- Được coi là chứng nhân lịch sử, là di sản của thủ đô nên việc giữ nguyên hiện trạng cầu Long Biên là mong mỏi của hầu hết người dân. Tuy nhiên trên thực tế, giữ nguyên hay xây mới là bài toán khó của ngành giao thông.

Xóa di sản là xóa ký ức

Sau khi Bộ GTVT đề xuất 3 phương án trong dự án bảo tồn cầu Long Biên, đã có nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó hầu hết đều mong muốn giữ nguyên hiện trạng như hiện tại.

{keywords}

Cầu Long Biên hiện tại

Chia sẻ trên VietNamNet, nhiều độc giả cho rằng, cây cầu ấy không đơn thuần chỉ là một công trình giao thông mà là công trình lịch sử, là di sản, là biểu tượng, là ký ức vắt qua 3 thế kỷ, qua 2 cuộc kháng chiến của người dân Thủ đô. Xóa bỏ cây cầu là xóa bỏ ký ức.

"Hãy giữ nguyên trạng cầu Long Biên, một di sản mà không phải quốc gia hay thành phố nào trên thế giới cũng có được", anh Nguyễn Văn Tuân chia sẻ.

Đồng quan điểm, bạn đọc Đặng Tiến Thành cho rằng nên bảo tồn dạng bảo tàng nguyên vị trí vì nó gắn liền với thời gian và lịch sử.

"Cầu có thể xây mới, làm mới nhưng không thể làm lại lịch sử. Ngoài giá trị sử dụng, cầu Long Biên còn có giá trị thẩm mỹ về mặt kiến trúc, thậm chí có thể liệt kê vào dạng hiếm hoi trên thế giới. Chúng ta đang có đồ quý, tại sao lại muốn dẹp bỏ", anh Thành đặt câu hỏi.

Nhắc lại bài học của ngành giao thông cách đây 30 năm đối với cầu Hiền Lương (Quảng Trị), độc giả Vũ Minh cho rằng Bộ GTVT nên nghiên cứu và cân nhắc kỹ để tránh sai lầm.

"Chúng ta không thể chạy tàu hơi nước mãi, việc một thành phố có tới chục cây cầu đi nữa cũng là phù hợp với xu hướng phát triển, việc xây mới một cây cầu theo đó là tất yếu. Tôi thấy không có lý do gì để phải di dời hay xây mới cầu Long Biên cả.", anh Minh nêu quan điểm.

"Tôi có dịp đến Paris và lên tháp Eiffel, tôi tự hỏi cái tháp Eiffel ở Pháp đến tận bây giờ vẫn còn mới, một ngày đón hàng ngàn lượt khách đến thăm quan. Nhìn lại cây cầu Long Biên xây cùng thời kỳ đó mà giờ xuống cấp trầm trọng.

Hiện tại phía Pháp cũng có nguyện vọng bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên và cam kết tài trợ tiền. Cầu không ở nước họ, họ còn muốn giữ vậy sao ta lại muốn biến nó thành phế tích?", độc giả ở địa chỉ vuvanminh@... đặt câu hỏi.

Thẳng thắn hơn, bạn đọc Hoàng An cho rằng, cả 3 phương án của Bộ GTVT đều không đảm bảo cho cầu Long Biên tính nguyên vẹn, vậy lấy đâu ra ý nghĩa bảo tồn.

"Không thể lấy giá trị kinh kế để xâm hại cả một di sản", độc giả này nhấn mạnh.

Bài toán khó của ngành giao thông

Bên cạnh những ý kiến không đồng thuận, nhiều bạn đọc chia sẻ khó khăn với ngành giao thông khi lên phương án bảo tồn cây cầu hơn 100 năm tuổi này.

Bạn đọc Phạm Anh cho biết, nếu xây dựng một cây cầu mới, chi phí di dời, thay đổi cung đường sắt sẽ kéo thêm cả núi tiền so với việc xây cầu mới ở vị trí hiện tại.

{keywords}

Phối cảnh Cầu Long Biên trong tương lai

Phân tích sâu thêm, độc giả Nam Phan cho rằng, khi xây cầu mới ra chỗ khác, nền đường sắt cũ sẽ không tận dụng được, lại phải giải phóng mặt bằng mới bao gồm cả Hàng Đậu, Hàng Than kéo lên đến Nguyễn Trung Trực. Chi phí sẽ rất tốn kém và có thể dân không đồng ý.

Trong khi đó nếu xây cầu tại tim cầu Long Biên hiện tại sẽ tận dụng được luôn tuyến đường sắt cũ để nối vào dự án tuyến đô thị số 1.

Ngay cả trong trường hợp cả 3 phương án không được chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phải nghiên cứu phương án sửa chữa, nâng cấp để nâng giá trị sử dụng của cây cầu có tuổi thọ hơn 100 năm tuổi. Đây là điều không dễ khi mọi thứ đã quá cũ nát và chắp vá

"Nhiều người chỉ xét trên khía cạnh văn hóa, di sản và lịch sử mà quên không cân nhắc đến các yếu tố kinh tế, thi công. Đây là bài toán khó, chứ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ", độc giả Nam Phan chia sẻ với ngành giao thông.

Trên diễn đàn cầu đường, bạn Nguyễn Phong cũng phân tích: "Không đồng ý xây mới, không di dời nhưng cầu đã quá cũ, theo thời gian sẽ không đảm bảo lưu thông. Vậy cách duy nhất là nâng cấp, sửa chữa. Khi ấy cũng không khác gì dựng lại cầu Long Biên với toàn bộ kết cấu mới, chỉ còn lại hình dáng cũ. Mà mới quá sẽ bị nói là mất giá trị lịch sử. Quả là ngành giao thông cũng đau đầu".

Nhiều độc giả hiến kế, ngành giao thông nên tham khảo các chuyên gia về cầu của các nước Pháp và Nhật trước khi quyết định và phải đặt tính hiệu quả lên hàng đầu.

"Theo tôi nên làm hầm ngầm qua sông Hồng, để thủ đô ngàn năm văn hiến có di sản để lại cho đời sau nên bảo tồn nguyên vẹn cho cây cầu cũ", độc giả Vũ Ngọc Diện gợi ý.

Bạn đọc Khánh Toàn lại hiến kế: "Hãy làm lại toàn bộ cầu Long Biên mới theo như thiết kế ban đầu (1902). Chọn 3 nhịp cầu cũ (để nguyên hiện trạng) di dời lên phía thượng lưu để bảo tồn".

Trong khi đó phần đông ý kiến đều cho rằng, số tiền 9.000 tỷ hoàn toàn đủ để xây một cây cầu mới.

Bạn đọc ở địa chỉ phong.dang2011@... dẫn chứng: "Tôi thấy nên giữ nguyên câu Long Biên như hiên tại Tại sao di dời và bảo tồn 1 cái cầu cũ mà hết 9.000 tỷ đồng ??? Không hiểu tính thế nào? Xây cầu Cần Thơ mới hết có 4,5 nghìn tỷ. Cầu rồng Đà Nẵng cũng chỉ có 1,5 nghìn tỷ. Mà tại sao lại kết hợp được cả du lịch?

Vậy tốt nhất nên bảo tồn cầu cũ, còn đường sắt và ga ta chuyển sang ven sông phía đông sông Hồng. Như thế vừa hiện đại hóa đường sắt vừa hiện đại hoá ven sông phía đông đáp ứng được cả mọi tiêu chí".

Đ.Tâm (tổng hợp)