- Huyền Như đã lừa đảo, chiếm đoạt của ACB hơn 718 tỷ đồng nên những lãnh đạo ACB có liên quan trực tiếp đến vụ việc này cần phải tham dự phiên tòa để thẩm vấn, xem xét và xác định trách nhiệm.

Vụ 'siêu lừa' Huyền Như liên quan gì đến vụ bầu Kiên?

Ngay trong phần thủ tục khai mạc, phiên tòa xét xử "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm đã "nóng". 

Nhiều luật sư có mặt đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) hoãn phiên tòa, triệu tập thêm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng như việc xác định lại tư cách tham gia tố tụng của một số đơn vị trong vụ án.

"Triệu tập để xác định trách nhiệm"

{keywords}
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (áo hồng) và Võ Anh Tuấn (áo vàng) tại tòa

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng ACB, luật sư Lưu Văn Tám đề nghị triệu tập thêm ông Nguyễn Đức Kiên (tức "bầu Kiên", nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB), ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT ACB), ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) và một số cá nhân nguyên là lãnh đạo ACB để làm rõ trách nhiệm của từng người.

Cáo trạng xác định, từ tháng 8/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã lấy danh nghĩa Vietinbank huy động của ACB thông qua 19 cá nhân là nhân viên của ACB đứng tên thẻ tiết kiệm gửi tiền. Tổng cộng, Như đã lừa đảo, chiếm đoạt của ACB hơn 718 tỷ đồng.

Theo luật sư Tám, sở dĩ 19 nhân viên ACB đứng lên gửi tiền của ACB vào Vietinbank là xuất phát từ chủ trương của ban lãnh đạo. 

Những lãnh đạo ACB trên có liên quan trực tiếp đến vụ việc nên cần phải tham dự phiên tòa để thẩm vấn, xem xét và xác định trách nhiệm của từng người trong việc bồi thường hoặc không bồi thường. Do vậy, cần triệu tập thêm các cá nhân trên.

Cũng trong phần thủ tục, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) đề nghị hoãn phiên tòa. Bởi theo vị luật sư này, suốt quá trình điều tra, truy tố Navibank không hề biết mình là bị hại trong vụ án.

Đến ngày 19/12/2013, tức là trước khi vụ án được đưa ra xét xử 14 ngày, Navibank mới biết mình được xác định là bị hại trong vụ án. Khoảng thời gian trên quá ngắn trong khi đây là một vụ án phức tạp nên thời gian không đủ để luật sư của Navibank tiếp cận, sao chụp và nghiên cứu hồ sơ để tham gia tố tụng. Một số luật sư khác cũng đề nghị hoãn phiên tòa.

Bác đề nghị của các luật sư


Ngay sau phần trình bày ý kiến của các luật sư, HĐXX đã vào phòng hội ý để xem xét. Sau thời gian hội ý, chủ tọa Nguyễn Đức Sáu đọc quyết định của HĐXX.

Theo đó, căn cứ vào các Điều 196 và Điều 205 Bộ luật Tố Tụng Hình sự, căn cứ vào quyết định truy tố và cáo trạng của VKSND Tối cao, HĐXX xét thấy, để xác định tư cách những người tham gia tố tụng, trước hết HĐXX đã quyết định triệu tập 15 đơn vị, cá nhân tham gia tố tụng. 

Về việc các luật sư đề nghị xác định lại tư cách người tham gia tố tụng, trên cơ sở cáo trạng của VKSND Tối cao và quá trình diễn ra tại tòa, HĐXX sẽ xác định cụ thể.

Thứ hai, về việc triệu tập thêm người tham gia tố tụng, quá trình diễn ra phiên tòa, nếu xét thấy cần thiết, HĐXX sẽ thực hiện việc triệu tập.

Về ý kiến của luật sư cho rằng ngân hàng Nam Việt (Navibank) chưa biết mình là người bị hại mà mãi đến ngày 19/12/2013 mới biết được xác định là bị hại trong vụ án.

HĐXX xét thấy rằng: tại biên bản làm việc ngày 24/4/2012, ông Nguyễn Giang Nam - Phó Tổng giám đốc khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt đơn vị ông 200 tỷ đồng và hứa sẽ nộp lại số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng. Như vậy, Navibank không thể nói rằng mới biết mình là bị hại trong vụ án.

Về vấn đề sao chụp hồ sơ, tòa án đã không hạn chế cho luật sư sao chụp hồ sơ, việc sao chụp tài liệu không đầy đủ thuộc trách nhiệm luật sư. Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, xét thấy việc các luật sư xin hoãn phiên tòa không thuộc các trường hợp theo quy định.

Do đó, HĐXX bác đề nghị của các luật sư xin hoãn phiên tòa, yêu cầu xác định lại tư cách người tham gia tố tụng cũng như việc yêu cầu triệu tập thêm người tham gia tố tụng tại tòa.

14h chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần công bố cáo trạng của đại diện VKSND TP.HCM.

M.Phượng