- Thời gian qua, vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng không chỉ là một "đại án" chấn động lịch sử ngân hàng mà còn gây xôn xao dư luận. Vậy với khoản tiền chiếm đoạt khổng lồ, Huyền Như đã làm gì? Khi những phi vụ làm ăn phi pháp bị đưa ra ánh sáng, nữ "siêu lừa" đã nộp lại được những gì để khắc phục hậu quả?

Lừa đảo gần 4.000 tỷ

Ngày 6/1 tới, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "cho vay nặng lãi", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" do Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm thực hiện.

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa. HĐXX gồm 5 thành viên với 2 Thẩm phán, 3 Hội thẩm nhân dân và 1 Hội thẩm nhân dân dự khuyết.

{keywords}

Ảnh: Chân dung “siêu lừa” Huyền Như.


Thừa ủy quyền của VKSND Tối cao, có hai kiểm sát viên đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa. 34 luật sư sẽ tham gia bào chữa cho bị cáo và các bên liên quan trong vụ án.

Ngoài 23 bị can hầu tòa, Tòa còn triệu tập 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân khác tham gia phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự và người bị hại trong vụ án.

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, đầu năm 2007, khi là cán bộ tín dụng tại ngân hàng VietinBank, Huỳnh Thị Huyền Như đã đứng ra vay hơn 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Huỳnh Thị Huyền Như mất khả năng thanh toán.

Nắm được nghiệp vụ ngân hàng, để có tiền trả nợ, từ tháng 3/2010 – 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị, ngân hàng, công ty. Sau đó, Như sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức, cá nhân rồi chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền là 3.983,3 tỷ đồng.

Lừa “khủng” nhưng thu lại rất ít?

Với hành vi trên, Huỳnh Thị Huyền Như bị khởi tố với hai tội danh là "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Mặc dù đã lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng nhưng quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ thu giữ, kê biên của Như được một số tài sản gồm: 39 tỷ đồng tiền mặt, Như nộp 8 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả, thu hồi hơn 31 tỷ đồng tiền mà Như đã thanh toán để mua nhà, đất của 5 công ty bất động sản…

Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ của nữ "siêu lừa" 3 xe ô tô có tổng trị giá 4,56 tỷ đồng gồm: 1 ô tô 8 chỗ hiệu Lexus LX 570 màu trắng có biển số 51A-099.55, 1 ô tô 8 chỗ hiệu TOYOTA, ZACE-GL màu ghi xám mang biển số 52Y-6111 trị giá 350 triệu đồng, 1 ô tô con 4 chỗ hiệu Hoda Civic màu đỏ với biển số 52Y-9597 trị giá 560 triệu đồng.

Kê biên 13 bất động sản là căn hộ, nhà xưởng, nhà đất có tổng trị giá 185,33 tỷ đồng. Cụ thể gồm: đất tại tỉnh An Giang, 1 căn hộ Ruby 1 - 3402 trị giá gần 41 tỷ đồng thuộc tòa tháp Ruby 1 Khu dân cư Sài Gòn Pearl số 92 Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), 4 căn hộ Orient Apartment tại số 331 Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM), 6 căn hộ và 2 biệt thự, 1 villa và nhiều bất động sản khác tại TP.HCM và các tỉnh như Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Đà Lạt.

Ngoài những tài sản lớn, nữ "siêu lừa" còn bị thu giữ cả những tài sản nhỏ nhặt như giường, tủ, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bếp, lò vi sóng, máy rửa chén...trong các căn hộ và biệt thự có trị giá hơn 512 triệu đồng.

Như vậy, số lượng tài sản nữ "siêu lừa" bị thu giữ có tổng trị giá tài sản là 229,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với con số 3.983,3 tỷ đồng đã chiếm đoạt thì số tài sản này chẳng đáng bao nhiêu. Theo luật, chỉ tính riêng phần án phí dân sự Như phải chịu sau phiên tòa sơ thẩm đã không hề nhỏ.

Liệu các "ông lớn" sẽ làm gì để đòi lại khoản tiền hàng trăm tỷ đồng đã bị "siêu lừa" này chiếm đoạt? Cũng về vấn đề này, hàng loạt cá nhân bị cho là có liên quan trong vụ án cũng đã phải nộp lại nhiều tỷ đồng tiền môi giới hoặc tiền chênh lệch ngoài hợp đồng được Huyền Như "lại quả" trong các phi vụ lừa đảo.

M.Phượng