- Ngày 29/4, cả nước ghi nhận 33 ca mắc sởi, số bệnh nhân nhập viện mới giảm nhiều nhưng số đang điều trị không giảm do nhiều ca nặng, nằm viện dài ngày.
Sẽ vẫn có tử vong do còn nhiều ca nặng
Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2014 đến 29/4 cả nước ghi nhận 3.784 trường hợp mắc sởi xác định trong số 11.799 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 130 trường hợp tử vong liên quan đến sởi.
Hiện nay, số bệnh nhân nhập viện mới có xu hướng giảm nhưng điều đáng ngại là vẫn có nhiều trẻ đang điều trị trong tình trạng nặng, phải thở máy dài ngày, nguy cơ tử vong cao.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát công tác điều trị sởi tại BV Đức Giang (Hà Nội) sáng 30/4 - Ảnh: V.Đ.T. |
Tại điểm nóng của dịch sởi năm nay là Hà Nội, tình hình dịch cũng đã chững lại nhưng vẫn ở mức cao.
Báo cáo với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chuyến thị sát công tác điều trị sởi tại một số bệnh viện vào sáng nay (30/4), lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết ngày 29/4 trên địa bàn có 142 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện, số ra viện là 178 ca, không có trường hợp nào tử vong có liên quan đến sởi.
Tại BV Xanh-Pôn, BV Thanh Nhàn, BV ĐK Đức Giang và Trung tâm y tế quận Long Biên không còn tình trạng quá tải, người bệnh không phải nằm ghép và số bệnh nhân nhập viện cũng đang theo xu hướng giảm.
Kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin sởi phòng chống dịch và tiêm vét vắc xin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 29/4/2014 là 83,9%, tăng 5,6% so với ngày 28/4/2014. Trong đó, khu vực miền Bắc có tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi cao nhất là 94,8%, tiếp đến là khu vực miền Trung (87,8%), Tây Nguyên (84,8%) và miền Nam (69,4%)
Ngày lễ bệnh viện làm như ngày thường
Hiện BV Nhi Trung ương hiện đang điều trị cho 240 bệnh nhân sởi, trong đó có nhiều ca nặng phải thở máy ròng rã nhiều ngày nay, có ca phải chạy ECMO (hệ thống tim phổi ngoài cơ thể tại giường) do tình trạng bệnh phức tạp.
Trong ngày 29/4, có 32 bệnh nhân nghi sởi nhập viện điều trị tại BV này.
Ngày nghỉ lễ, cán bộ y tế tại các BV vẫn làm việc như ngày thường để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người bệnh - Ảnh: V.Đ.T. |
Đó là chưa kể tới hơn 400 (trong tổng số khoảng 1.200) các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh khác cũng đang điều trị nội trú ở trong tình trạng nặng, cần can thiệp đặc biệt.
Do đó, trong những ngày nghỉ lễ, lượng công việc vẫn rất nhiều. Ông Lê Thanh Hải, GĐ BV Nhi Trung ương cho biết do yêu cầu công việc ở thời điểm này nên dù kì nghỉ này kéo dài 5 ngày song cán bộ nhân viên toàn bệnh viện vẫn đi làm như ngày thường.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở BV Bạch Mai, Nhiệt đới TW – nơi đang điều trị cho 150 bệnh nhân sởi và ngày nào cũng có thêm người nhập viện vì sởi.
Chiều tối ngày 29/4 Bộ Y tế đã tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi về phòng, chống dịch sởi nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch sởi, sẵn sàng chuẩn bị phòng chống dịch trong những ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5, đồng thời phân công cán bộ theo dõi, giám sát tình hình dịch và trực chống dịch trong những ngày nghỉ lễ để sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch.
Khuyến cáo phòng chống lây nhiễm sởi dịp 30/4 - 1/5: Để chủ động phòng chống lây nhiễm dịch sởi trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Bộ Y tế khuyến cáo người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc sởi (như sốt, ho, khó thở, phát ban) thì không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Người dân không nên đưa trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi đến những nơi tập trung đông người; tăng cường dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ. Trong quá trình đi du lịch, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, phát ban, đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan. |
Cẩm Quyên
Toàn cảnh gồng mình chống dịch sởi Tính đến ngày 17/4, số ca sốt phát ban nghi do sởi đã tăng lên mức 8.521 ca với 3.136 ca dương tính với sởi và 112 ca tử vong. |