- Sáng 11/3, Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định: Chúng tôi sẽ tìm kiếm máy bay mất tích bằng cả trái tim. Ngoài việc truy tìm trên biển, Bộ Quốc phòng còn chỉ đạo tìm kiếm trên đất liền.

VIETNAMNET VẪN ĐANG TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP CUỘC TÌM KIẾM, XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY: 

TRỰC TIẾP: Tìm kiếm máy bay mất tích cả trên bộ

Lực lượng trên bộ ở Việt Nam đã được huy động để tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. 

Cần thiết huy động thợ lặn

Sáng 11/3, trao đổi với báo chí, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết: Lực lượng trên bộ ở Việt Nam đã được huy động để tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về đánh giá của dư luận quốc tế đối với nỗ lực tìm kiếm của Việt Nam, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho hay, “với tình cảm, trách nhiệm, phương tiện, chúng tôi nỗ lực hết mình để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Chúng tôi cứu nạn bằng cả trái tim”.

{keywords}
Trung tướng Võ Văn Tuấn trả lời báo chí sáng 11/3 - Ảnh: Hoàng Sang

Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, sáng nay ông đã ký điện thông báo cho các đơn vị, thông báo đến chủ tịch UBND các tỉnh đồng thời là trưởng ban chỉ huy của các tỉnh có trách nhiệm triển khai nội dung. Nội dung đã được triển khai ngay từ khi thông báo.

“Hôm nay tôi nhắc lại thông báo này để tăng cường việc tìm kiếm vì sau mấy ngày tập trung trên biển nhiều nhưng chưa tìm thấy dấu tích. Ở đâu cũng có ủy ban khẩn nguy lực lượng quân đội tại chỗ, sẽ tìm kiếm trên bộ dọc 2 bên đường bay đi qua Hòn Khoai (Cà Mau) đến TP.HCM và kéo rộng theo đường bay ở 2 bên liên quan đến các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ” – ông Tuấn khẳng định.

Trước những giả thiết về việc tìm thấy máy bay ở độ sâu 90m thì phương án trục vớt sẽ diễn ra như thế nào, Trung tướng Tuấn cho biết: hiện nay chúng ta có tàu cứu hộ SAR 413, đồng thời là tàu chỉ huy có phương tiện cứu hộ cứu nạn, trên tàu hải quân cũng đều có phương tiện cứu hộ cứu nạn.

“Chúng ta có đội thợ lặn, nếu tìm được thì có đầy đủ phương tiện và năng lực chuyên môn để thực hiện. Khi tìm được sẽ thông báo ngay cho Malaysia cùng tham gia trục vớt sẽ tốt hơn. Độ sâu chúng ta đang hoạt động khoảng 20m - 50m, nếu ở vịnh Thái Lan có độ sâu hơn sẽ có các phương tiện khác. Đội thợ lặn của Hải quân nhân dân Việt Nam có thể lặn sâu 70-80m” – tướng Tuấn cho hay.

Tìm thấy thì thôi!

Trong khi đó, đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục hàng không VN cho hay: "Việc tìm kiếm máy bay Beoing 777 sẽ tiếp tục được tiến hành đến bao giờ có thể thấy thì thôi, chứ không có quy định về việc dừng...”.

Theo vị đại diện này, theo quy định, thì giai đoạn đầu tiên không liên lạc được với máy bay thì xếp vào diện “hồ nghi máy bay mấy tích”. 

{keywords}
Các lực lượng đang tìm kiếm máy bay mất tích - Ảnh: Reuters

Tiếp đến là giai đoạn mất tích, sau đó nếu tìm được thì sẽ tuyên bố tai nạn.

Trong trường hợp máy bay hoàn toàn mất tích, hoặc không thể tiếp cận được thì vẫn được xem là tai nạn tàu bay.

“Trong trường hợp này máy bay của Malaysia mất tích vẫn được xem là tai nạn tàu bay...”, đại diện nói.

Đối với trường hợp này, máy bay đang trong diện kiểm soát của cơ quan không lưu Malaysia thì nước này sẽ công bố tai nạn.

“Máy bay Beoing 777 của Malaysia đã qua giai đoạn hồ nghi và đang được công bố là “mất tích”. Việc công bố này đã được phía Malaysia đưa ra, vì đến nay chưa có bằng chứng cho thấy “máy bay đã vào vùng FIR của Việt Nam”, đại diện Cục hàng không nói. 

Cũng theo đại diện Sở chỉ huy cứu nạn, việc tìm kiếm sẽ tiếp tục được tiến hành đến bao giờ có thể thấy thì thôi, chứ không có quy định về việc dừng.

Hôm nay, phía Malaysi đã thông báo cho Việt Nam là tiếp tục khảo sát, tìm kiếm ở những khu vực mà hôm qua đã tìm kiếm.

Về khả năng nổ của máy bay, vị đại diện này cho rằng, đó chỉ là giả thiết mà phía Malaysia đưa ra.

Tuy nhiên, về mặt lý thuyết hộp đen có thể chịu được sức nổ lớn và có thể gây biến dạng. Tuy nhiên với kỹ thuật hiện nay người ta vẫn có thể khôi phục được tình trạng ban đầu để phục vụ cho quá trình điều tra.

Vũ Điệp - Hoàng Sang