– Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định phản ứng của Bộ Y tế với dịch sởi là kịp thời khi ban hành rất nhiều công văn chỉ đạo, đề nghị UBND các cấp huy động chính quyền vào cuộc chống dịch sởi. Tuy nhiên ông Long thừa nhận “chuyện nóng về chỉ đạo, lạnh về triển khai thực hiện là có ở một số nơi”.
Chiều 18/4, Bộ Y tế lần đầu tiên tổ chức họp báo để thông tin về tình hình phòng chống dịch sởi. Rất nhiều câu hỏi báo chí đặt ra xoay quanh vấn đề công bố dịch, phản ứng của Bộ Y tế, số mắc và tử vong thực tế là thế nào, biện pháp ngăn chặn dịch lây lan, …
Bộ Y tế đã phản ứng kịp thời?
Trả lời câu hỏi về việc vì sao không công bố dịch sởi, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết không công bố dịch sởi không có nghĩa là không có dịch và không triển khai biện pháp phòng chống. Quy định hiện nay nói rất rõ 1 ổ dịch có 3 trường hợp trở lên mà 2 trường hợp dương tính là đã thông báo có dịch. Với căn cứ này thì Việt Nam đã có dịch sởi.
Ông Long cho biết hiện nay nhiều nước không dùng từ “công bố dịch” mà dùng từ “thông báo dịch”. Nếu dịch bệnh diễn ra, quốc gia không thể kiểm soát được thì sẽ là thông báo tình trạng khẩn cấp hoặc công bố dịch. Khi đó sẽ áp dụng các biện pháp hành chính chặt chẽ như đóng cửa trường hợp, hạn chế họp chợ, giao thông, cưỡng chế và cách ly.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi họp báo đầu tiên của Bộ Y tế để thông tin về tình hình phòng chống dịch sởi |
Về phản ứng của Bộ Y tế được cho là chậm, khiến dịch sởi lan tràn, gây hậu quả làm chết 112 trẻ (kể cả trẻ bị bội nhiễm), ông Long thông tin: Ngay khi xảy ra các vụ dịch lẻ tẻ ở 3 tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Y tế đã yêu cầu triển khai ngay biện pháp ngăn chặn từ cuối 2013. Khi dịch lan ra 4 tỉnh khác (trong đó có cả Hà Nội và TP HCM) thì Bộ đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện tiêm vét ngay. Đây được đánh giá là quyết định “khá mạnh”.
Lập 5 đoàn kiểm tra việc chống dịch và điều trị sởi của Hà Nội và TP HCM Ngay trong ngày 18/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra công tác điều trị và phòng, chống dịch sởi tại Hà Nội và TP HCM nhằm khắc phục tình trạng quá tải, giảm tử vong và giảm số ca mắc. Cũng trong ngày 18/4, Bộ trưởng Tiến đã dồn dập ra nhiều văn bản như: Yêu cầu tất cả các địa phương trong cả nước quyết liệt triển khai các biện pháp khống chế dịch sởi và yêu cầu báo cáo bệnh sởi theo ngày.
|
“Bộ cũng có rất nhiều công điện, đề nghị UBND các cấp huy động chính quyền vào cuộc phòng chống dịch sởi nhưng đúng là có chuyện nóng về chỉ đạo, lạnh về mặt triển khai thực hiện ở một số nơi. Ngay ngày mai Bộ sẽ công bố số tỉnh và tỉ lệ tiêm chủng để dư luận biết các nơi đã thực hiện như thế nào”, Thứ trưởng nói.
Tuy nhiên, cần lưu ý trong cuộc họp trực tuyến ngày 8/4 tại Cục Y tế dự phòng, số liệu báo cáo, thống kê được Bộ Y tế đưa ra cho thấy dịch sởi lúc này đã “hạ nhiệt” với số mắc trong tuần thứ 14 của năm 2014 chỉ còn 24 ca. “Đỉnh dịch” được Bộ nhận định là đã qua trước ngày 8/4 tới 4 tuần (vì rơi vào tuần thứ 10) với 305 ca mắc.
Nhưng trên thực tế, đúng lúc này thì dịch đang nóng nhất với hơn 200 ca điều trị nội trú ở BV Nhi Trung ương, hơn 100 ca điều trị tại BV Xanh Pôn (Hà Nội), mỗi ngày có trung bình khoảng 40 bệnh nhân nhập viện Nhi TƯ vì sởi, chưa kể các BV khác.
Từ thời điểm 8/4 đến nay dịch chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn “nóng” hơn và thực tế là số liệu báo cáo của Bộ Y tế từ sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến BV Nhi cũng đã nói lên điều đó. Hiện số sốt nghi sởi đã là hơn 8.700, gần 3.500 ca dương tính với 112 ca tử vong do sởi và liên quan sởi.
Không hiểu việc thu thập thông tin của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh từ các địa phương được thực hiện như thế nào? Liệu đây có phải là lý do khiến Bộ không đánh giá được chính xác diễn biến dịch bệnh trong thực tế dẫn đến bị động trong đối phó khi dịch ở thời điểm cao trào?
Bộ Y tế không giấu thông tin?
Lý giải về việc tại sao con số tử vong lúc đầu được công bố là 25 nhưng sau đó lại là 112, cả ông Nguyễn Văn Kính – GĐ BV Bệnh Nhiệt đới TƯ và ông Nguyễn Thanh Long đều khẳng định không có chuyện “tiền hậu bất nhất” trong công bố số liệu trẻ tử vong bởi cần phải phân tách rõ các ca tử vong hoàn toàn do sởi và các ca tử vong có liên quan đến sởi.
“Tất cả các thông tin đều minh bạch, không phải chỉ lần này mà cả những lần khác, chưa bao giờ Bộ Y tế giấu thông tin, kể cả những ca nghi mắc cũng được báo cáo đầy đủ”, ông Long khẳng định.
BV Nhi TƯ đang quá tải bệnh nhân sởi |
Theo ông Long, điều quan trọng nhất bây giờ không phải là quá lưu ý vào số liệu và đồn đoán mà phải hướng dẫn cộng đồng, tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả, tổ chức tiêm chủng tốt để ngăn chặn dịch lây lan.
“Có những gia đình được gửi giấy mời tiêm chủng 2 lần nhưng từ chối tiêm chủng”, Thứ trưởng Long nói. Theo ông Long, từ năm 1985 tới nay, tiêm chủng đã giúp 44 triệu trẻ em Việt Nam không bị mắc sởi.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết số ca mắc và nhập viện điều trị do sởi bắt đầu có xu hướng chững lại. Hiện còn 50 cháu phải thở máy.
Ông Điển cho biết những cháu đã đến giai đoạn ban thoái lui, giảm sốt, tỉnh táo, ho nhẹ thì không nên giữ ở viện mà nên cho cháu về nhà.
Ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi Ngày 18/4, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi. Ngoài các hướng dẫn chuyên môn, Bộ Y tế cho biết tuyến xã, phường sẽ tư vấn, chăm sóc và điều trị người bệnh không có biến chứng. Tuyến quận, huyện chăm sóc người bệnh có biến chứng hô hấp nhưng không có suy hô hấp. Còn tuyến tỉnh sẽ chăm sóc cho tất cả người bệnh mắc sởi có biến chứng, trường hợp vượt quá khả năng xử lý sẽ chuyển tuyến Trung ương đảm nhận.
|
Cẩm Quyên