Hai bị can trong vụ án thảm sát 5 phu trầm bị truy tố theo 4 tội danh: giết người, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Trao đổi với PV chiều 11/2, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị-ông Lê Hồng Quang, cho biết, vụ án thảm sát 5 phu trầm người Quảng Bình sẽ được đưa xét xử vào ngày 27/2.

Theo đó, vụ án sẽ được xét xử lưu động tại Hội trường TAND tỉnh Quảng Trị (45 Lê Lợi, TP Đông Hà). Viện KSND tỉnh Quảng Trị truy tố 2 bị can trong vụ án thảm sát 5 phu trầm vào cuối tháng 3/2013 là Hồ Văn Thành và Hồ Văn Công theo 4 tội danh: giết người, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

{keywords}

Hai kẻ sát nhân Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành (bên trái) tại PC45 Công an Quảng Trị.

Thua bạc, bắt cóc phu trầm đòi tiền chuộc

Theo cáo trạng, đầu tháng 3/2013, Hồ Văn Thành (SN 1974, trú thôn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thua bạc nên cầm cố xe máy của cha vợ để lao tiếp vào trò đỏ đen, song tiếp tục thua. Thành được Hồ Văn Công (SN 1975, ở thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) bày mánh kiếm tiền chuộc xe.

Thành - Công tìm gặp Hồ Văn Nguyên (trú bản Tà Poọng, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) là người có súng AK để thực hiện ý đồ bắt cóc, khống chế người đi tìm trầm cướp tài sản. Ngày 21/3, 3 đối tượng này và Hồ Văn Thao (SN 1964, anh trai Nguyên) đem theo súng AK cùng 5 viên đạn vào rừng thuộc khu vực biên giới Việt Nam-Lào “săn mồi”.

Sang ngày 22/3, nhóm này khống chế, bắt trói nhóm phu trầm gồm các anh Hoàng Lê Dũng (SN 1984), Trần Minh Tuấn (SN 1989) và Nguyễn Thanh Liêm (SN 1967), cùng ở xã Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình để cướp tài sản. Tuy nhiên, 3 phu trầm này trốn thoát được.

Đối tượng Hồ Văn Nguyên (ngoài cùng bên trái) bị bắt ở huyện Vilabuly, tỉnh Savannakhet, Lào ẢNH: PHƯỚC TRUNG (BĐBP Quảng Trị)

Ngày 23/3, nhóm của Thành đến khu rừng thuộc khe Cha Lỳ, bản Cợp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, gặp 7 phu trầm là Trương Thanh Hiền, Đinh Văn Thân, Đỗ Văn Hiền, Nguyễn Văn Sáu, Trần Văn Trị, Nguyễn Văn Thắng, Hoàng Văn Hà (cùng ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) bắt trói họ, dẫn qua địa phận nước Lào. Sau đó, bọn chúng cho anh Hà về quê lấy tiền quay lại chuộc người.

Thảm án giữa rừng sâu

Sau hơn một ngày chưa thấy người đưa tiền đến chuộc các phu trầm, Thành, Công và Nguyên lần lượt thay nhau lấy gậy đập chết 5 phu trầm rồi đẩy xuống một cái hố đào sẵn. Sau khi chôn 5 phu trầm, Thành, Công và Nguyên đi tìm người duy nhất trốn thoát là anh Đỗ Văn Hiền nhưng không được. Sợ bị công an truy lùng, nhóm sát nhân máu lạnh lẩn trốn vào khu rừng ở bản Tà Rùng, cách nhà Công khoảng một cây số.

Sau khi nhận được tin báo của anh Hiền, Công an tỉnh Quảng Trị và Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình lập tức vào cuộc đi tìm giải cứu các phu trầm. Chiều tối 26/3, thi thể các phu trầm được tìm thấy, bàn giao cho gia đình đưa về an táng. Vụ thảm án giữa rừng sâu lập tức gây rúng động dư luận.

Đến ngày 2/4/2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quang Trị bắt được Thành và Công. Hai ngày sau, Nguyên bị Công an tỉnh Savannakhet bắt giữ khi đang lẩn trốn ở huyện Vilabuly.

Cơ quan điều tra xác định, Hồ Văn Công là người chủ mưu vụ án. Tổng giá trị tài sản nhóm sát nhân cướp được trị giá hơn 2,2 triệu đồng. Về trách nhiệm dân sự, các gia đình bị hại yêu cầu các bị can bồi thường tổng số tiền hơn 800 triệu đồng và tiền cấp dưỡng đối với những người con chưa trưởng thành của các phu trầm.

Theo cơ quan truy tố, hành vi của 2 bị can Hồ Văn Thành và Hồ Văn Công là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng, tài sản của người khác, gây tâm lý hoang mang, lo sợ đối với cuộc sống của người dân, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở vùng biên giới Việt Nam-Lào nên cần phải xử lý nghiêm minh bằng pháp luật hình sự.

Đối với hành vi phạm tội của Hồ Văn Nguyên (quốc tịch Lào), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự cho Công an tỉnh Savannakhet, Bộ An ninh, Nhà nước CHDCND Lào, xét xử độc lập.

Theo cơ quan truy tố, hành vi của 2 bị can Hồ Văn Thành và Hồ Văn Công là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng, tài sản của người khác, gây tâm lý hoang mang, lo sợ đối với cuộc sống của người dân, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở vùng biên giới Việt Nam-Lào nên cần phải xử lý nghiêm minh bằng pháp luật hình sự.

(Theo Tiền phong)