- Theo ông Phan Xuân Đại, nguyên Chuyên viên cao cấp của Bộ GTVT, hiện là giảng viên Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông Đại học Phương Đông, “cầu Long Biên hiện nay là di sản kiến trúc đô thị nhưng không thể bảo tồn và sử dụng cho quy hoạch giao thông đô thị. Chỉ nên nghĩ khai thác bảo tàng di sản này”.

Chiều ngày 25/2/2014, tại trường Đại học Phương Đông, buổi tọa đàm mang tên “Bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị” đã thu hút sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của nhiều GS, PGS, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch đô thị, Bảo tồn di sản, Xây dựng công trình Giao thông… .

Ý kiến tham dự hầu hết đều khẳng định, cầu Long Biên có một vị trí, một giá trị không hề nhỏ với thủ đô Hà Nội.

Nó là nhân chứng sống của một thời kỳ đấu tranh gian khổ, đóng góp vào quá trình đô thị hóa của thủ đô.

PGS. TS. KTS Tôn Đại khẳng định: “Đây là cây cầu có giá trị hơn tất cả các cây cầu nào sau này. Hà Nội nếu thiếu đi cầu Long Biên thì không còn là Hà Nội nữa”.

{keywords}
Ông Phan Xuân Đại (ngoài cùng bên phải) đưa ra ý kiến mới mẻ về việc bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị

Nhiều chuyên gia, giáo sư đầu ngành có mặt tại buổi tọa đàm đều đi đến ý kiến chung là bảo tồn cầu Long Biên như một di sản văn hóa, cần xây dựng một đề án bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị từng phần của cây cầu.

Các ý kiến cũng bày tỏ quan điểm phản đối các phương án mà Bộ GTVT đưa ra trong việc xây mới và bảo tồn cầu Long Biên trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, ông Phan Xuân Đại lại đưa ra một cách nhìn, một phân tích khác.

Ông cho biết, trong những năm 1965 – 1972, cầu Long Biên chịu nhiều đợt ném bom và đạn rocket của máy bay Mỹ nên khoảng 2/3 các nhịp dầm đã bị xập đổ, vặn xoắn cong queo và hư hỏng hoàn toàn.

Sau năm 1975, ngành đường sắt đã cho cắt bỏ và thu dọn các nhịp dầm cũ hư hỏng và thay thế bằng loại dầm tạm, tháo lắp nhanh để đảm bảo giao thông.

Theo ông Đại, sau năm 1990, Viện KHKT – GTVT đã lấy mẫu thí nghiệm thép dầm cầu Long Biên và kết luận, khả năng chịu tải của cầu giảm còn 57% so với thiết kế ban đầu, phải củng cố trụ đỡ nhịp dầm.

Từ đó đến nay, các nhịp dầm cũ của cầu Long Biên luôn được kiểm tra, tăng cường sửa chữa để bảm đảo giao thông, riêng việc duy tu sơn sửa không thể làm được vì rất tốn kém do kết cấu nhịp cầu cũ liên kết bằng đinh tán và mặt cắt thanh tổ hợp rất phức tạp, không thể thực hiện đánh sạch gỉ dầm thép trong khi các phương tiện và người qua lại suốt ngày đêm.

Theo những tài liệu ghi lại mà ông Đại cung cấp, nhà thầu Pháp đã đặt móng cầu đều là giếng chìm hơi ép hạ sâu xuống tầng sét nửa cứng ở cao trình -25 đến -35 m.

Nếu cải tạo và nâng cấp dầm cầu Long Biên phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông đoạn Yên Viên – Ngọc Hồi thì không thể dùng lại mố trụ cầu cũ vì yêu cầu móng phải ở độ sâu -45m trở xuống.

Sau trận lũ năm 1982, ở trụ 14, 15 bị xói sâu xuống đến – 18 đến -22m nên ngành đường sắt đã phải đổ khối lượng đá hộc rất lớn bao quanh móng trụ cầu này để khỏi bị lũ cuốn xô đổ.

Ngoài ra, theo quy hoạch giao thông đường sắt nội đô Hà Nội, đoạn đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi, nếu dịch chuyển tuyến đường sắt ở một vị trí khác cầu Long Biên hiện nay thì đều phá vỡ toàn bộ kiến trúc của phố cổ Hà Nội.

Mặt khác, đáy dầm cầu Long Biên quá thấp, các tàu chở khách đường thủy không đủ tĩnh để chui dười gầm cầu. Nếu cải tạo nâng cấp cầu, chúng ta phải nâng trụ mố cầu lên khoảng 3m cho phù hợp khổ tĩnh không dưới cầu, phải phá bỏ các trụ tạm hiện có để mở nhịp thông thuyền yêu cầu lớn hơn 60m.

Từ đó, ông Đại khẳng định cầu Long Biên hiện này là di sản kiến trúc đô thị nhưng không thể bảo tồn và sử dụng cho quy hoạch giao thông đô thị được, mà chỉ nên nghĩ khai thác bảo tàng di sản này.

Để lựa chọn phương án cầu Long Biên cho đường sắt nội đô Hà Nội, ông Đại cho biết luôn ủng hộ phương án sau:

Thứ nhất, không dùng lại dầm thép cũ cầu Long Biên, không dùng lại mố trụ cũ cầu Long Biên; phải dỡ bỏ toàn bộ trụ tạm cũ để thanh thải lòng sông, đảm bảo khẩu độ thông thuyền đường sông.

Thứ hai, xây dựng một cầu Long Biên mới cho đường sắt nội đô, kết cấu hiện đại, mỹ thuật hài hòa ngay tại vị trí cầu Long Biên hiện nay, nâng cao dần để vào tầng hai ga Hà Nội, phù hợp quy hoạch giao thông nội đô Hà Nội.

Thứ ba, di dời một đoạn nhịp còn tốt của cầu Long Biên cũ đủ chiều dài đi từ bờ Hà Nội sang đến bãi giữa sông Hồng để làm bảo tàng lịch sử và khai thác hoạt động văn hóa, du lịch, khai thác du lịch sinh thái ở bãi giữa sông Hồng Hà Nội.

Khổng Chiêm