- Trong 2 ngày 7-8/1, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Dương Tự Trọng cùng các đồng phạm. Vào 15h hôm nay, HĐXX đã tuyên án các bị cáo.
XEM CLIP TÒA TUYÊN ÁN TẠI ĐÂY |
15h15: Thay mặt HĐXX, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn công bố bản án.
Tóm tắt hành vi phạm tội của các bị cáo:
Các bị cáo cùng bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại Điều 275 - Bộ Luật hình sự.
Các bị cáo nghe tuyên án. (Ảnh: XĐ) |
VKS cho rằng, biết anh trai là Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, Dương Tự Trọng đã bàn bạc, thống nhất và giao cho Vũ Tiến Sơn tổ chức chỉ đạo, phân công Thắng, Ánh, Tuấn, Phong, Trần Văn Dũng và các đối tượng khác đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Ngày 17/5/2012, Dương Chí Dũng được đưa đến tạm lánh ở nhà bạn gái của ông Trọng để từ đây ông ta được đưa đi Quảng Ninh.
Đến ngày 21/5/2012, Dương Chí Dũng được đưa từ Quảng Ninh đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), trốn sang Campuchia vào khoảng 19h ngày 23/5/2012.
Cuộc trốn chạy của Dương Chí Dũng bất thành khi ông ta không thể nhập cảnh vào Mỹ.
VKS xác định: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức, do Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu.
|
(Ảnh: XĐ) |
Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Dương Tự Trọng, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi (sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn) đã đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội.
VKS cho rằng: Hành vi của các bị cáo đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, làm cản trở, gây khó khăn lớn đến quá trình điều tra vụ án tiêu cực xảy ra tại Vinalines, tạo dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nguyên PGĐ Công an đưa anh trai bỏ trốn như nào? Để đưa anh trai bỏ trốn ra nước ngoài, ông Dương Tự Trọng đã vận dụng tất cả các mối quan hệ có thể, từ việc lợi dụng sự nể nang của cấp dưới đến “huy động” cả quan hệ với “xã hội đen”. |
Theo VKS, bị cáo Trọng chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi. Các bị cáo còn lại, Sơn, Thắng Phong, Dũng "Bắc Kạn", Ánh và Tuấn khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập trong vụ án.
Phần thẩm vấn tại tòa, 6 bị cáo Sơn, Ánh, Tuấn, Thắng, Phong, Dũng "Bắc Kạn" thừa nhận nội dung truy tố là đúng. Riêng bị cáo Trọng phủ nhận nội dung cáo trạng đã truy tố.
Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng, người trước đó đã bị tuyên án tử hình trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tiêu cực xảy ra tại Vinalines cũng được triệu tập đến tòa với tư cách là nhân chứng.
Tại tòa ông Dũng đã khai ra người mật báo và khuyên ông ta bỏ trốn là một cán bộ của Bộ Công an. Theo lời khai của ông Dũng, ông ta đã nhiều lần đưa số tiền lớn cho vị cán bộ này.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và nhân chứng, đại diện VKS nhận thấy có dấu hiệu của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác nên đã kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo quy định tại Điều 286 - Bộ luật hình sự.
Đối với nội dung Dương Chí Dũng khai đưa và nhận hối lộ liên quan đến việc điều tra những sai phạm xảy ra tại Tổng Cty Vinalines, về việc có dấu hiệu ép cung mớm cung, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX kiến nghị trong bản án tới cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
16h: HĐXX luận tội:
HĐXX nhận thấy các bị cáo đã có hành vi tổ chức cho ông Dũng, vi phạm quy định Điều 275 Bộ Luật Hình sự. Về việc ông Tuấn khai không hề biết ông Dũng bỏ trốn, HĐXX cho rằng, Tuấn biết Trọng nhờ Thắng đón ông Dũng đi Quảng Ninh, đón ông Dũng trong điều kiện bất thường, chính Thắng khai đón ông Dũng theo lệnh ông Trọng, chứng tỏ ông Tuấn biết việc đưa ông Dũng đi.
|
(Ảnh: TTXVN) |
Chủ toạ bác bỏ lời bào chữa của luật sư Sơn.
Chủ tọa công bố lời khai của các bị cáo khác và bị cáo Sơn cho thấy các lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau.
HĐXX cho rằng, lời khai của các bị cáo hoàn toàn logic, mô tả chi tiết địa điểm thời gian, không gian, hợp với lộ trình bỏ trốn của Dương Chí Dũng tại cơ quan điều tra. Dù Trọng không nhận tội, nhưng đủ cơ sở Trọng là bị cáo chính đã chỉ đạo các bị cáo khác tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Truy tố của VKS là đúng người đúng tội.HĐXX thấy rằng giữa hành vi của người tiết lộ thông tin là 2 mối quan hệ hoàn toàn khác nhau. Căn cứ các tài liệu và các lời khai đủ cơ sở xác định Trọng là người chủ mưu đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn, tài liệu đã thể hiện đầy đủ nên không cần thiết trả hồ sơ điều tra bổ sung. Không cần trả hồ sơ điều tra lại như các luật sư đề nghị.
Tội của Dương Chí Dũng là đặc biệt quan trọng, việc Dũng bỏ trốn không những gây khó khăn cho công tác điều tra, còn gây hoài nghi xã hội, nếu không bắt được Dũng sẽ không thu hồi được tiền tham ô nên hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiệm trọng.
Trên thực tế, Dũng đã trốn thoát sang Campuchia, việc Dũng bị bắt là ngoài mong muốn của các bị cáo.
Các bị cáo thường xuyên thay đổi phương tiện, điện thoại, thủ đoạn tinh vi, nên các bị cáo đều phải bị truy tố theo khoản 3.
VKS chỉ truy tố Trọng và Sơn theo khoản 3 là chưa chính xác và chưa đúng pháp luật. Việc đưa các bị cáo ra xét xử và xử nghiêm là cần thiết.
Khi biết thông tin Dũng bị khởi tố Trọng đã phân công chỉ đạo các bị cáo thực hiện từng phần việc khác nhau thực hiện hành vi phạm tội nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra. Bị cáo là công an nên biết rằng việc này gây khó khăn cho công tác điều tra.
Dương Tự Trọng được dẫn giải sau phiên xét xử (Ảnh: Nhị Tiến) |
Trong quá trình điều tra và tại tòa bị cáo Trọng chưa khai báo đầy đủ hành vi phạm tội. Dù bị cáo có công nhưng cần áp dụng mức án nghiêm khắc.
Đối với bị cáo Sơn, đã bàn bạc với các bị cáo khác, là người trang bị phương tiện cho các bị cáo khác nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng nên cũng cần áp dụng mức án nghiêm.
Tuy nhiên, động cơ phạm tội vì mục đích tình cảm, được tặng thưởng nhiều bằng khen giấy khen nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Thắng đã đưa Dũng vào cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, Thắng thường xuyên nhận sự chỉ đạo. Cần xem xét bị cáo ra đầu thú, thái độ khai báo thành khẩn, bị cáo có nhiều thành tích, cần giảm nhẹ phần nào hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Phong đã tích cực phạm tội, đến nhà Sơn bàn bạc phương thức cho Dũng trốn bằng đường tiểu ngạch sang Campuchia, quá trình Dũng ở Campuchia, Phong nhiều lần sang đó thu xếp cho Dũng.
Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội một cách tích cực khi đang bị truy nã nên cần áp dụng hình phạt nghiêm.
Đối với bị cáo Dũng "bắc cạn" đã cùng tham gia bàn bạc phương thức tổ chức cho Dũng bỏ trốn, đã đón Dũng đưa sang Campuchia, nhờ người quen thu xếp cho Dũng ăn ở, chuyển tiền chi tiêu cho Dũng.
Hành vi phạm tội tích cực, nhân thân xấu dù các tiền án đã bị xóa án tích, nhưng xem xét thái độ thành khẩn để giảm nhẹ tội.
Đối với bị cáo Ánh, cùng với Thắng đã tích cực phạm tội, trong quá trình di chuyển vào TP.HCM đã thường xuyên nhận chỉ đạo của Sơn và Trọng, tuy nhiên xem xét thái độ thành khẩn để xem xét giảm nhẹ.
Bị cáo Tuấn, đã đón Dũng ở nhà Nhung và đưa Dũng đi Quảng Ninh trốn tránh, nhưng xét thái độ thành khẩn để giảm nhẹ tội.
Xét lời khai của Dương Chí Dũng, một lần nữa khẳng định nhận được thông tin sẽ bị bắt và khởi tố đã bỏ trốn đúng vào thời điểm nhận được thông báo, hợp với nhật ký hành trình bỏ trốn của Dũng.
Khẳng định có lãnh đạo Bộ Công an bảo lánh đi, đây là chuyên án đang được xem xét, đã có sự lộ thông tin để Dũng trốn và Dũng đã trốn.
Xét đề nghị của VKS, đề nghị khởi tố vụ án là có căn cứ, đề nghị khởi tố vụ án làm lộ bí mật, giao cho VKS thực hiện.
Tòa tuyên án:
1. Dương Tự Trọng (52 tuổi, nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng cục VII - Bộ Công an): 18 năm tù
2. Vũ Tiến Sơn (SN 1966, nguyên Phó phòng CSĐT tội phạm về trật tự - xã hội, CA TP Hải Phòng): 13 năm tù.
3. Hoàng Văn Thắng (SN 1970, nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về môi trường, CA TP Hải Phòng): 5 năm tù.
4. Đồng Xuân Phong (SN 1974, kẻ đang trốn nã và được ông Trọng bao che): 7 năm tù.
5. Trần Văn Dũng (SN 1968, tức Dũng "Bắc Kạn", ở tại Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng): 8 năm tù.
6. Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985, nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, CA TP Hải Phòng): 6 năm tù.
7. Phạm Minh Tuấn (SN 1961, nguyên Giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng): 5 năm tù.
Căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh tụng tại tòa, căn cứ vào đề nghị của đại diện VKSND tại tòa, HĐXX xét thấy có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước, quyết định khởi tố vụ án hình sự làm lộ bí mật nhà nước.
Điều 263. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. (trích Bộ Luật Hình sự) |
T.Nhung - Nhị Tiến