- Trong phần trả lời thẩm vấn của mình, Dương Chí Dũng nhiều lần bày tỏ sự hối hận vì đã để người khác liên lụy. Trong khi đó người em trai Dương Tự Trọng nói rằng ông ta chấp nhận tất cả.

Sự hối hận muộn mằn

{keywords}

Được tòa triệu tập đến với tư cách là người làm chứng, nhưng trong ngày xét xử đầu tiên, Dương Chí Dũng đã trở thành “nhân vật chính” khi phần trình bày của ông ta được chú ý và dài dòng hơn cả.

Dương Chí Dũng khai chính ông ta là người chủ động đề xuất việc bỏ trốn ra nước ngoài.

“Lúc đầu tôi định đi Trung Quốc, nhưng bấm độn, thấy xấu, sau đó tôi chuyển đi trốn sang Mỹ qua đường Campuchia. Tôi không muốn người giúp tôi vì mình mà họ bị khổ. Tôi rất cảm động.

Họ cũng là tội nhân thôi. Anh em đều là những người rất tốt, chỉ vì tôi mà bị như vậy, mong HĐXX xem xét, vì tình người cả, tôi ân hận vì đã bỏ đi, tôi là người gây ra mọi chuyện”, lời Dương Chí Dũng tại tòa.

Khi VKS yêu cầu Dương Chí Dũng xác nhận lại lời khai về việc ông ta được một cán bộ an mật báo để bỏ trốn và đã đưa tiền cho ông này, Dương Chí Dũng nói: “Vẫn xác nhận”.

Nguyên tắc... bất thường

{keywords}

Khác với thái độ của anh trai, tại tòa, nguyên PGĐ Công an Hải Phòng rất ít lời trước tòa.

Mỗi lần được hỏi, ông ta đều nói rằng: “Tôi không công nhận, cũng không phủ nhận” hoặc “Tôi không nhớ”.

Những lời ít ỏi bị cáo này trình bầy trước tòa: “Bị cáo Sơn, Thắng, Khánh và tôi có những nguyên tắc mà người ngoài nghe cảm thấy bất thường, nhưng đó là bình thường đối với những người làm điều tra như chúng tôi.

Ví dụ như khi đi làm thì anh em đều cất điện thoại ở nhà; Việc mọi người chấp hành tôi là một thói quen, mang tính chất nghề nghiệp, lính hình sự là như thế. Họ tuân thủ một cách đặc biệt như thế.

Tôi và anh Tuấn là bạn bè thân thiết. Anh Tuấn thường quan tâm tới đời sống anh em hình sự, thường được trưng dụng đi làm án với anh em chúng tôi.

Và những lần như thế anh Tuấn không được phép hỏi, bảo làm gì là làm điều đó. Thế nên khi được yêu cầu giúp đỡ, anh Tuấn cứ thế làm, không có gì là bất thường.”

Tại tòa ông Trọng cũng cho rằng cáo trạng nói ông ta bao che cho bị cáo Phong là không đúng. Ngoài ra ông ta chấp nhận tất cả.

“Cá nhân tôi tôi chấp nhận tất cả”, lời bị cáo Trọng.

Các luật sư nói VKS khiên cưỡng

Trong phần bào chữa cho các thân chủ của mình, các luật sư đều cho rằng VKS đã quá khiên cưỡng khi cho rằng hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, để rồi đề nghị mức án cao.

Luật sư Đặng Việt Hùng, người bào chữa cho bị cáo Sơn trình bày quan điểm cho rằng: Đã trốn thì phải giấu diếm, phải có tiền, không ai trốn mà đàng hoàng, đi đến đâu người ta biết đến đó. Không nên coi hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng khi dùng các thủ đoạn để bỏ trốn.

Ông Hùng cho rằng, khi đưa Dương Chí Dũng đi bỏ trốn, bị cáo Sơn chưa biết ông Dũng phạm tội gì mà bị quy là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là khiên cưỡng.

'Đốt' tiền để đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

Sau khi đã huy động các mối quan hệ để đưa anh trai bỏ trốn ra nước ngoài, cựu Phó GĐ công an Hải Phòng đã phải “đốt” số tiền lớn để tổ chức cuộc đào tẩu. 

“Không thể vì Dương Chí Dũng phạm tội nghiêm trọng mà quy kết các bị cáo cũng phạm tội nghiêm trọng. Việc đánh giá tội phạm phải căn cứ vào tính chất, nguy hiểm cho xã hội, không thể bám vào cảm giác chủ quan được”, lời vị luật sư.

Theo vị luật sư này, mức hình phạt 17- 18 năm tù đối với bị cáo Sơn là không hợp lý.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Trọng đề nghị HĐXX đặc biệt quan tâm đến tình tiết mới tại tòa khi Dương Chí Dũng khai ra việc được một cán bộ công an mật báo và khuyên nên bỏ trốn.

Theo luật sư Hưng, việc này liên quan trực tiếp, có mối quan hệ nhân quả đến các hành vi của các bị cáo.

Như vậy, phải xác định xem ông Dũng có ý thức trốn đi hay bị cáo Trọng có ý thức giấu ông Dũng đi.

“Tại tòa, ông Dũng khai đã điều khiển người khác đưa ông ấy đi trốn, đã sử dụng các giấy tờ hợp pháp để trốn đi sau khi được một cán bộ công an mật báo.

Vậy sao hậu quả lại đổ tội cho người dẫn ông ấy đi là nghiêm trọng? Cần thay đổi đánh giá nếu xem xét đến lời khai của ông Dũng, hoặc trả hồ sơ điều tra lại, vì đây là mối quan hệ nhân quả, cần xem xét ai là người chủ mưu cầm đầu”, lời vị luật sư.

Luật sư Nguyễn Thái Hòa, bào chữa cho bị cáo Tuấn thì cho rằng, chưa có đủ cơ sở buộc tội ông Tuấn là đồng phạm.

Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.

T.Nhung