- Xóm chài ngày một đổi thịt thay da, nhà cửa san sát. Nhưng lẫn trong sự đầm ấm no đủ bên ngoài là những phận đời sống buồn tủi với nỗi đau do cuộc sống khắc nghiệt để lại. Ngày Tết sắp về, nỗi buồn đau lại dâng tràn lên khóe mắt.
Biển dữ đã ‘nuốt’ bao người
Trời ngả chiều, chợ Đình ở Thành Công lại càng thêm những tiếng lao xao. Phiên chợ lớn nhất xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) rốt cuộc vẫn chỉ là những món hàng cá tôm vặt của ngư dân đổ công đánh bắt từ biển.
Đôi ba gian hàng cau, ống giang, lá dong… sát bên mép đường vắng vẻ người mua, dù Tết đã sắp về.
Một góc chợ Đình ở Thành Công. Những ngày áp tết, những gian hàng chủ yếu vẫn là đôi mớ cá, mớ tôm. |
Ông Nguyễn Văn Xuân, người sắp qua nhiệm kỳ thứ hai làm xóm trưởng Thành Công (Quỳnh Long) đau đáu trải lòng: “Không năm nào là không mưa bão hay tai ương nhưng năm nay đúng là đại họa”.
Chữ ‘đại họa’ là lúc ông nói về vụ chìm tàu đau lòng của 8 ngư dân Quỳnh Long vào rạng sáng 9/12. Tàu NA 93240 - TS của thuyền trưởng Bùi Quang Hạ cùng 7 ngư dân khác đang trên đường cập bến Lạch Quèn thì đột ngột mất liên lạc.
Phải đến một tuần sau đó, người thân các ngư dân quá sốt ruột mới đi trình báo cơ quan chức năng. Thế nhưng, khi đó đã quá muộn! Thi thể của 2 người trong số họ dạt vào tận bờ biển Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Văn Xuân, xóm trưởng xóm Thành Công cho biết, từ năm 1995 đến nay có chừng 15 ngư dân Thành Công tử nạn. |
Những người còn lại đến nay vẫn không thấy tung tích. Vợ con họ ở nhà nghẹn ngào phát tang. Xóm chài ngập trong vành tang trắng, nỗi buồn lặng kéo dài đến tận những ngày cận Tết.
“Dân rừng thì lên núi, dân chài thì đi biển, không còn nghề nào khác. Nguy hiểm rình rập nhưng nghề chài lưới cũng đã nuôi sống nghìn hộ dân chúng tôi qua mấy đời” – xóm trưởng Xuân trải lòng.
Nói đoạn ông lần giở sổ sách và trí nhớ, cố thống kê xem đã có bao nhiêu ngư dân Thành Công bỏ mạng ngoài biển trong hơn 10 năm qua.
“Anh em Tô Phú, Tô Bình con nhà bà Hợp, anh em Hồ Dữ, Hồ Minh, rồi Nguyễn Thành, Nguyễn Thân cũng là anh em ruột, Trần Thông, Trần Hà…; nhiều quá, thú thực tôi không nhớ hết được. Dễ đến 15, 20 người mất rồi. Nhiều lắm!” – ông Xuân thở dài.
Tết buồn của 2 người đàn bà góa
Con đường từ chợ Đình dẫn vào nhà bà Nguyễn Thị Hợp (xóm Thành Công) quanh co. Ngôi nhà mới hoàn thiện ‘lộng gió’ vì chưa hề có vật dụng gì bên trong. Căn nhà cũ xập xệ, bà Hợp cùng… một bà góa khác chính là vợ hai của chồng bàn nhau bán chừng 1/3 mảnh vườn để làm gian nhà mới che mưa nắng.
Bà Nguyễn Thị Hợp (75 tuổi) mất 2 người con trai từ hơn 15 năm trước. Hiện bà sống với người vợ hai của chồng trong căn nhà, ngày ngày bán rau kiếm sống. “Mỗi bó rau cúc bán 500 đồng, bán cả ngày cũng chỉ đủ chi tiêu, chưa biết sắm Tết thế nào” – bà buồn bã nói. |
Bà Hợp có 2 con trai thì cả 2 đứa đều bỏ mạng giữa lòng biển từ hơn 15 năm trước. Chồng bà cưới vợ hai, rồi mất. Hiện bà và người vợ hai của chồng sống chung dưới mái nhà, buôn rau kiếm sống. Cuộc sống lặng lẽ cứ trôi đều suốt hai chục năm qua, nay bà đã gần 80 tuổi.
“Thằng Bình, thằng Phú đã kịp có vợ con chi mô chú. Tui nhớ đó là năm 1996, hai đứa mới ngoài 20 tuổi cả. Đầu tháng đi biển, được non mấy ngày thì nghe người làng bảo gặp bão tàu thuyền tan tác, người mất hết cả. Hai thằng con trai mà ông trời không để lại cho tui một đứa!” – bà Hợp run run kể lại.
Hai con không về, bà thì cũng đã già. Sau đó vài năm, chồng bà lấy thêm vợ hai sinh được một người con trai. Nhưng được ít lâu thì chồng cũng mất, để lại gian nhà tàn cho hai bà góa cùng một đứa trẻ sống bám tựa vào nhau. Kể từ đó, hai người đàn bà góa chỉ biết dựa vào những đồng tiền bán rau ít ỏi để sống qua ngày.
“Dịp ni ngày mô chúng tôi cũng đi chợ bán rau. Rau cúc, rau cải, đậu, thì là…, mỗi ngày kiếm dăm bảy chục ngàn để mua thức ăn. Tết đến rồi nhưng đã sắm được gì đâu chú” – bà vợ hai Nguyễn Thị Trinh tâm sự
Trên con đường quan co dẫn ra chợ Đình, dù trời đã xế chiều nhưng bà Hợp vẫn cố bê mẹt rau cúc ra ngồi bên vỉa hè bán. Bà Trinh thì lo nhổ mấy khóm su hào.
“Mỗi bó bán được năm trăm đồng. Bán hết được từng ni cũng có ba chục ngàn đó chú à” – bà Hợp run run khoe.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Ngọc Chắt, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long cho biết, toàn xã Quỳnh Long có 171 phương tiện, trong đó có 105 tàu cá trên 90 CV (chuyên đánh bắt xa bờ). Thu nhập bình quân của lao động nghề cá đạt 8 triệu đồng/ 1 người/ 1 năm. Từ năm 2007, Hội nghề cá Quỳnh Long đã lập được 8 chi hội với 14 tổ hợp tác để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trên biển. Quỳnh Long là một trong vài xã có đội tàu mạnh của huyện Quỳnh Lưu. Năm 2013, sản lượng cá đánh bắt của toàn xã vượt 9.000 tấn. |
Cao Thái
(còn nữa)