- Trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 25/4, nhiều lần chủ tọa phiên tòa nhắc đến chuyện bán sắt vụn ụ nổi 83M.
Theo hồ sơ, trong khi Dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có Quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Dương Chí Dũng đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại Bà Rịa- Vũng Tàu.
Ụ nổi được mua với giá 9 triệu đô, giờ bán sắt vụn còn...49 tỷ |
Triển khai dự án, trên cơ sở thư chào bán ụ nổi của Cty AP, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều đã hợp pháp hóa các thông tin về tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M không đúng thực tế.
Tuy biết được giá chào hàng của Cty Nakhodka, Liên bang Nga là dưới 5.000.000 USD, nhưng Dương Chí Dũng vẫn ký Quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M của Cty AP với giá 9.000.000 USD.
Cơ quan điều tra làm rõ, tính đến ngày 17/5/2012, các bị can đã gây thiệt hại cho Vinalines hơn 366 tỷ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Tổng Cty Hàng hải VN cho hay: Ụ nổi 83M hiện đã bị Chính phủ đình chỉ triển khai dự án và tiến tới, dự án sẽ không tiếp tục thực hiện được.
Cũng theo cán bộ của Tổng Cty Hàng Hải VN, ụ 83M hiện đang neo đậu ở Đồng Nai, có một đội bảo vệ của Cty sửa chữa tàu biển Vinalines bảo vệ.
Tại thời điểm này, bình quân mỗi tháng phải chi phí cho ụ tiền neo đậu và trông coi ước chừng 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Về phương án xử lý ụ nổi này, đã đi đến thống nhất để Tổng Cty Hàng hải bán để thu hồi vốn. Tuy nhiên vì ụ nổi 83M là tang vật vụ án nên phải chờ phán quyết của Tòa xong mới có thể bán.
Tại phiên phúc thẩm xử Dương Chí Dũng và đồng phạm, chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện Tổng Cty Hàng hải VN: Nhiều phương án được đặt ra để xử lý ụ nổi, trong đó kinh doanh không được, bán sắt phế liệu cũng là phương án được đưa ra đúng không?
Và câu trả lời là: “Bối cảnh suy thoái, nên thị trường không có nhu cầu mua ụ nổi.”
Đại diện VKSND Tối cao thì cho rằng, thiệt hại từ việc mua về ụ nổi cũ nát, tính đến thời điểm 17/5/2012, Nhà nước đã phải chi ra trên 300 tỷ đồng. Nhưng tính đến thời điểm bây giờ thì con số đó còn nhiều hơn nữa.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, đại diện Tổng Cty Hàng hải cho biết thêm: Trước đây, Tổng Cty Hàng hải VN có báo cáo về việc mua ụ nổi, trong đó đã đưa ra các phương án liên doanh, tự khai thác, thanh lý ụ nổi.
Trong các phương án tham khảo đưa ra có cả phương án - bán sắt vụn ụ nổi. Và theo định giá bán sắt vụn, ụ nổi trị giá chừng 49 tỷ đồng.
“Có thể chúng tôi chờ thị trường khởi sắc hơn sẽ bán, không thể bán giá sắt vụn được”, lời đại diện Tổng Cty Hàng hải VN.
Để bảo quản ụ nổi 83M, hiện Tổng Cty Hàng hải VN phải ký hai hợp đồng là hợp đồng neo đậu và hợp đồng trực sự cố xảy ra. Hai hợp đồng này “ngốn” của Vinalines trên dưới 1 tỷ đồng mỗi tháng.
“Và vì không có tiền thanh toán hợp đồng, phía đối tác đang dọa cắt hợp đồng”, đại diện Tổng Cty Hàng hải VN cho hay.
T.Nhung