HTML clipboard

– Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin sởi để xây dựng, triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi bổ sung.


Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi.
{keywords}
Bệnh nhân mắc bệnh sởi điều trị tại BV Nhiệt đới TW (Ảnh: Cẩm Quyên)


Theo thống kê, từ đầu năm 2014 tới ngày 5/2/2014 đã ghi nhận các trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại Hà Nội (30 trường hợp, TP HCM 138 trường hợp, tỉnh Yên Bái 253 trường hợp (1 trường hợp tử vong), tỉnh Lào Cai có 120 trường hợp và tỉnh Sơn La có 80 trường hợp.

Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi hoặc chưa được tiêm đầy đủ hay đúng lịch.

Dịch bệnh này đang có nguy cơ lan rộng và có xu hướng diễn biến phức tạp vì hiện đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm thuận lợi cho sự phát triển của bệnh và sự gia tăng giao lưu đi lại, tiếp xúc trong thời gian sau Tết Nguyên đán.

Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương trong cả nước tăng cường giám sát diễn biến của dịch; tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các địa phương cần phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ/Pastuer để triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch phù hợp với đặc điểm từng địa phương.

Ngoài ra, cần rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin sởi để xây dựng, triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi bổ sung (việc tổ chức tiêm vắc xin sởi có thể thực hiện đồng thời với lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc được tổ chức vào một ngày riêng khác).

Những điều cần biết về bệnh sởi:

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông- xuân.

Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng.

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi.

Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Trẻ cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.

Cẩm Quyên