- Xung quanh thông tin “Tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên, lương hưu sẽ giảm xuống”, hầu hết ý kiến độc giả đều cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu thì cơ hội nào cho thế hệ trẻ có năng lực, nhiệt huyết, sức khỏe...cống hiến?.

Rào cản cho người trẻ

Tuổi nghỉ hưu liên quan mật thiết đến hiện trạng việc làm của xã hội. Theo ý kiến nhiều bạn đọc, nếu lực lượng lao động trên 60 tuổi vẫn làm việc thì người đến độ tuổi lao động sẽ không có việc làm. Đó là một hệ quả khó thể chối cãi. Thực tế hiện nay người ở độ tuổi lao động thất nghiệp khá cao sẽ phải giải quyết như thế nào?

"Tuổi trẻ sẽ mất cơ hội cống hiến", đó là khẳng định của độc giả Hoài An. Bạn đọc này phân tích: "Nhiều sinh viên đại học, trên đại học tốt nghiệp từ trong và ngoài nước nếu có tâm nguyện về nước làm việc nhưng sẽ không có nhiều cơ hội bởi biên chế nhà nước có hạn. 

Mất cơ hội là đẩy những thành phần này vào cho các công ty tư nhân trong và ngoài nước. Khoa học càng ngày càng tiến bộ, phải cập nhật kiến thức mới, bắt nhịp cùng với các cường quốc trên thế giới và khu vực. Lớp tuổi trên 60 có thể làm được chuyện này chăng?".

{keywords}

Chi trả lương hưu tại Bưu điện văn hóa xã Bình Tận, TP. Tân An, Long An (Ảnh minh họa: Lao động)

Độc giả Lê Xuân Hoàn cũng đồng tình: "Nếu làm bài toán so sánh một người nghỉ hưu sẽ mang lại cơ hội cho 02 sinh viên mới tốt nghiệp có việc làm (tính một chuyên viên nghỉ hưu lương 4,98 mà chuyên viên mới ra trường lương khởi điểm 2,34). Tình hình đất nước hiện nay sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đi gõ cửa khắp nơi chỉ được trả lời là "không có chỉ tiêu biên chế"".

Trong khi đó, nhiều độc giả ở độ tuổi trung niên đã bày tỏ sự mỏi mệt khi nếu phải tăng tuổi hưu.

Độc giả ở email: landao...@yahoo.com.vn chia sẻ: "Tôi là giáo viên năm nay 53 tuổi sức khỏe giảm sút. Mắt mờ, chân đau sau 30 năm đứng lớp, nếu chờ 60 tuổi mới được nghỉ hưu thì không biết có đủ sức khỏe mà công tác nữa không?"

"Người già không nắm bắt CNTT bằng thanh niên và sức khỏe càng ngày càng yếu đi. Đơn cử trong cơ quan của tôi, nhiều ông chưa quá 50 đã rệu rã vì rượu bia... Nhiều anh nhiều chị trốn công việc đi tập vật lý trị liệu, khám bệnh và đương nhiên công việc chuyên môn bị đình trệ", bạn đọc Nguyễn Thị Trúc Đoàn khẳng định.

Ở một góc độ khác, bạn đọc Nguyễn Nguyên cho rằng: "Ban dự thảo luật BHXH đã bỏ qua một quy trình rất quan trọng - đó là điều tra XHH về tình trạng sức khoẻ người trên 60 tuổi.

Hãy lấy số liệu từ ngành Y tế 10 năm nay, số người trên 60 chiếm tỷ lệ mắc bệnh và chữa bệnh vào hàng cao nhất. Ở tuổi này, một loạt bệnh xuất hiện như tiểu đường, gút, máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, rối loạn tim mạch, loãng xương, thoái hoá sống lưng, sống cổ...vì vậy ở độ tuổi này phải để cho người lao động đi chữa bệnh và hồi sức chứ không thể buộc phải làm việc tiếp".

"Tôi 50 tuổi, cũng là nữ viên chức đang làm công tác văn phòng. Ở độ tuổi này cho dù tôi vẫn đang được đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ, thế nhưng tự sâu thẳm của riêng mình tôi vẫn cảm nhận được sự chồn chân, mỏi gối.

Tuổi tác đã xuất hiện trong tôi sự bằng lòng với hiện tại. Bản thân tôi cảm thấy mình nên rút lui ở tuổi 55 theo quy định để nhường chỗ cho thế hệ trẻ", độc giả Phan Thị Kim Dung chia sẻ trên báo Tuổi trẻ từ chính kinh nghiệm của bản thân.

Cùng chung suy nghĩ, một giáo viên khác cho biết: "Tôi công tác hơn 37 năm, chỉ mong ngày về hưu để được an dưỡng và nhường chỗ cho lớp trẻ. Ở lại, mỗi tháng công việc phù hợp, nhẹ nhàng mà lương tháng chục triệu, nhiều người mơ cũng chẳng có. Song 40 năm công tác là quá đủ rồi, giờ thì mắt mờ, nói trước quên sau trình độ lại không cập nhật như lớp trẻ".

Email lebichlan...@gmail.com, được gửi từ một giáo viên vùng cao, chị nói: "Những giáo viên vùng cao như chúng tôi đến tuổi này không thể leo núi đến lớp được nữa, bây giờ tôi mới có 45 tuổi mà đã muốn về hưu lắm rồi".

Quy định tuổi hưu nên linh hoạt

Bên cạnh những ý kiến phản đối, một bộ phận không nhỏ độc giả cũng đồng tình với ý kiến “Tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên, lương hưu sẽ giảm xuống”. Đa số đều đồng tình với lập luận: "Tuổi thọ trung bình của Việt Nam tăng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là hợp lý, phù hợp với cách mà các nước trên thế giới họ đã làm".

Email: dinhhoang...@yahoo.com nhấn mạnh: "Kinh tế - xã hội phát triển, sức khỏe, tuổi thọ con người ngày càng được nâng cao thì việc tăng tuổi làm việc là tất yếu, nếu không quỹ BHXH sẽ gặp khó. Tuổi thọ trung bình người Việt Nam hiện đã quá 71 tuổi (so với năm 1988 là 65 tuổi) thì tuổi lao động cũng phải tăng lên tương ứng".

Cùng vấn đề trên, độc giả Cao Minh lại cho rằng: "Chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhà khoa học đã có công trình ứng dụng vào thực tế hoặc ít nhất đã được tạp chí Khoa học Thế giới đăng tin. Còn các vị làm quản lý chung thì nên cho nghỉ hưu sớm để không làm kìm hãm sự năng động phát triển của giới trẻ".

Một độc giả khác cũng nêu quan điểm: "Nên có trần tuổi nghỉ hưu chung cho cả nam và nữ, tiếp theo đó là xem xét vai trò, vị trí của việc làm, ngành nghề độc hại và xem xét tính tự nguyện của người lao động.

Ví dụ nếu có tăng tuổi nghỉ hưu thì tăng đối với nhà nghiên cứu khoa học. Những người công nhân lao động trực tiếp môi trường độc hại, lao động vất vả muốn nghỉ hưu sớm thì có thể giải quyết theo nguyện vọng của họ."

Nhiều độc giả khác cũng hiến kế để vấn đề tuổi hưu, lương hưu được giải quyết một cách linh hoạt: "Theo tôi nên giảm tuổi nghỉ hưu đối với những cán bộ không hoàn thành tốt nhiệm vụ, năng lực hạn chế, sức khỏe yếu...""Theo tôi cứ 62 tuổi nghỉ hưu thì cũng được. Nhưng mấy sếp đang giữ chức vụ thì hãy chuyển chức vụ ấy sang người khác, lui về làm cố vấn và nhường cơ hội cho lớp sau....".

Những ý kiến này đều nhận được sự đồng thuận của nhiều người.

L.Lam