- Đến chiều 14/5, tình hình tại Bình Dương đã dần ổn định, tuy nhiên nhiều các công ty tuyên bố tạm thời đóng cửa.
Báo cáo sơ bộ của UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong hai ngày 13 và 14/5, đã có ít nhất 15 nhà máy, xí nghiệp bị phá hoại, trong đó phần lớn là của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu của Trung Quốc, Đài Loan).
Công nhân diễu hành phản đối ôn hòa ở TPHCM. Ảnh: Trực Ngôn |
Trong thông cáo gửi các cơ quan chức năng sáng cùng ngày, UBND tỉnh Bình Dương kêu gọi người dân tránh bị kẻ xấu lợi dụng, biểu thị lòng yêu nước nhưng phải ôn hòa và bảo đảm môi trường đầu tư.
Tại các KCN như Sóng Thần I, II, VSip, thông qua hệ thống loa phát thanh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương đã ra lời kêu gọi công nhân các DN bình tĩnh, không bị kích động, xúi giục đập phá nhà máy, xí nghiệp.
Ghi nhận của phóng viên VietNamNet sáng 14/5 cho thấy, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Bộ Công an trong sáng nay tiến hành trấn giữ hàng loạt nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan ở KCN Việt Nam – Singgapore, Sóng Thần… Những nhà máy này trước đó đã bị đập phá, hư hại rất nặng.
Công nhân phản ứng việc kích động bạo lực khiến công ty đóng cửa Ảnh: Facebook Thiên Định |
Tiếp xúc với phóng viên, phần lớn công nhân và DN đều bày tỏ thất vọng trước hành vi của một bộ phận công nhân quá khích.
“Tụi em biết trong số người kích động đốt, phá nhiều người không phải là công nhân. Không chỉ có hành vi o ép, họ còn cố tình lôi kéo công nhân đập phá tài sản. Những công nhân chân chính không bao giờ có hành động như vậy, bởi tụi em chỉ làm ăn sinh sống”- một nữ công nhân cho biết.
Nhiều công nhân các nhà máy lo ngại tình hình kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống. Họ đang lo lắng trước việc không có tiền để sinh sống, nuôi con, chăm sóc gia đình. Đã có một số đối tượng quá khích, kích động công nhân ngừng việc, hôi của bị cơ quan công an bắt giữ.
“Việc công nhân thể hiện lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam là đúng. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây nổi lên hiện tượng một số người manh động đập phá máy móc, nhà xưởng, hôi của... thì đó là việc làm không nên.
Hủy hoại tài sản của người khác là việc làm xấu, không thể biện minh đó là hành động yêu nước. Hành vi quá khích này chắc chắn ảnh hưởng đến DN, nhà đầu tư và đặc biệt là công việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân…kéo theo nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước”- Tổng giám đốc một DN giày da ở KCN Sóng Thần bày tỏ lo lắng.
Còn tại TPHCM, tình hình tại KCX Linh Trung I, II và KCN Tân Tạo đã tương đối ổn định sau khi các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên, một số DN lo sợ công nhân quá khích nên đã thông báo đóng cửa tạm thời.
Trực Ngôn