- “Thụ tinh ống nghiệm từ tinh trùng của người chết tại Việt Nam đã có rồi. Đây là kỹ thuật đơn giản. Khó là về mặt pháp lý và đạo đức…” - bác sĩ Hồ Mạnh Tường – Tổng thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM nhận định.
Có nhiều nhưng giữ kín vì…nhạy cảm
Theo bác sĩ Tường, trên thế giới kỹ thuật lưu trữ tinh trùng từ người chết rồi thụ tinh ống nghiệm với trứng của người sống đã được làm từ thập niên 80.
Tại Việt Nam bản thân bác sĩ Tường cũng từng biết vài ca nhưng vì lý do nhạy cảm nên gia đình bệnh nhân xin được giữ kín.
Phương pháp thu tinh ống nghiệm đã có mặt ở Việt Nam được mười mấy năm. |
Một trong số đó là trường hợp của vợ chồng anh T. 36 tuổi, ngụ tại TP.HCM. Anh T. đột nhiên lâm bệnh nặng và qua đời. Vợ anh đã yêu cầu mổ lấy mẫu tinh trùng của chồng để trữ lạnh. Sau này với mẫu tinh trùng đó, nhờ sự can thiệp của y học cô ấy đã sinh con với tinh trùng của người chồng quá cố.
Ngoài ra còn rất nhiều người chồng biết mình lâm bệnh nặng mà chưa kịp có con hoặc có quá ít con đã yêu cầu lưu trữ tinh trùng, hoặc để lại di nguyện sau khi từ giã cõi đời mong muốn “giống nòi” của mình còn lưu lại…
Về mặt kỹ thuật, thụ tinh từ tinh trùng của người sống hay người chết tỷ lệ thành công…như nhau. Theo các nghiên cứu về mặt y khoa, tinh trùng sống độc lập bên ngoài cơ thể người đàn ông nên chẳng may người đó đột xuất qua đời chưa làm ảnh hưởng lập tức tới chất lượng tinh trùng.
Trong quan hệ vợ chồng, sau khi xuất tinh, tinh trùng có thể sống tối đa 7 ngày. Nhiều nghiên cứu cho thấy có những mẫu lấy từ tinh hoàn của người đã chết 36 tiếng mà tinh trùng vẫn còn sống.
Khó hơn: thụ thai bằng trứng người chết
Bên cạnh việc lưu trữ tinh trùng người chết, việc lưu trữ trứng từ tử thi phức tạp hơn nhiều cả về mặt kỹ thuật lẫn pháp lý, đạo đức.
“Thụ tinh ống nghiệm bằng trứng đông lạnh cho tỷ lệ thành công thấp hơn trứng tươi rất nhiều (một trứng tươi được tiêm tinh trùng tỷ lệ thụ thai thành công là 6,6%, còn với trứng trữ đông chỉ là 3,4%).
“Chính vì thế tới nay thụ tinh ống nghiệm với trứng từ người chết không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới vẫn còn là thực nghiệm.
Cụ thể: Tinh trùng thì người vợ còn sống sẽ mang thai, nhưng nếu là trứng thì người chồng còn sống không thể…tự mang thai. Vậy ai sẽ là người mang thai…”, bác sĩ Tường chia sẻ.
Vừa qua, dư luận cả nước đang xôn xao về trường hợp hai bé trai tại Hà Nội chào đời nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm bằng tinh trùng của người cha quá cố. Ba của hai bé tử vong do TNGT vào năm 2010 và tinh trùng được lưu trữ lại.
Hơn 3 năm sau, bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, người mẹ đã sinh hạ hai bé trai bụ bẫm (nặng 2,4 và 2,6 kg) bằng phương pháp sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm do TS – BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM là người tiên phong mang vào Việt Nam từ năm 1997. Tới nay, trên cả nước đã có trên 10 trung tâm thụ tinh ống nghiệm. Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, mỗi năm, cả nước có khoảng 10.000 ca thụ tinh ống nghiệm, trong số đó có khoảng 4000 – 5000 ca chuyển phôi đông lạnh. Chi phí lưu trữ tinh trùng không quá cao, tại các bệnh viện có thực hiện thụ tinh ống nghiệm đều làm được. Mỗi mẫu tinh trùng lưu trữ có giá khoảng vài trăm ngàn đồng/tháng. Tùy khả năng kinh tế, nhu cầu, bệnh nhân (khách hàng) muốn lưu trữ bao nhiêu mẫu cũng được. |
Thanh Huyền.
(*) Tên của bệnh nhân đã được thay đổi.