- Xem nội dung giao lưu trực tuyến “Làm gì để phòng, chống dịch sởi hiệu quả” với sự tham gia của các chuyên gia thuộc Bộ Y tế và các Bệnh viện đầu ngành về truyền nhiễm, hô hấp.
Khách mời buổi giao lưu: |
Con tôi đã tiêm phòng mũi Sởi Quai bị rubbela loại MMR lúc 12 tháng tuổi. Bác sỹ hẹn lịch tiêm 2017 mới tiêm nhắc lại vậy tỷ lệ phòng ngữa là bao nhiêu phần trăm. Tiến sỹ Lương Y nguyễn Hoàng viết trên báo là mùi, hạt mùi có thể phòng chống bệnh sởi. Tại sao nhiều báo và cả ti vi lại nói là không. Như thế là ai đúng. Còn có người bảo dùng đông y có thể chữa được sởi, những ca trả về cũng chữa được tại sao ko cứu lấy trẻ nhờ đông y. Xin trả lời
PGS.TS Trần Như Dương: Cháu đã được tiêm vacxin MMR lúc 12 tháng tuổi là đúng lịch. Trong khi có dịch sởi nếu có điều kiện anh có thể cho cháu đi tiêm mũi 2 sớm hơn so với lịch hẹn với điều kiện mũi 2 phải cách mũi 1 ít nhất là 1 tháng. Chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định hạt mùi có tác dụng trong phòng và điều trị bệnh sởi. Hiện nay, tại các bệnh viện cũng hết sức chú trọng đến việc kết hợp điều trị Đông Tây y cho các bệnh nhân.
PGS.TS Trần Như Dương (áo trắng đang trả lời độc giả) - Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thưa BS, những trẻ bị bệnh sởi sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe sau này thưa ông?
PGS.TS Bùi Vũ Huy: Về mặt lý thuyết, virus sởi là loại virus sau khi mắc bệnh có thể gây ảnh hưởng đến khả năng đề kháng của cơ thể. Vì vậy, người mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em, có nguy cơ bội nhiễm thêm một số bệnh do vi khuẩn khác, như: lao, tiêu chảy kéo dài, những bệnh kế tiếp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu.
Những năm 80 của thế kỉ trước, bản thân tôi đã gặp những hậu quả này. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế đất nước chúng ta đã tốt, điều kiện ăn uống, chăm sóc sức khỏe đã được cải thiện rất nhiều. Vì vậy các hậu quả trên hiếm gặp. Theo ý kiến của tôi, khi trẻ bị bệnh cần cố gắng chăm sóc tốt để sức khỏe các cháu hồi phục nhanh. Chúc anh/chị thành công!
Thưa bác sỹ cho em hỏi là con em bị sốt nhẹ và sốt 3 ngày thì hạ sốt bây giờ chỉ còn ho. Sau khi hạ sốt em có theo dõi 2 ngày nay chưa thấy bé lên mụn. Bác sỹ cho em hỏi bé có triệu chứng của sởi không?Và em đã tiêm phòng sởi rồi và vẫn cho con bú mẹ, vậy bé có nguy cơ bị sởi không? Bé uống thuốc kháng sinh sau 5 ngày bé có tiêm phòng vacsxin sởi được không? Và có làm giảm tác dụng của vacxin sởi hay không ạ? Em cám ơn bsy
TS Phạm Thanh Thủy: Theo như những triệu chứng bạn mô tả, thì bé nhà mình không bị sởi vì sởi thường kéo dài 1 tuần và phải có phát ban.
Nếu mẹ đã tiêm phòng sởi và có cho con bú, thì cháu bé cũng có khả năng có miễn dịch một phần. Tuy nhiên để đảm bảo cho con không bị sởi thì cần phải cho bé tiêm phòng theo lịch của y tế phường.
Hạ Thị Thu Hải , Nữ - 30 Tuổi
Em có bé đã sống cùng, ăn ngủ chung với 1 bé khác đang bị bệnh sởi trong vòng 2 ngày cách đây 8 ngày. Cháu đã tiêm 1 mũi 3 trong 1 lúc 14 tháng, bây giờ cháu được gần 19 tháng tuổi. Hiện sức khỏe cháu bình thường, hôm thứ 7 ngày 19/4/2014 cháu có tiêm mũi Viêm não Nhật Bản lần 2 ở TTYT phường, họ mời ngày mai 22/4/2014 đi tiêm mũi sởi 2 cho cháu. Xin bác sỹ cho lời khuyên cháu có đi tiêm mũi sởi ngày mai được k0, nguy cơ cháu có thể bị bệnh và xin bác sỹ tư vấn cho bố mẹ cháu nên làm gì lúc này? Xin cảm ơn các bác sỹ và tòa soạn!
Thứ hai, cháu đã được tiêm 1 mũi thì cũng đã có miễn dịch bảo vệ mức độ nhất định, nhưng vẫn có nguy cơ mắc sởi sau khi tiếp xúc với 1 bé khác bị sởi. Gia đình cần theo dõi cháu xem có bị sốt và phát ban hay không trong vòng 3 tuần kể từ khi tiếp xúc với bé bị sởi. Nếu cháu có các biểu hiện sốt và phát ban thì cần đi khám ngay để xác định cháu có bị lây sởi trong hoàn cảnh chưa đầy đủ miễn dịch hay không.
Bệnh sởi khi có miễn dịch 1 phần thì thường sẽ nhẹ hơn so với sởi ở người chưa có miễn dịch.
Lê Trang , Nữ - 26 Tuổi
Vì sao căn bệnh vốn được cho là lành tính này lại bỗng trở nên nguy hiểm như vậy?
PGS.TS Bùi Vũ Huy: Trước khi trả lời câu hỏi của chị, tôi xin giới thiệu qua 1 chút về bản thân để chị hiểu. Bản thân tôi đã làm công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân trên 30 năm, tôi cũng tham gia chăm sóc và điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Bất kể bệnh nào, theo kinh nghiệm của tôi, cũng có một tỉ lệ nhất định những biến chứng nặng hoặc bệnh diễn biến nặng.
Tình huống này hay gặp ở trẻ nhỏ hoặc người già, hoặc ở những người đang có bệnh mãn tính. Bệnh sởi là bệnh do virus gây nên, và thường tự ổn định. Tuy nhiên các biến chứng có thể xảy ra đối với những cá thể như trên.
Chính vì vậy theo ý kiến của tôi, chúng ta không nên coi thường bất cứ bệnh nào. Hơn nữa, Tổ chức y tế thế giới cũng như Bộ Y tế đã phải chi rất nhiều tiền để tiêm vắc xin sởi nhằm phòng chống loại bệnh này. Vì vậy, chúng ta cũng không nên coi thường bệnh sởi.
Con trai cháu tiêm mũi tổng hợp sởi quai bị rubella lúc 1 tuổi 2 ngày( cách đây 12 ngày), sau khi tiêm được 7 ngày cháu bị nóng 2 ngày đến ngày thứ 3 thì cháu bị sốt nhẹ, 2 ngày sau thì chỉ hâm hấp nóng và nổi ban nhẹ ở lưng và chỗ cạp bỉm quần, cháu rất lo lắng vì không biết có bị sởi không hay chỉ là phản ứng sau khi tiêm vác xin, vì cháu có tìm hiểu về vác xin này được biết là sau 7-10 ngày trẻ sẽ sốt và phát ban nhẹ nhưng làm mẹ lần đầu chưa có kinh nghiệm mong các bác sĩ trả lời giúp cháu.
PGS.TS Trần Như Dương: Cũng giống như các vacxin khác, sau khi tiêm vacxin sởi, trẻ cũng có những phản ứng sau tiêm. Một trong những biểu hiện đó có thể là sốt nhẹ và nổi ban ít. Các triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, chị cần phải theo dõi sức khỏe của cháu nếu cháu có sốt cao, mọc nhiều ban kèm theo chảy nước mắt, mắt đỏ, nhiều gỉ mắt thì chị cần phải đưa cháu đến y tế cơ sở được khám và tư vấn tiếp vì có trường hợp trẻ có thể đã bị nhiễm bệnh trước khi tiêm phòng.
Con trai tôi được 16 tháng tuổi, đã tiêm phòng vacxin sởi lúc 9 tháng tuổi. Xin hỏi Bác sỹ, con tôi có nguy cơ lây sởi không và chưa đủ 18 tháng tuổi thì có nên tiêm phòng sởi mũi 2 không? Xin cảm ơn Bác sỹ !
Tôi có một câu hỏi xin Bác sĩ Thủy giải đáp giúp đó là: Hiện nay, cháu gái nhà tôi đã được 7 tháng tuổi và khi mang thai mẹ cháu đã tiêm phòng vắc xin sởi. Nhưng dịch sởi đang rất nghiêm trọng nên bây giờ tôi muốn tiêm phòng vắc xin sởi ngay cho cháu (mà không đợi đến cháu được 9 tháng tuổi) có được hay không ? Cảm ơn bác sĩ.
Trần Bích Nga , Nữ - 25 Tuổi
Con cháu đã tiêm 1 mũi sởi, cháu có nên đưa con đi xét nghiệm xem có kháng thể chống bệnh sởi không ạ ?
Lê Thị Thanh Mai , Nữ - 36 Tuổi
Bé nhà tôi sinh T10/2011. T9/2012 cháu được tiêm mũi sởi đơn. Đến T4/2013 cháu được tiêm mũi sởi - quai bị - rubela. Xin Bác sĩ cho biết cháu tiêm như vậy là đã đủ liều 2 mũi chưa? Nếu chưa đủ liều thì cháu cần tiêm tiếp mũi sởi đơn hay sởi - quai bị - rubela? Cảm ơn bác sĩ.
TS Trần Như Dương: Trong trường hợp cháu nhà chị như vậy đã được coi là tiêm đủ 2 mũi vacxin phòng sởi. Như vậy, cháu có khả năng được bảo vệ phòng chống bệnh sởi.
Xin cho hỏi các bác là tại sao nguy cơ lây chéo lại cao như vậy. Nhiều bé bị nhẹ rồi tới bệnh viện lại bị nặng thêm. Làm thế nào để giảm nguy cơ lây chéo giữa các bé. Bộ Y tế tại sao giờ này vẫn chưa công bố dịch?
PGS.TS Bùi Vũ Huy |
Trong các bệnh truyền nhiễm có nhiều bệnh lây theo đường hô hấp (như sởi, cúm, ...), có nhiều bệnh lây theo đường tiêu hóa (như tả, lỵ, ....) hoặc có những bệnh lây theo đường niêm mạc (như viêm não Nhật bản, bệnh dại, ...).
Trong các đường lây nhiễm trên, đường hô hấp là đường có khả năng lây truyền mạnh và cao nhất. Điều này đã được nền y học thế giới ghi nhận, đặc biệt là trong các vụ dịch cúm, sởi, ... Chúng ta nên hiểu rằng lây theo đường hô hấp xảy ra ngay cả khi chúng ta cười, nói chuyện, các mầm bệnh sẽ bắn ra môi trường qua nước bọt, sẽ lan ra môi trường xung quanh.
Tình trạng nhiều cháu nhẹ đến bệnh viện lại nặng thêm tôi xin trao đổi như sau: Chúng ta nên hiểu rằng khi các cháu mới bị bệnh thì thường bệnh chưa nặng ngay. Trong các bệnh do virus thì bệnh thường nặng và biểu hiện rõ vào ngày thứ 3-4 của bệnh. Tôi hi vọng chị có thể hiểu được tình huống này. Và cũng lưu ý rằng các biến chứng sau nhiễm virút cũng làm tình trạng bệnh nặng trở lại.
- Để giảm nguy cơ lây chéo chúng ta nên thường xuyên nghe các thông tin phổ biến kiến thức và cố gắng áp dụng đầy đủ cho người thân và gia đình để hạn chế nguy cơ lây chéo.
- Vì sao Bộ chưa công bố dịch? Bản thân tôi mỗi khi có dịch xảy ra, với tư cách là người thầy thuốc, tôi cũng rất muốn thông báo và tư vấn cộng đồng để chăm sóc và cùng phòng chống dịch. Điều này sẽ hạn chế được quá tải, hạn chế được lây chéo cũng như hạn chế được những vất vả mà cán bộ y tế có thể tránh được.
Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố chi phối vấn đề thông báo dịch. Ví dụ như ở mức độ nào đó có thể gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, có thể ảnh hưởng đến kinh tế đất nước... Vì vậy, có lẽ các nhà quản lý phải cân nhắc kỹ vấn đề này. Đây là ý kiến của riêng tôi. Tôi mong rằng chúng ta cùng hiểu và hợp tác.
TS Phạm Thanh Thủy đang trả lời độc giả - Ảnh: Lê Anh Dũng |
Can Tuan , Nữ - 20 Tuổi
Các dấu hiệu của bệnh sởi?
- Dịch tễ: Có tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc ở địa phương đang có dịch sởi.
- Sau 2-3 ngày xuất hiện ban sởi: Ban mọc từ mặt lan xuống thân và chân tay trong thời gian 3 ngày tiếp theo. Trong khoảng thời gian này bệnh nhân thường sốt rất cao và mệt mỏi, có thể có tiêu chảy.
Một số bệnh nhân có thể có biến chứng hô hấp hoặc viêm não (hiếm hơn).
Khi có các biểu hiện nghi sởi nên đưa người bệnh đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phùng Kim Dung , Nữ - 35 Tuổi
Chào Bác sĩ! Em có 1 cháu bé 28 tháng tuổi, đã chích ngừa 1 mũi Sởi - quai bị - Rubella lúc bé 18 tháng, hiện em đang ở TPHCM, do phải đi công tác ra Hà Nội vào thời điểm cuối tuần này, ngày 24/4/2014 và phải mang theo cháu bé. Bác sĩ tư vấn giúp em, em mang cháu theo có thể yên tâm được không? cần phải làm gì để đảm bảo an toàn tốt nhất cho cháu bé. Em cám ơn Bác sĩ nhiều!
PGS.TS Trần Như Dương: Cháu đã được tiêm vacxin sởi, quai bị, rubella mũi 1 vào lúc 18 tháng tuổi là rất tốt. Việc phải đưa cháu đi theo mẹ trong điều kiện thực tế của chị cũng không phải quá lo lắng.
Trong chuyến công tác, chị không nên đưa cháu đến những chỗ đông người, những chỗ có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh sởi như bệnh viện, phòng khám...nơi đang thu dung và điều trị bệnh nhân sởi nếu không cần thiết. Chị và cháu tuyệt đối không tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc các trường hợp sốt phát ban. Chị chú ý đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng và chế độ nghỉ ngơi tốt cho cháu, chú ý giữ gìn trẻ không bị nhiễm lạnh. Chúc 2 mẹ con chị có chuyến công tác thành công.
Làm thế nào để phòng tránh bệnh sởi?
TS Phạm Thanh Thủy: Các biện pháp phòng tránh bệnh sởi:
- Tiêm phòng vacxin là biện pháp phòng bệnh sởi một cách chủ động và hiệu quả nhất. Cần tiêm phòng vacxin sởi đúng lứa tuổi và đủ liều theo khuyến cáo của y tế dự phòng. Khi tiêm phòng thì mỗi cá nhân sẽ bảo vệ được bản thân và làm giảm được sự lây lan sởi trong cộng đồng.
Nguyễn Lan Anh , Nữ - 35 Tuổi
Con tôi tiêm mũi đầu tiên là vắc xin sởi 3 trong 1 từ 14 tháng tuổi, lịch hẹn tiêm mũi tiếp theo là năm 2018. Nay rất nhiều ý kiến cho rằng trong lúc có dịch thì vẫn cần tiêm ngay mũi thứ 2. Vậy tiêm như vậy liệu có ảnh hưởng gì và nếu được thì vẫn phải dùng loại vắc xin cho 3 bệnh sởi, quai bị, rubella?
Vu Hong Thom , Nữ - 32 Tuổi
Tôi thường xem các bài báo trên Internet thì có bài viết là: Nốt ban do sốt phát ban thì gồ lên mặt da và ban sởi thì mịn, có bài viết ngược lại vì thế là người dân chúng tôi ko biết phân biệt thế nào cho đúng. Xin các bác sỹ xác nhận rõ về việc phân biệt sốt phát ban và sởi? Xin cảm ơn!
Con tôi gần 11 tháng tuổi, tôi có cho cháu đi tiêm phòng sởi nhưng cán bộ tiêm phòng không cho tiêm vì phải sau 15 ngày uống thuốc mới được tiêm. Nay dịch cúm nhiều, chưa chờ được 15 ngày cháu lại cúm nên lại phải uống. Vậy xin hỏi: Có đúng có quy định như vậy không? Nếu cứ tiêm thì sao ví trước đây vẫn tiêm bao nhiêu năm sao không thấy cấm? Xin giải thích rõ vì chúng tôi đang rất lo lắng
PGS.TS Trần Như Dương: Hiện nay, Bộ Y tế và Dự án tiêm chủng mở rộng đang thực hiện tăng cường an toàn tiêm chủng trong đó hết sức chú trọng đến việc khám sàng lọc chỉ định trước tiêm chủng.
Trường hợp cháu đến các cơ sở y tế được khám sàng lọc và thực hiện các tạm hoãn tiêm chủng hoặc chống chỉ định tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế mà y tế cơ sở đang thực hiện là đúng quy định. Chị cần làm theo các hướng dẫn của cán bộ y tế để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho cháu.
Cháu tôi bị sốt đã 4 ngày, đầu và trán cháu mọc rất nhiều nốt mẩn đỏ, mắt đau, sưng và miệng cháu cũng rất nhiều nốt. Các nốt mẩn khiến cháu ngứa ngáy. Miệng cháu khi ăn kêu đau. Cháu còn bị đi ỉa chảy nhưng ko quá nhiều nước, phân có lúc hoa cà, hoa cải và mỗi lần đị cháu kêu đau bụng. Gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện khám, cháu chỉ bị chảy nước mũi nhưng phổi bình thường. Bác sỹ cho về và hẹn 2 ngày sau đến nhận kết quả. Xin Bác sỹ cho biết cháu có phải bị sởi không, và trong khi chờ kết quả thì gia đình tôi phải làm thế nào?
Lã Thủy , Nữ - 23 Tuổi
Thưa BS Thủy, có cách hữu dụng phòng bệnh sởi nào khi chưa kịp tiêm phòng không ạ?
Lieu , Nữ - 33 Tuổi
Tôi có hai con nhỏ cháu lớn 4 tuổi và cháu nhỏ 32 tháng, cả hai cháu mới được tiêm vacxin sởi từ lúc 9 tháng và 11 tháng, tôi muốn biết khả năng phòng bệnh của các cháu là bao nhiêu % ?
Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vacxin sởi đúng lịch để đảm bảo phòng chống bệnh sởi.
PGS.TS Trần Như Dương |
Chào bác sĩ! Bé nhà em đã tiêm vacxin sởi mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi, hiện nay cháu chưa được 18 tháng. Tôi có thể cho cháu tiêm mũi 2 trước khi cháu được 18 tháng hay không? Cháu bị rôm nhiều ở lưng và hay bị dị ứng ngứa thì có nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi không. Có cách nào phòng ngừa hay chữa trị rôm sảy trong mùa hè không ạ? Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ và Quý báo VietNamNet.
PGS.TS Trần Như Dương: Trường hợp của cháu tiêm mũi 1 lúc 9 tháng tuổi là đúng lịch. Theo lịch của dự án tiêm chủng mở rộng thì đến 18 tháng tuổi cháu sẽ được tiêm mũi 2. Tuy nhiên, trong trường hợp chị Khanh muốn cho cháu đi tiêm sớm hơn thì phải đảm bảo mũi 2 cách mũi 1 ít nhất là 1 tháng và chị có thể đưa cháu tới các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn cụ thể hơn.
Biểu hiện rôm sẩy là biểu hiện thường thấy ở trẻ nhỏ và biểu hiện này không có liên quan đến việc tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi. Chị có thể đưa cháu đến các phòng khám da liễu để các bác sĩ chuyên khoa có thể khám, tư vấn thêm.
VietNamNet