- Phía ngân hàng ACB cho rằng: “Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Vietinbank do mình có trách nhiệm quản lý. Đây là dấu hiệu của tội tham ô tài sản chứ không phải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ?”

Trong vụ án Huyền Như, Ngân hàng ACB bị chiếm đoạt 718 tỷ đồng. Trước tòa, vị đại diện ACB đã có một bài trình bày quan điểm khá dài nhằm "mổ xẻ" những tình tiết liên quan trong vụ án.

Vietinbank không biết?

Với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như đã bị đề nghị tuyên phạt mức án kịch khung là tù chung thân. Tuy nhiên, phần trách nhiệm bồi thường gần 4.000 tỷ đồng mới là điều gây tranh cãi nhất suốt những ngày xét xử vừa qua.

Trong phần phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố kết luận Vietinbank không phải bồi thường. Luật sư của Vietinbank hoàn toàn đồng tình với VKS, khẳng định Vietinbank vô can trong vụ án.

Bởi lẽ, ngay từ khi bắt đầu nảy sinh động cơ chiếm đoạt tài sản, đối tượng Huyền Như nhắm tới là tài sản của các đơn vị, cá nhân. Huyền Như đã lợi dụng danh nghĩa của Vietinbank để huy động tiền.

Các đơn vị cá nhân (trong đó có ACB) biết việc Huyền Như lấy danh nghĩa Vietinbank huy động tiền với mức lãi suất vượt trần là trái quy định nhưng vì hám lợi vẫn ký hợp đồng ủy thác gửi tiền. Khách hàng gửi tiền nhưng không đến trụ sở ngân hàng giao dịch...Đây là điều kiện rất thuận lợi để Như chiếm đoạt tài sản.

{keywords}
 "Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như - kẻ gây ra vụ án nhiều tranh cãi.

Vietinbank hoàn toàn không biết, không tham gia, không liên quan nên không thể nói Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trước đó, trả lời trên một tờ báo, Chủ tịch HĐQT Vietinbank khẳng định tiền của các đơn vị, cá nhân gửi chưa vào đến tài khoản của Vietinbank nên Vietinbank vô can trong vụ án.

Tại tòa, ông Lê Thanh Hải - đại diện theo ủy quyền của Tổng giám đốc ACB cho rằng những quan điểm trên là không có cơ sở, đi ngược hoàn toàn với sự thật khách quan trong vụ án.

Chứng minh cho điều này, ông Hải đưa ra những bằng chứng và "mổ xẻ" những bất nhất trong chính phần trả lời của phía Vietinbank.

Ông khẳng định hợp đồng ACB gửi tiền cho Vietinbank do ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương (Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) ký kết, đóng dấu thật của Vietinbank, tiền được chuyển vào tài khoản tại Vietinbank, Vietinbank có hạch toán thành tài sản của mình. Vậy tại sao Vietinbank có thể nói Huyền Như giả danh Vietinbank để huy động tiền cho cá nhân?

Tương tự, về ý kiến cho rằng quá trình Huyền Như huy động tiền, Vietinbank hoàn toàn không biết, không tham gia, tiền chưa vào đến tài khoản Vietinbank, đại diện ACB thẳng thừng bác bỏ.

Chứng minh điều này, ông Hải cho biết nếu không biết, không liên quan, tiền khách hàng gửi chưa vào tài khoản Vietinbank vậy tại sao Vietinbank lại gửi giấy xác nhận số dư tài khoản cho ông Phạm Công Hoàng (1 trong 19 nhân viên ACB đứng lên gửi tiền)?

Theo vị đại diện, hiện ACB vẫn còn lưu giữ giấy xác nhận nợ của Vietinbank giửi cho ông Hoàng. Giấy xác nhận số dư tài khoản trên là bằng chứng (bên cạnh các sao kê chi tiết tài khoản mà ACB đã cung cấp) bác bỏ luận điểm của Vietinbank khi cho rằng tiền gửi của các khách hàng trong vụ án Huyền Như chưa được chuyển vào tài khoản tại Vietinbank...

Bỏ lọt tội phạm?

Trong phần trình bày, đại diện ACB còn cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Ông Hải cho biết tại trang 12 kết luận điều tra nêu lãnh đạo Vietinbank có được Như báo cáo việc chi lãi suất vượt trần 0,5%. Vậy Vietinbank có chủ trương chi lãi suất vượt trần không, ai là người chịu trách nhiệm chưa được làm rõ.

Bên cạnh đó, để xác định tội danh của Huyền Như, trước tiên phải xác định ai là người chịu trách nhiệm quản lý tiền? Ông Hải cũng trả lời luôn đó là Vietinbank vì thực tế ACB chuyển tiền đến tài khoản của Vietinbank chứ không phải tới một tài khoản nào của Huyền Như.

Sau khi tiền chuyển vào Vietinbank, với tư cách quyền trưởng phòng, Như đã giả chữ ký của khách hàng để chiếm đoạt.

Bị cáo Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Vietinbank do mình có trách nhiệm quản lý. Đây là dấu hiệu của tội tham ô tài sản chứ không phải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người đại diện ACB cũng cho rằng nếu xác định Vietinbank không bị thiệt hại trong vụ án thì việc truy tố 7 cán bộ, nhân viên Vietinbank về tội "vi phạm quy định trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng" là không có cơ sở.

Ngày 20/1 tới, VKS sẽ đối đáp lại quan điểm của các luật sư và những bên liên quan trong vụ "đại án" gây nhiều tranh cãi này.

M.Phượng