- Với những hình ảnh trong clip, các "bảo mẫu" trường mầm non tư thục Phương Anh đã có dấu hiệu phạm tội gì trong Bộ luật Hình sự? Hình phạt họ phải đối diện ra sao là điều dư luận hiện rất quan tâm.


“Hành vi nhẫn tâm”

Trước những hình ảnh bạo hành trẻ mầm non, luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM không khỏi bức xúc: “Trẻ em như búp trên cành. Trẻ em là đối tượng được pháp luật cũng như xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ”.

Từ các hình ảnh trong clip cho thấy các “cô giáo” trường mầm non tư thục Phương Anh đã có hành vi hết sức nhẫn tâm, đáng lên án, trực tiếp làm tổn hại đến tinh thần và thể chất của các cháu bé. 

Đứng trên quan điểm pháp lý, luật sư Quý phân tích: Với những gì clip ghi lại, cho thấy hành vi bạo hành của các cô bảo mẫu đối với các cháu bé diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại kéo dài một thời gian, đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đó là dấu hiệu của tội "hành hạ người khác" được quy định tại Điều 110 Bộ Luật Hình Sự (BLHS).

{keywords}
Hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý trong vụ trường mầm non tư thục Phương Anh


Cụ thể: Điều 110 BLHS quy định: người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật, hoặc phạm tội với nhiều người thì phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Ở đây, có thể thấy rằng các "bảo mẫu" đã hành hạ nhiều cháu nhỏ.

Ngoài ra, hành vi bạo hành của các "bảo mẫu" nếu gây tỷ lệ thương tật cho các bé thì còn có dấu hiệu phạm vào tội "cố ý gây thương tích thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" được quy định tại Điều 104 BLHS.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Công Ly Tao - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng hành vi bạo hành của các "bảo mẫu" trong đoạn clip có dấu hiệu phạm tội "hành hạ người khác" được quy định tại Điều 110 BLHS.

Luật sư Ly Tao phân tích thêm trong trường hợp trên cần được hiểu các "bảo mẫu" đã hành hạ người lệ thuộc mình theo Điều 110 BLHS. Bởi ở đây, các cháu bé được phụ huynh gửi đến trường, giao cho các cô quản lý do đó các cháu hoàn toàn lệ thuộc vào cô. Việc cô bảo mẫu hành hạ trẻ không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức của người cô, người thầy mà còn vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, trong trường hợp nếu phát hiện "bảo mẫu" bạo hành gây thương tích cho trẻ thì hành vi đó có dấu hiệu phạm tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác" được quy định tại Điều 104 BLHS.

Tại khoản 1, Điều 104 quy định: người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm của khoản 1 điều này (trong đó có trường hợp phạm tội với trẻ em) thì dù tỷ lệ thương tật dưới 11% cũng có thể bị khởi tố, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Những bảo mẫu từng "xộ khám"

Vấn đề bạo hành trẻ ở các trường mầm non thực ra không mới nhưng bất cứ một trường hợp nào cũng khiến dư luận phải bức xúc bởi trẻ thơ luôn hồn nhiên, vô tội. 

{keywords}

Bé Lê Quang Vinh bên ngoài phòng xử vụ bảo mẫu Trần Thị Xuân Nữ


Trước đó, ngày 15/7/2011, TAND quận Tân Phú (TP.HCM) đã mở phiên tòa xét xử Trần Thị Xuân Nữ (SN 1981, TP.HCM) là bảo mẫu trường mầm non tư thục Hoa Lan, phường Tân Quý, quận Tân Phú. Bảo mẫu này đã “giam giữ” cháu Lê Quang Vinh (SN 19/12/2006) trong thang máy chỉ vì cháu này không tự xúc cơm…

Hậu quả, cháu Vinh bị tỷ lệ thương tật 38% vĩnh viễn. Trả giá cho hành vi trên, Nữ đã phải lãnh bản án 4 năm tù về tội "cố ý gây thương tích".

{keywords}
Hình ảnh bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hành hạ trẻ mầm non

Đầu năm 2008, dư luận từng rúng động vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hành hạ trẻ mầm non ở điểm giữ trẻ tại nhà. Mỗi bữa ăn, Hoa thường dùng thước kẻ, lược, tay đánh đập vào đầu, mặt, miệng, vai nếu bé nào lười ăn.

Sau hai phiên tòa, Hoa phải trả giá bằng bản án 1 năm tù về tội "hành hạ người khác".

Năm 2008, một bảo mẫu trẻ tên Lê Thị Lê Vy cũng bị TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) tuyên phạt 3 năm tù về tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp".

Ngày 30/11/ 2008, Vy lấy cuộn băng keo dán ngang miệng cháu Đỗ Ngọc Bảo Trân với mục đích cho bé ngưng khóc. Hậu quả, cháu Trân bị tử vong.

Như vậy, không ít bảo mẫu đã phải xộ khám, rơi lệ khi trình bày những lời hối lỗi nhưng thật đáng tiếc khi thực trạng này vẫn tiếp diễn hàng ngày gây ra những nỗi đau nhức nhối. 

Liệu đây đã là những hình ảnh khủng khiếp cuối cùng về những cô "bảo mẫu" thiếu thiếu tình người?

M.Phượng