- Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, không thể nói là đường Trường Chinh cong mềm mại hay cong linh hoạt. Rõ ràng sự bẻ cong này đã là điều chỉnh, còn mục tiêu là gì thì cần phải làm rõ.

Xung quanh việc đường Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội) bị quy hoạch bẻ cong khiến hơn 100 hộ dân ven đường bức xúc, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.

Dứt khoát ở đây có sự điều chỉnh

- “Có hay không nắn đường Trường Chinh từ thẳng thành cong”, ông Dương Đức Tuấn – Phó GĐ Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội cho biết, phương án chỉ giới đường đỏ xác định phạm vi mở đường Trường Chinh đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt năm 2008. Ông Tuấn cũng khẳng định, đây là lần phê duyệt đầu tiên, chưa có điều chỉnh từ thẳng sang cong mà chỉ giới đường đỏ có từ năm 2008, đường Trường Chinh đã cong như vậy và từ đó đến nay không có sự thay đổi nào khác. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Tuyến đường này căn cứ vào quy hoạch chung của thủ đô được duyệt năm 1998 là căn cứ vào quy hoạch chi tiết quận Đống Đa được duyệt năm 2000. Theo đó, tuyến đường Trường Chinh được thể hiện là một đường thẳng. Như vậy về mặt pháp lý các đồ án quy hoạch, các bản vẽ đều là tuyến thẳng.

{keywords}
Hình ảnh đường Trường Chinh được xây dựng uốn cong đang gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: Phạm Hải)

Còn xác định chỉ giới đường đỏ cụ thể thì chỉ được cụ thể hóa chứ không thể nói đến đồ án quy hoạch mà xác định chỉ giới mới mà quy hoạch chính thức. Thế các đồ án kia không phải là pháp lý? Người ta khẳng định các đồ án quy hoạch đều là pháp lý.

Rõ ràng anh phải tuân thủ theo quy hoạch năm 2000 chứ không phải đây là lần đầu nên không có sự điều chỉnh. Thực chất anh đã điều chỉnh. Mà điều chỉnh anh đã xin phép chưa?

- Hà Nội khẳng định đường Trường Chinh đã được làm theo đúng quy trình. Sở Quy hoạch - Kiến trúc không tự ý “nắn”, mà thực hiện theo ý kiến của Bộ Quốc phòng. Ông nghĩ sao về sự giải thích này?

- Trong thực tiễn khi xác định chỉ giới cần phải có điều tra thực tế. Về nguyên lý đây là tuyến đường đi thẳng. Cụ thể hóa phải tuân thủ theo cái đi thẳng. Còn khi vấp vào đất quốc phòng thì theo quy định hiện hành phải có thống nhất, có chính kiến để báo cáo Thủ tướng để xem xét.

Thứ hai, khi vấp vào đất quốc phòng phải xem xét chức năng của đất ấy. Đất do quốc phòng quản lý nhưng có nhiều chức năng khác nhau. Đất dân dụng do quốc phòng quản lý, đất công trình an ninh quốc phòng, đất cho các cơ quan, trụ sở…

Ở khu vực này chúng ta cần phải xem xét đây là đất gì? Đất mục tiêu là giữ an ninh quốc phòng hay đất nhà ở công vụ hay là đất cơ quan trụ sở để có ý kiến.

Vấn đề đặt ra ở đây là phải xem xét các tiêu chí để chúng ta duyệt nhưng vấn đề quan trọng là phải lấy ý kiến của chuyên gia và cộng đồng. Bởi không gian đô thị là sở hữu chung của toàn xã hội chứ không phải của một ai cả.

“Không thể nói đường cong mềm mại được”

- Nói về việc mở rộng đường Trường Chinh mở rộng cong như thế nào và ảnh hưởng đến các phương tiện ra sao, ông Tuấn cho biết, đây là đường cong mềm mại nên về cơ bản không ảnh hưởng đến công trình giao thông và các vấn đề kỹ thuật khác. Liệu “ đường cong mềm mại” có thực sự không, thưa ông?


{keywords}

"Không thể nói là đường Trường Chinh cong mềm mại hay cong linh hoạt" - ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hải)

Trong tổ chức giao thông với chức năng lưu thông tuyến đường đi thẳng bao giờ cũng giải tòa ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng đảm bảo mỹ quan nhiều hơn là đường cong.

Không thể nói là đường cong mềm mại hay đường cong linh hoạt được. Như thế nào là cong mềm mại?

Còn trong trường hợp bắt buộc phải làm những đường cong thì phải tuân thủ theo những yêu cầu kỹ thuật như bán kính cong là bao nhiêu, đường chuyển hướng là bao nhiêu và phải có ý kiến của người dân tại khu vực ấy chứ không thể tự ai đó quyết được.

Từ những điều trên ta nhìn lại thực tế triển khai vừa qua đã phù hợp với cơ sở khoa học và những quy trình ấy chưa?

Cần làm rõ mục tiêu điều chỉnh

- Khẳng định dự án đường Trường Chinh được xây dựng trên cơ sở tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng và tổng thể các tiêu chí khác và trách nhiệm tính toán các phương án chi phí thuộc quyền quản lý của Sở Xây dựng và Ban quản lý dự án. Trả lời như vậy, Sở Quy hoạch kiến trúc có đang né tránh trách nhiệm và đẩy quả bóng trách nhiệm ấy cho Sở Xây dựng và Ban quản lý dự án. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ở đây đặt ra vấn đề là khi đưa ra xem xét quyết định các phương án về đường phải cân nhắc các điều kiện. Những người đưa ra phương án phải cân nhắc chứ không phải Sở Xây dựng. Người đưa ra quy hoạch phải cân nhắc phương án nào tốt phương án nào khả thi như vậy mới nói kinh tế đô thị là thế.

Cũng không nói đó là sự né tránh trách nhiệm nhưng việc đưa ra phương án là phải tính toán không những chỉ là vì yêu cầu văn hóa, yêu cầu thẩm mỹ mà quan trọng còn là vấn đề kinh tế chứ không thể nói không tính về kinh tế mà đưa ra phương án được.

- Xung quanh tuyến đường Trường Chinh dư luận cũng đang đặt ra câu hỏi có hay không lợi ích nhóm khiến tuyến đường bị bẻ cong? Ông có ý kiến gì khi dư luận đặt ra vấn đề lợi ích nhóm như vậy?

Muốn biết có lợi ích nhóm hay không thì phải điều tra thêm. Nhưng rõ ràng sự bẻ cong này đã là điều chỉnh rồi. Mục tiêu của điều chỉnh là cái gì thì cần phải làm rõ chứ không thể nói là không hay có lợi ích gì cả. Dứt khoát ở đây là có sự điều chỉnh. Điều chỉnh vì mục tiêu gì? Mà đất an ninh quốc phòng thì phải xem xét đây là đất nhà ở công vụ hay đất gì?

Xin cảm ơn ông!

Ông Đoàn Thanh Long - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội:

Sao lại liên quan đến Sở Xây dựng? Giải phóng mặt bằng là ở quận, huyện. Đường đi như nào là do Sở Quy hoạch kiến trúc quy hoạch. Giá đền bù là do TP phê duyệt.

Về việc có kinh tế khi uốn cong đường Trường Trinh hay không do tôi cũng chưa đến thực tế tận nơi xem đường vào khu vực nhà dân như thế nào nên tôi cũng không nêu ý kiến.

Mảng kinh tế hay mảng giá là do tôi phụ trách. Nhưng cho đến bây giờ tôi khẳng định tôi chưa nhận được giấy mời hay đi dự một cuộc họp nào về đường Trường Trinh.

Hồng Khanh (thực hiện)