Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án ngay tại tòa về hành vi “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Vậy, căn cứ vào đâu để HĐXX quyết định khởi tố vụ án và lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa này có giá trị pháp lý thế nào?

Trong phiên xét xử ngày 7/1, có mặt tại tòa với tư cách là nhân chứng, Dương Chí Dũng khai tên một "ông anh" là cán bộ công an đã mật báo cho y biết sẽ bị khởi tố và bắt giam. Đồng thời, người này cũng bị ông Dương Chí Dũng cáo buộc đã nhận hối lộ số tiền không dưới 1 triệu 500 nghìn đô.

Sau đó, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Liệu lời khai của Dương Chí Dũng có phải là căn cứ để HĐXX quyết định khởi tố vụ án?

{keywords}

Vì sao khởi tố vụ án "cố ý làm lộ bí mật Nhà nước"?

Liên quan đến vấn đề này, trên Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Trương Việt Toàn (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử Dương Tự Trọng) cho biết, quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” của HĐXX căn cứ vào Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Nghị định số 33 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước) và Quyết định số 13 ngày 13-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ (quyết định danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật và tối mật trong lực lượng công an nhân dân).

Trong bản án công bố công khai ngày 8/1, HĐXX cũng đã nhận định: “Chuyên án được cơ quan có thẩm quyền xem xét khởi tố thuộc dạng thông tin tuyệt mật của Nhà nước nhưng đã có sự lộ thông tin để Dương Chí Dũng bỏ trốn khỏi Việt Nam…”.

Trên báo Thanh niên, luật sư Hồ Ngọc Diệp (đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho biết, lời khai của Dương Chí Dũng là một trong những căn cứ để HĐXX quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại khoản 1, Điều 100 Bộ luật Tố tụng Hình sự vì đó là tố giác của công dân.

Cũng trên báo này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Việc HĐXX quyết định khởi tố vụ án hình sự là hoàn toàn đúng luật.

Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003: “…HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện KSND khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.

Xung quanh vụ việc này, một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm là giá trị pháp lý của lời khai Dương Chí Dũng tại tòa. Về vấn đề này, trên báo Dân Việt, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: Không thể chỉ dựa vào một lời khai của Dương Chí Dũng để cho rằng “ông anh” ở một cơ quan tố tụng đã báo tin.

Việc này cần được xác minh theo trình tự, ví dụ Dương Chí Dũng khai về việc liên lạc qua điện thoại báo tin, phải kiểm tra các list điện thoại liên lạc với nhau theo ngày nào, giờ nào. Rồi có thể lời khai của người làm chứng khác… Khi các tài liệu khớp với lời khai thì lúc đó mới có giá trị chứng cứ.

Theo nguồn tin của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trung tướng Hoàng Kông Tư, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã có phản hồi về lời khai của Dương Chí Dũng.

Theo ông Tư, kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list (danh sách) điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận.

Trong trường hợp, sau khi tiến hành điều tra, không có chứng cứ hoặc không chứng minh được việc nhân vật Dương Chí Dũng khai tại tòa để lộ thông tin mật cũng như không xác định được ai là người để lộ thông tin mật thì căn cứ vào khoản 1 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự cơ quan chức năng có thể đình chỉ vụ án và khoản 1 Điều 108 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án.

Lúc này, ông Dương Chí Dũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” theo Điều 307 Bộ luật Hình sự. Đó là ý kiến của Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết trên báo Thanh niên.

L.Lam (tổng hợp)