho ra kết quả khác”, đại diện VKS khẳng định.
T.Nhung