- "Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy tại tòa. Ai kêu đeo hột xoàn, chạy xe tay ga chi cho nó chém?...".
Nghe tòa tuyên án tử với con trai, mẹ Hồ Duy Trúc cùng gia đình tỏ ra phẫn nộ. Họ cho rằng mức án tử hình là quá nghiêm khắc, vô nhân đạo. Là chuyên gia pháp lý, các luật sư nói gì về việc này?
Tuyên tử hình là do dư luận?
Bị cáo Hồ Duy Trúc khi bị tuyên án tử hình
Xung quanh mức hình phạt tử hình mà TAND TP.HCM đã tuyên với Hồ Duy Trúc (20 tuổi, Ninh Thuận), luật sư Trần Công Ly Tao - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ:
Bộ luật Hình sự quy định pháp luật Hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh.
Do vậy, hình phạt không chỉ trừng phạt người phạm tội mà còn phải có tính răn đe, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Trên cơ sở đó, hình phạt đối với bị cáo Hồ Duy Trúc và đồng phạm không ngoại lệ.
Vị luật sư phân tích: luật quy định rất rõ tòa án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Thực tiễn xét xử cho thấy dư luận có thể ảnh hưởng phần nào đến hoạt động xét xử như các vụ án điểm, những phiên tòa lưu động...
Tùy theo từng giai đoạn cụ thể thì tính nguy hiểm của tội phạm có thể thay đổi nhưng dù thế nào tòa án xét xử vẫn phải tuân theo những quy định pháp luật nên không có cơ sở cho rằng trong vụ án trên tòa tuyên tử hình là do dư luận hay vì bất cứ lý do nào khác.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình cướp giật ngày càng gia tăng về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm. Đây là loại tội đặc biệt nghiêm trọng, tính nguy hiểm cho xã hội cao nên cần phải xử lý nghiêm.
“Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy tại tòa”
Bị cáo Trúc là người đã thành niên, nếu cho rằng mức án trên quá nặng thì có quyền kháng cáo. Về cá nhân, luật sư Ly Tao nhận thấy mức án tòa tuyên với các bị cáo là hoàn toàn thỏa đáng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
“Án tử hình nằm trong khung hình phạt”
Cũng xung quanh vấn đề trên, là người từng tham gia bào chữa tại nhiều phiên tòa, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi - Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: trong vụ án trên, Trúc đã phạm vào tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật Hình sự, cùng lúc bị cáo đã xâm phạm đến hai khách thể là quan hệ nhân thân (tính mạng, sức khỏe của các nạn nhân - PV) và quan hệ tài sản (quyền sở hữu tài sản - PV) được pháp luật bảo vệ.
Quá trình xét xử, tùy vào từng trường hợp cụ thể, HĐXX đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo từng quan hệ nói trên làm căn cứ xác định mức hình phạt.
Trong vụ án trên, Trúc phạm tội rơi vào các trường hợp thuộc các tình tiết tăng nặng hình phạt như: Phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, cố tình thực hiện phạm tội đến cùng và tái phạm nguy hiểm… theo các điểm a, b ,e và g khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự nên việc xem xét giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội ít được xem xét.
Ngoài ra, đối với vụ án này thì tầm ảnh hưởng quá lớn như trật tự, trị an xã hội bị xáo trộn nghiêm trọng, gây hoang mang lo sợ trong nhân dân mỗi khi ra đường...nên khi đã bị quy kết với vai trò chính trong vụ án thì Trúc khó tránh khỏi mức án nghiêm khắc.
Không chỉ tội giết người mới có mức hình phạt tử hình mà tại khoản 4 Điều 133 BLHS (tội cướp tài sản) quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình và mức án tòa tuyên tuy nặng hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát nhưng vẫn nằm trong khung hình phạt.
Tuy nhiên, luật sư Thi cho rằng đây chỉ là phán quyết của Toà án cấp sơ thẩm, bản thân bị cáo Trúc vẫn còn quyền kháng cáo bản án để được xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Về việc một số cá nhân trong gia đình Trúc "đại náo" pháp đình sau khi tòa tuyên án, luật sư Ly Tao cho rằng "thái độ của gia đình bị cáo trong trường hợp trên không phù hợp, chỉ thêm gây khó khăn cho chính con em mình bởi chính hành động của họ góp phần cho dư luận thêm bức xúc, thấy cần phải lên án".
Nạn nhân Thúy với vết chém đứt lìa tay
Đồng tình với những quan điểm trên, luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM phân tích thêm: căn cứ theo điều 16 và điều 17 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Như vậy, để đưa ra mức án trên không phải bởi cá nhân chủ tọa hay bất cứ một thành viên nào của HĐXX mà đó là quyết định của đa số.
Khi xét xử, Tòa căn cứ vào quá trình diễn biến thẩm vấn tại phiên tòa, căn cứ vào quá trình tranh tụng, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ...để nghị án và tuyên án. Nếu bị cáo không đồng tình với mức án do tòa sơ thẩm đã tuyên thì có quyền kháng cáo theo luật định.
Đối với những cá nhân có hành vi quậy phá, gây mất trật tự trong sân tòa thì sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng nếu cơ quan công an xác định có đầy đủ dấu hiệu vi phạm đối với tội danh này.
M.Phượng