- Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, Huỳnh Thị Huyền Như bị đề nghị mức án tù chung thân.
Sáng 13/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm bước sang phần tranh luận, đại diện VKSND TP.HCM đã phát biểu quan điểm về vụ án và đưa ra mức án đề nghị với 23 bị cáo.
Bị cáo tại tòa. |
Theo đại diện VKSND TP.HCM, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận: từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay tiền của nhiều cá nhân tổng cộng 200 tỷ đồng kinh doanh bất động sản và chứng khoán.
Quá trinh kinh doanh thua lỗ, nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, để có tiền trả nợ và thỏa mãn tiêu xài cá nhân, Huyền Như đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các đơn vị, cá nhân.
Bị cáo Như đã liều lĩnh thực hiện hàng loạt hành vi như làm giả 8 con dấu của các đơn vị sự nghiệp, ký giả chữ ký của một số cán bộ lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM, mạo nhận là nhân viên Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để tiếp cận các đơn vị, tổ chức cá nhân, thỏa thuận huy động vốn với mức lãi suất rất cao.
Quá trình thực hiện, bị cáo đã lừa đảo cả lãnh đạo Vietinbank, giấu mức lãi suất rất cao ngoài hợp đồng để nhân danh Vietinbank huy động vốn, sau đó chiếm đoạt trái pháp luật của các đơn vị, tổ chức và các cá nhân tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng.
Huyền Như tại tòa sáng 13/1. |
Tại tòa, bị cáo Huyền Như thừa nhận thủ đoạn chiếm đoạt, số tiền chiếm đoạt như nội dung cáo trạng nêu. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, các tài liệu chứng cứ liên quan và diễn biến phiên tòa, nhận thấy cáo trạng VKSND Tối cao truy tố các bị cáo là hoàn toàn đúng người đúng tội.
Các bị cáo đã thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội trong khi nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có tiền vay; các ngân hàng mất lòng tin lẫn nhau, mất niềm tin trong nhân dân, gây lũng đoạn thị trường. Đây là những hậu quả không thể đo đếm được, do vậy cần phải xử lý nghiêm.
Quá trình điều tra, bị Như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội khi mang thai nhưng hậu quả vụ án bị cáo gây ra quá lớn nên cần áp dụng mức án cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội.
Từ đó, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Như mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5-7 năm tù tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Đối với Võ Anh Tuấn, tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa, Võ Anh Tuấn không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào lời khai của Như và những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho thấy chính Võ Anh Tuấn đã ký giấy xác nhận Vietinbank chi nhánh Nhà Bè đã nhận tiền của Công ty Thái Bình Dương. Hành vi của Võ Anh Tuấn đã làm cho Phạm Anh Tuấn tin, chuyển 80 tỷ đồng của công ty này cho Như chiếm đoạt.
Ngoài ra, Tuấn còn cùng Như ra Hà Nội, chứng kiến Như giả danh nhân viên Nhà Bè để huy động và chiếm đoạt của 3 công ty 1.598 tỷ. Hành vi của bị cáo Tuấn đặc biệt nghiêm trọng. VKS cũng đề nghị tuyên phạt Võ Anh Tuấn mức án tù chung thân.
Liên quan đến vụ án, các bị cáo còn lại cũng bị đề nghị từ 9 tháng đến 20 năm tù về các tội như cho vay nặng lãi, vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trong, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VKS cũng đề nghị tòa buộc các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền bất chính.
M.Phượng