- “Con đường Trường Chinh vốn là thẳng, nay nó thành cong, và việc uốn cong này không được tường minh, không được giải trình, không được công khai minh bạch để đến lúc công luận vào cuộc rồi lại tìm lý lẽ để khỏa lấp. Những người biến đường thẳng thành cong cần phải xem lại”, KTS Trần Huy Ánh thẳng thắn trao đổi  với VietNamNet.

Theo KTS Trần Huy Ánh, đường Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội) đang thẳng biến thành cong và những lý lẽ Hà Nội đưa ra cần phải được xem xét, liệu đó có thực sự là những lý lẽ... ngay thẳng hay không?

Bởi, nếu những giải trình các bên liên quan đưa ra một cách tường mình và tạo nên sự đối thoại công khai, cởi mở thì sẽ không có tình trạng tranh luận như hiện nay.

“Tất cả những lý lẽ đưa ra hiện nay đều ít thuyết phục. Nếu đường cong thì phải cho người dân và các cơ quan biết vì sao nó cong, đường này các lý lẽ đưa ra, lý lẽ này chồng lên lý lẽ kia và dẫn đến sự hiểu biết không còn minh bạch rõ ràng”, ông Ánh nói.

{keywords}

KTS Trần Huy Ánh

Theo ông Ánh, có rất nhiều con đường đang thẳng biến thành cong, nhưng vẫn nhận được sự đồng thuận quý mến của cả xã hội.

Và người dân sẵn sàng chấp nhận nó như một giải pháp thông minh và rất cần thiết cho đô thị nếu như con đường thẳng đó phải đi cong để tránh một di sản lịch sử văn hóa hoặc tạo nên một cảnh quan kiến trúc đẹp hơn.

Đường Đàn Xã Tắc, sau khi lấy ý kiến các cơ quan liên quan, Hà Nội đã có thể đưa ra hàng loạt giải pháp và cuối cùng đã lựa chọn được giải pháp tối ưu để bảo tồn được di tích lịch sử. 

Hay ngay ở trên QL1 khi đi qua Phú Xuyên, ông Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam đã kể một câu chuyện rất cảm động. Ở phía làng Đông Mỹ có một cổng làng, khi con đường đi qua, để cho con đường đi thẳng người dân đã chấp nhận phải bỏ đi cái cổng và để thể hiện tình cảm của mình cả làng đã ra tiễn cái cổng đi (dù cái cổng này chưa phải đã tồn tại ở đây từ nhiều năm)…

Trong khi đó, ở đường Trường Chinh, không hiểu vì sao các nhà quản lý đưa ra nhiều lý lẽ , mà những lý lẽ này rất chủ quan.

“Ai bảo con đường Trường Chinh cong mềm mại, đường cong này đã được lấy ý kiến của các nhà chuyên môn chưa và ai chứng mình đấy là đường cong mềm mại...”, ông Ánh băn khoăn.

Đâu là giá trị bản quy hoạch?

Ông Ánh băn khoăn, 'đường Trường Chinh đang thẳng biến thành cong với lý lẽ đưa ra phải uốn nắn vì cái này cái khác...Vậy thử hỏi những đồ án công bố quy hoạch có giá trị gì không hay chỉ là một thứ tham khảo cho vui!'.

“Bản Quy hoạch như là một văn bản pháp lý rất mạnh mà tất cả các bên phải tuân thủ. Tính thượng tôn pháp luật trong những cái đã được thể hiện trong những Bản quy hoạch công bố như cơ sở để người dân, xã hội có kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài thực hiện nghiêm túc, tuân thủ”, ông Ánh khẳng định.

{keywords}
Đường Trường Chinh bị nắn cong

Đặc ngược vấn đề, ông Ánh băn khoăn: “Đường Trường Chinh “cong mềm mại” là cong như thế nào? Và liệu tất cả những con đường cần phải “cong cho mềm mại” thì có cần phải uốn cho thẳng lại? Có cần phải để cho bao nhiêu hộ gia đình đã tồn tại nhiều đời phải di dời để dành cho một đường thẳng rồi một ngày nào đó lại bảo nó cong nó mềm mại tốt hơn đường thẳng hay không”.

Đưa ra quan điểm của mình, ông Ánh cho rằng, Hà Nội nên tọa đàm lấy ý kiến rộng rải của các cơ quan chức năng và của người dân, các nhà khoa học, các nhà quản lý có trách nhiệm...

“Nếu như anh (Hà Nội – PV) thực sự cầu thị, dân chủ thì người dân sẽ đóng góp cho các nhà quản lý rất nhiều, điển hình như công viên Thống Nhất, sông hồ Hà Nội, Cầu Long Biên, Đàn Xã Tắc, cổng chào Hà Nội.... Rõ ràng người dân tham gia đóng góp đã đỡ đi rất nhiều phí phạm và làm cho Hà Nội trở thành thành phố có giá trị. Một thành phố mà người dân có trách nhiệm chung tay cùng với các bên xây dựng thành phố của mình”, ông Ánh bày tỏ quan điểm.

Vũ Điệp (ghi)