- Ca bệnh sởi không tăng thêm nhưng chưa giảm. Bên cạnh đó vẫn ghi nhận nhiều bệnh nhi nặng bị biến chứng viêm phổi, thậm chí chảy mủ tai.
Ngày 5/3, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã cho biết như trên.
Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang có 29 bệnh nhi sởi nội trú.
Một bệnh nhi bị sởi biến chứng viêm phổi đang được điều trị - Ảnh: Thanh Huyền. |
Trong đó 3 – 4 trường hợp bị viêm phổi nặng phải thở máy, có cả bé bị biến chứng chảy mủ tai, đi tiêu đàm máu.
“Đối với trường hợp bị viêm phổi nếu điều trị tốt khi khỏi sẽ không để di chứng. Tuy nhiên bé nào bị biến chứng chảy mủ tai phải coi chừng, sau này thính lực sẽ bị ảnh hưởng”, bác sĩ Khanh nói.
Giải thích về biến chứng chảy mủ ở tai, bác sĩ Khanh cho biết khi trẻ mắc bệnh sởi đề kháng kém, dễ bị viêm tai giữa dẫn tới hiện tượng trên.
Biến chứng về giác mạc ở bệnh nhi sởi năm nay rất ít gặp, có thể do trẻ đều được uống bổ sung vitamin A dự phòng đại trà.
Theo bác sĩ Khanh, nếu đúng mùa, bệnh sởi sẽ còn kéo dài cho tới tháng 4. Tuy nhiên hiện nay nhờ ngành y tế đang quyết liệt tổ chức chích ngừa sởi toàn diện cho trẻ nên biểu đồ ca bệnh sởi đang đi ngang.
Thông thường sau khi chích ngừa từ 10 – 15 ngày cơ thể trẻ sẽ có miễn dịch. Nếu việc chích ngừa được tổ chức, thực hiện tốt đúng kế hoạch có thể 1 tháng nữa sẽ hết dịch.
Dù vậy, bác sĩ Khanh cũng lưu ý khoảng 3 ngày này, các ca bệnh từ tỉnh chuyển lên nhiều, đa số toàn ca nặng.
Hiện nay, ¾ ca nặng phải thở máy tại khoa Nhiễm đến từ An Giang, Bình Phước và Tây Ninh.
Ngày 5/3, Sở Y tế TP.HCM đã có cuộc họp giao ban về dịch bệnh. Vào ngày 7/3, ngành y tế TP. sẽ đồng loạt tổ chức chích ngừa sởi cho trẻ em (đã có một số quận, huyện tổ chức tiêm ngừa từ trước ngày này). Theo đại diện Sở Y tế, cơ số vắc xin chuẩn bị cho đợt chích ngừa sởi này là
từ 80 ngàn – 100 ngàn liều (đủ để đáp ứng cho trẻ em chưa chích ngừa hoặc chích
ngừa sởi chưa đủ liều trên toàn TP). Theo bác sĩ Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, sở dĩ dịch sởi bùng phát như hiện nay là do việc chích ngừa bị buông lỏng. Nếu tổ chức tiêm ngừa tốt trong 2 tuần sẽ dập được dịch. |
TPHCM: Xuất hiện ổ dịch thuỷ đậu đầu tiên trong trường học Ngày 5/3, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã cho biết như trên trong buổi họp giao ban các quận, huyện về dịch bệnh. Cụ thể, ổ dịch khởi phát tại trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3). Ca bệnh thuỷ đậu đầu tiên ở trường khởi phát bệnh từ ngày 8/2. Sau đó, từ ngày 22 – 26/2 liên tiếp phát hiện thêm 9 học sinh khác bị mắc bệnh thuỷ đậu. Các học sinh này đều học chung một lớp, chỉ có 1 trường hợp học ở lớp bên cạnh. Ngay khi xảy ra chùm ca bệnh, các học sinh bị bệnh đã được nhà trường cho nghỉ học, dưỡng bệnh ở nhà để cách ly. Ngành y tế cũng đã phối hợp, tới trường phun xịt thuốc để sát trùng, khử khuẩn, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2014, toàn TP. đã có 131 ca thủy đậu, tăng 157% so với cùng kỳ năm ngoái. Để phòng, tránh lây bệnh thuỷ đậu và các dịch bệnh khác nói chung, bác sĩ Dũng khuyên người dân thường xuyên rửa tay sạch sẽ, sinh hoạt hợp vệ sinh. Khi bị bệnh thuỷ đậu người dân nên ở nhà, tránh tiếp xúc chỗ đông người, dễ bị bội nhiễm vết thương và nguy cơ lây cho người khác. |
Thanh Huyền